Cơn sốt ngành truyền thông tại AJC Open Day 2024
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 7/4, nhiều sĩ tử háo hức tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và dành nhiều sự quan tâm đến ngành truyền thông được đào tạo tại trường.
Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tư vấn tuyển sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, AJC Open Day 2024 là nơi để cán bộ, giảng viên của Học viện giải đáp thắc mắc về các ngành học cụ thể, đồng thời hướng nghiệp, chia sẻ thông tin thiết thực cho học sinh và phụ huynh. Đây còn là cơ hội để các sĩ tử nắm rõ những nội dung tuyển sinh mới nhất của nhà trường.
Tại gian trại khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, học sinh và phụ huynh tập trung đông để lắng nghe tư vấn từ các giảng viên giàu kinh nghiệm. Phần lớn, các bạn học sinh quan tâm đến mức điểm chuẩn của các ngành và cơ hội việc làm của ngành truyền thông sau khi ra trường.
Sinh viên hỗ trợ của khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc về chương trình học tập, các hoạt động ngoại khóa tại khoa nói riêng và toàn trường nói chung.
Hiện nay, Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo của nhà trường đang đào tạo 3 chuyên ngành, gồm: Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, Truyền thông Marketing và Quảng cáo.
Năm 2023, với mức điểm chuẩn trung bình 9,51 điểm/môn, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp trở thành một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất nhì cả nước.
Ở thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện cao nhất với 28,68 điểm tại tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội). Với thang điểm 40 (môn Anh nhân hệ số 2), ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp tuyển sinh với số điểm cao nhất là 38,02 điểm tại tổ hợp D78 (Văn, Khoa học xã hội và Tiếng Anh) và R26 (Văn, khoa học xã hội, điểm quy đổi chứng chỉ Tiếng Anh). Tại tổ hợp nhân đôi hệ số 2 điểm môn Ngữ văn, chuyên ngành Báo Truyền hình lấy 37,23 điểm.
Để đáp ứng nhu cầu cao về ngành truyền thông, năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng 100 chỉ tiêu xét tuyển ngành Truyền thông Đa phương tiện so với năm 2023 (50 chỉ tiêu). Điều đó đã phần nào cho thấy “độ nóng” của ngành truyền thông đối với các sĩ tử.
TS. Nguyễn Thị Như Huế (Phó trưởng Ban Quản lý Đào tạo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Điểm chuẩn những năm gần đây của những ngành về truyền thông tại Học viện thuộc ngưỡng cao, các bạn sĩ tử nên sử dụng thêm những phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ hay xét học bạ THPT để nắm chắc cơ hội đỗ vào trường".
Đầu năm 2024, khoa Phát thanh - Truyền hình sáp nhập với Viện Báo chí thành Viện Báo chí - Truyền thông. Đây là một trong những khoa, viện thu hút đông học sinh đăng ký nhất trong suốt nhiều năm liền. Viện Báo chí - Truyền thông hiện đang đào tạo 2 ngành liên quan tới lĩnh vực truyền thông là Truyền thông đại chúng và Truyền thông Đa phương tiện. Bên cạnh đó là 6 nhóm ngành Báo chí (Báo in, Báo mạng điện tử, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Ảnh báo chí và Quay phim truyền hình).
Bạn Nguyễn Hà Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mang theo nhiều thắc mắc về ngành truyền thông tới ngành hội tuyển sinh, cô chia sẻ: “Mình rất thích được học và làm việc về lĩnh vực truyền thông. Mình đã nghiên cứu rất kỹ chương trình học của ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, đây chính là nguyện vọng 1 của mình”. Hà Anh cho biết đã đến tham gia từ sớm để lắng nghe kỹ lưỡng hơn những giải đáp về cơ hội ngành nghề.
Chia sẻ về lý do yêu thích ngành Truyền thông đa phương tiện, bạn Nguyễn Thảo Linh (học sinh lớp 11, THPT Hưng Yên) bày tỏ: “Mình từng có cơ hội trò chuyện với các anh chị làm truyền thông, mình thấy được sự năng động và linh hoạt của ngành nghề này và thấy rất phù hợp với bản thân”. Thảo Linh háo hức chia sẻ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn là nguyện vọng số 1 và rất hy vọng sẽ sớm trở thành sinh viên của trường để được rèn luyện trở thành một nhà truyền thông tài năng trong tương lai.