Lập chợ…giữa đồng

(Sóng trẻ) - Chợ Tam Hiệp (Tam Hiệp - Thanh Trì- Hà Nội) rộng rãi, khang trang, đã lập được vài năm nay nhưng luôn trong tình trạng “bị ghẻ lạnh”. Phải chăng là do thiếu sự tính toán khi dựng chợ giữa cánh đồng thưa dân?

“Hai thế giới”

Con đường đi từ nghĩa trang Văn Điển đến khu tập thể 105 khá dài, một bên là cánh đồng, bên còn lại là thưa thớt vài nhà dân. Thế mà nơi đồng không mông quạnh ấy lại mọc lên một khu chợ rộng rãi khang trang, biển cổng oai phong “Chợ Tam Hiệp” (Tam Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội). Lạ là khi bước vào người ta chỉ thấy một hiệu thuốc, một cửa hàng tạp hóa ở kiot mặt tiền, một hàng khô và vài ba hàng thịt, hàng rau phía bên trong ngán ngẩm nhìn nhau chờ khách. Mấy câu chuyện tầm phào thốt ra mà còn nghe rõ cả tiếng thở của người kể chuyện. Một khu chợ yên tĩnh lạ thường… 

Ấy thế mà chỉ đi thêm khoảng 800m, qua một con ngõ nhỏ vào khu tập thể Yên Ngưu (Văn Điển - Thanh Trì - Hà Nội) lại thấy xôn xao tiếng mời chào của con buôn xen lẫn tiếng mặc cả, kì kèo qua lại. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng hai thế giới khác biệt lại gần nhau đến thế. Bất chợt tiếng xe công an cùng với tiếng loa dẹp chợ làm tắt đi nụ cười, chân mày của tiểu thương chau lại và mồ hôi lấm tấm run theo từng cơ mặt vội vã. Người mua, kẻ bán tản nhanh vào các ngõ nhỏ xung quanh, không gian lắng xuống tạm thời. Và khi chiếc xe công an nổ máy rời đi, tiểu thương thở phào, khu chợ tạm lại đi vào quy trình hoạt động của nó. 

7e840656c_lap_cho_giua_dong_1.jpg
 
Chợ Tam Hiệp giữa cánh đồng ít người qua lại

Muôn vàn bất cập

Năm 2008, Đề án “Đầu tư xây dựng chợ” (2008-2015) được Ban Thường vụ Huyện ủy và HĐND huyện Thanh trì đề ra nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông do chợ tạm, chợ cóc rải rác, đồng thời đảm bảo vệ sinh khu vực. Chợ tạm ở khu tập thể Yên Ngưu đã có lịch sử hoạt động 20 năm và rất nhiều chợ nhỏ khác trên địa bàn huyện đã được dẹp bỏ. Thay vào đó là những khu chợ mới kiên cố, trong đó có chợ Tam Hiệp. 

Thế nhưng có vẻ như các nhà chức trách đã lãng quên việc ưu tiên tính thuận tiện của chợ khi “ưu ái” đặt chợ Tam Hiệp tại một nơi rộng rãi - giữa cánh đồng, ít hộ dân sinh hoạt thay vì khu dân cư đông đúc nhiều người qua lại. Thế nên khu chợ này bao nhiêu năm nay vẫn giữ được trạng thái ban đầu và “vẻ đẹp tĩnh lặng” của nó. Điều này khiến không ít người dân tỏ ra hoang mang, khó hiểu, và thế là những khu chợ tạm như ở khu tập thể Yên Ngưu vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù quy mô có nhỏ hơn trước mà mật độ “chạy loạn trốn công an” thì dày đặc.

Chị Nguyễn Hồng Nhung - người dân  khu tập thể Yên Ngưu cho hay: “Ai mà rảnh rỗi trời nắng thế này đi ra Tam Hiệp mua thức ăn, mua ở đây (chợ tạm) vừa tiện, vừa đủ, có quên mua cái gì thì lại chạy ra mua ngay được”. Cô Dương Thị Phượng bán thịt ở chợ tạm chia sẻ: “Ra đấy mà bán cho hổ, chợ giữa cánh đồng thế thì ai mua”.

Mặt khác, giá thuê mặt bằng ở chợ Tam Hiệp cũng thuộc loại “chát”, Chị Nan - chủ quầy thuốc Kiên Nan ở ki ốt mặt tiền cho biết: “Chị thuê ki ốt này 30 triệu/năm, phải kí hợp đồng thuê trong 5 năm, chị bán thuốc thì còn có thể chi trả giá này nên thuê thôi chứ buôn bán tạp hóa nhỏ thì chắc họ chẳng dám thuê đâu”.

Chính vì những lý do đó nên đứng ở cổng chợ Tam Hiệp người ta có thể đếm được số lượng người ra vào, người lạ hay quen thì chỉ cần liếc mắt là biết. Thấy tôi lạ lẫm cầm máy ảnh bước vào, hai chị hàng thịt bông đùa: “Chụp gì, chợ có ai đâu mà chụp, chụp kỉ niệm chị cái ảnh này”. Lân la hỏi chuyện các chị, tôi mới biết lý do mà các chị còn ngồi bán ở đây: “Nhà chị ngay đối diện chợ kia kìa, trước chưa có chợ thì chị bán ở cửa nhà, giờ có chợ rồi thì cứ vào ngồi thôi, đỡ bị đuổi, tội gì. Ở đây khách ít, bán không ăn thua nên nhập ít thịt thôi cũng chỉ dám thuê lán để bán thôi”. Hóa ra yếu tố cốt lõi để chợ vẫn còn hoạt đông lại gây cười đến thế.

7e840656c_lap_cho_giua_dong_3.jpg

7e840656c_lap_cho_giua_dong_2.jpg
  
Ki ốt bị bỏ hoang ở chợ lớn Tam Hiệp và cảnh buôn bán lề đường ở chợ cóc Yên Ngưu

Lực bất tòng tâm

Khi người ta đã không muốn buôn bán ở chợ lớn thì muôn vàn “chiêu trò” để ở lại chợ nhỏ được tiểu thương nghĩ ra. Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản để thuê khoảng mặt tiền trước cửa các nhà bên đường cho tiện buôn bán, coi như mở cửa hàng, công an có kiểm tra thì đỡ phải chạy. Có những người không muốn bỏ tiền ra thì kết thân với các hộ gia đình trong ngõ để lỡ như bị đuổi thì có chỗ trốn tạm. Cô Lê Thị Hướng - người bán đậu phụ chợ Yên Ngưu cười khi tôi hỏi về cách trốn nhanh mỗi lần công an đến: “Thì buộc vào cổ với đội lên đầu mà chạy thôi. Cô bán đậu nên không cần mặt bằng lớn, chạy là cách tốt nhất, chứ bỏ ra 900 nghìn mỗi tháng thuê cửa hàng như mấy cô bán thịt với hàng khô kia thì còn được bao nhiêu lãi. Trước ngày nào cũng đuổi, giờ chắc đuổi chán rồi nên thi thoảng mới phải chạy thôi”.

7e840656c_lap_cho_giua_dong_4.jpg
 
Những mặt tiền được tận dụng để cho thuê buôn bán

Những giải pháp cho hiện trạng này dần rơi vào bế tắc. Chợ lớn vẫn bỏ hoang, chợ bé vẫn hoạt động, đường vẫn tắc và công tác vệ sinh vẫn vất vả. 

Ông Lê Mạnh Triển - Trưởng khu tập thể Yên Ngưu đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia công tác dẹp chợ nhỏ chia sẻ: “Vốn dĩ không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm cho người dân. Khi mà cả Văn Điển và Tam Hiệp sinh hoạt chung một khu chợ mới nhưng chợ lại xây dựng ở địa điểm không hợp lý, dẫn đến người mua không có, người bán buộc phải tự phát. Lực lượng của chúng tôi không đủ để đi kiểm tra và dẹp tất cả các chợ từng ngày. Công tác quản lý vệ sinh càng bất cập hơn khi người ta tự mở khu vực buôn bán, nó không được gọi là chợ với cái tên chính thức nên chúng tôi cũng không thể thu tiền vệ sinh của họ. Nài khu chợ Tam Hiệp này ra thì có một vài khu chợ khác cũng vắng lắm mà không biết làm sao”. 

Ngay cả người có chức năng mà vẫn mơ hồ, thiếu trách nhiệm đến vậy thì không biết dân phải trông cậy vào ai. Và câu trả lời cho sự xuất hiện lạ lùng của khu chợ lớn kia mãi vẫn là một ẩn số. Không ai phủ nhận những điểm đáng khen của đề án đổi mới. Công văn quy hoạch từ Huyện lên Quận “về làng” khiến nhà nhà cười vui, người người mừng rỡ. Thế nhưng nếu cứ quy hoạch theo kiểu mang chợ đặt ra xa khu dân cư thế này thì ai khóc cho dân và ai khóc cho con buôn?

Lê Thị Huyền Trang

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN