Nhiều quán cà phê “đau đầu” với tình trạng nhân sự nghỉ việc bất ngờ
(Sóng trẻ) - Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) được đánh giá trở lại mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch Covid - 19 với sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, tình trạng đào thải nhân lực nhanh chóng của ngành đang có xu hướng tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển.
Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) là ngành có tính cạnh tranh cao và tốc độ đào thải nhanh. Để tồn tại, trụ vững và phát triển lâu dài, các doanh nghiệp cần phải không ngừng thay đổi để đáp ứng được nhu cầu và xu hướng mới từ người tiêu dùng.
Điều này dẫn đến việc ngành F&B là nhóm lao động có nhiều biến động bậc nhất trên thị trường tuyển dụng hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn do nhân viên của các quán cà phê thường chỉ làm việc trong một khoảng thời gian ngắn và không có kế hoạch gắn bó lâu dài.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng nghỉ việc bất ngờ như: nhân viên cảm thấy công việc không phù hợp, công việc quá nặng nhọc, công việc ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân … Tệ hơn là nhân viên tự ý nghỉ việc không thông báo, nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ, thái độ phục vụ không chuyên nghiệp. Nhiều quyết định nghỉ việc thường được nhân viên đưa ra chỉ trong “nháy mắt”.
Đối mặt với tình trạng này, nhiều chủ quán cà phê hay các quản lý cửa hàng gặp không ít khó khăn. Chị Đoàn Ngọc Hà - Quản lý cửa hàng tại Highlands Coffee Hào Nam cho biết: “Để đào tạo một nhân viên thành thạo cần mất từ 1 đến 2 tháng tùy vị trí. Tình trạng nhân viên nghỉ việc sau khi đi làm khoảng 3, 4 tháng khiến quán phải tìm kiếm nhân viên thay thế, đào tạo lại từ đầu và tương đối mất thời gian.”
Dưới áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khối lượng nhân sự thường xuyên thay đổi làm ảnh hưởng đến doanh thu và giá trị thương hiệu. Nếu như nhân sự không đảm bảo yêu cầu cơ bản về số lượng cần thiết sẽ là rào cản tới khả năng vận hành của quán.
Phần lớn nhân sự của các quán cà phê là sinh viên - nguồn nhân lực dồi dào, dễ dàng tìm kiếm và đào tạo. Ưu điểm của nhóm nhân sự trẻ là có khả năng tiếp thu, ứng biến tốt và thích nghi với môi trường mới nhanh nhạy. Vì vậy, các công việc bán thời gian hay cụ thể là làm việc tại các quán cà phê thường được các bạn trẻ lựa chọn để vừa có thời gian học tập trên trường, vừa có thể kiếm thêm thu nhập, trau dồi các kỹ năng, kinh nghiệm.
Mặc dù được chọn lựa ca làm việc linh động nhưng về lâu dài công việc bán thời gian đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe và việc học của các bạn sinh viên. Bạn Trần Lan Hương - Sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ: “Những ca làm việc kết thúc lúc đêm muộn khiến mình thường rơi vào trạng thái mệt mỏi khi ngày hôm sau phải lên lớp. Điều này khiến thành tích của mình đi xuống rõ rệt. Sau 3 tháng làm việc, mình đã quyết định nghỉ việc để tập trung hơn cho học tập”.
Mức lương của nhân viên tại các quán cà phê trên thị trường dao động từ 15.000 đến 23.000 nghìn đồng/ 1 tiếng. Tùy vào mô hình kinh doanh và khối lượng công việc của nhân viên, mức lương sẽ được điều chỉnh khác nhau. Khi so sánh với các nhóm ngành nghề khác, con số này khá khiêm tốn, khó trở thành công việc được lựa chọn để làm lâu dài.
Đây là một bài toán khó của các chủ cửa hàng và quản lý khi phải tìm được giải pháp hạn chế tình trạng nghỉ việc bất ngờ, nghỉ việc của nhân viên chỉ sau một thời gian làm việc ngắn hạn.