(Sóng trẻ) - Tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác và cũng chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, tự kỷ không cướp đi đứa con thân yêu của các bố mẹ nếu biết can thiệp đúng lúc - đúng cách, người tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cuộc sống. Đó cũng là những chia sẻ của Thạc sĩ Y tế công cộng Hoàng Thị Hoa – Cán bộ điều phối dự án - Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số về vấn đề này.
Thạc sĩ Y tế công cộng Hoàng Thị Hoa – Cán bộ điều phối dự án - Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số
PV: Xin chào Thạc sĩ, bà có thể chia sẻ một số phương pháp cơ bản giúp can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ tại nhà?
ThS: Hiện nay trên thế giới có rất nhiều phương pháp khác nhau để can thiệp cho trẻ tự kỷ với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, tâm lý, nhi phát triển, hoạt động trị liệu, âm ngữ trị liệu, vận động trị liệu. Một số phương pháp can thiệp là sự kết hợp của nhiều phương pháp khác – chẳng hạn, kết hợp giữa cách tiếp cận hành vi và cách tiếp cận theo tiến trình phát triển. Ví dụ một số phương pháp can thiệp như: các phương pháp can thiệp dựa trên cách tiếp cận về hành vi sử dụng các nguyên lý của phân tích hành vi ứng dụng (ABA) như phương pháp Dạy từng lượt riêng rẽ, Hỗ trợ hành vi tích cực; các phương pháp can thiệp trên nền tảng hành vi kết hợp với tiếp cận phát triển tự nhiên như Mô hình can thiệp sớm Denver, phương pháp Chú ý chung – chơi biểu tượng – tham gia và điều tiết. Một số phương pháp can thiệp dựa trên trị liệu đặc thù như Âm ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu, Hệ thống giao tiếp thông qua trao đổi hình ảnh. Nài ra một số điều trị về y sinh (dùng thuốc) được sử dụng giúp cải thiện các vấn đề sức khoẻ đi kèm theo như rối loạn về giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, lo âu.
Phụ huynh nên làm việc với nhà chuyên môn để đánh giá trẻ và tìm ra được phương pháp phù hợp nhất với trẻ và gia đình.
PV: Tâm lý không chấp nhận con mình mắc tự kỷ của các bậc làm cha mẹ có phải là một trong những nguyên nhân khiến công tác điều trị can thiệp cho trẻ trở nên khó khăn hơn không thưa thạc sĩ?
ThS: Đón nhận thông tin con được chẩn đoán bị tự kỷ là một điều khó khăn với các cha mẹ. Cha mẹ có thể phải trải qua nhiều giai đoạn cảm xúc đau khổ, từ phủ nhận, không tin vào điều đang xảy ra với con mình, đến tức giận, trút cơn giận lên những người gần gũi nhất với mình hoặc cũng có thể cảm thấy oán giận cả cha mẹ của những đứa trẻ bình thường. Họ tự vấn bản thân, không biết có phải mình đã làm gì sai, sao mình không đưa con đến khám bác sỹ sớm hơn hoặc nghi ngờ về kết quả chẩn đoán, buồn hoặc đau khổ trong một thời gian vì thương con, vì những gì con đang gặp phải rồi mình mất đi những hy vọng và ước mơ dành cho con, cuối cùng chấp nhận kết quả chẩn đoán để bắt đầu hỗ trợ con.
Với mỗi người, những giai đoạn cảm xúc này có thể ngắn hoặc dài, có thể trải qua cả 5 giai đoạn của đau khổ, hoặc bỏ qua một giai đoạn nào đó hoặc ở mãi một giai đoạn. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ cần nhanh chóng vượt qua những giai đoạn cảm xúc này để bắt tay vào can thiệp cho con vì lúc này trẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ hơn bất cứ ai và việc can thiệp cần được thực hiện ngay, bắt đầu càng sớm thì càng tốt.
PV: Bên cạnh những phương pháp can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ tại nhà, ở Việt Nam có khá nhiều các trung tâm với nhiều phương pháp khác nhau. Vậy thạc sĩ có đánh giá như thế nào về hiệu quả của những phương pháp này?
ThS: Tôi cho rằng tất cả các trung tâm khi tiến hành can thiệp cho trẻ, đều mong muốn trẻ sẽ có những tiến bộ. Tuy nhiên, một số trung tâm đang áp dụng những phương pháp can thiệp không dựa trên bằng chứng khoa học. Theo một nghiên cứu của tác giả Trần Văn Công và Bahr Weiss đăng trên tạp chí International Journal of Social Science and Humanity vào tháng 4/2018 , khi tìm hiểu về 68 cơ sở can thiệp ở 19 tỉnh thành tại Việt Nam, chỉ có 27.9 % trung tâm có áp dụng và sử dụng các hướng dẫn về các thực hành dựa trên bằng chứng được xem là phù hợp. Nếu lựa chọn phương pháp can thiệp sai, không có kiểm chứng khoa học thì có thể làm lãng phí tiền bạc và thời gian, đặc biệt là thời gian can thiệp cho con, ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trẻ.
PV: Qua buổi trò chuyện ngày hôm nay, thạc sĩ có lời khuyên nào dành cho những người đã và đang trực tiếp can thiệp, hỗ trợ nuôi dạy trẻ tự kỷ?
ThS: Tôi cho rằng điều quan trọng phụ huynh cần biết là thái độ và cách hiểu của họ về rối loạn phổ tự kỷ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng cho chính họ. Những niềm tin tích cực, thái độ lạc quan, bằng lòng và thấu hiểu về những khuyết tật của trẻ, khả năng thích nghi với cuộc sống mới với trẻ có tự kỷ và niềm tin rằng mọi chuyện sẽ ổn là những chiến lược ứng phó giúp giảm căng thẳng cho phụ huynh. Quyết tâm cùng con tạo dựng một tương lai tốt nhất có thể tạo động lực cho cha mẹ sống lạc quan và kiên cường để làm những điều tốt nhất cho con.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò quan trọng của phụ huynh tham gia vào quá trình can thiệp cho trẻ. Vì vậy mong phụ huynh hãy mạnh mẽ, tự tin, duy trì năng lượng tích cực để giúp đỡ con phát huy được tối đa tiềm năng của mình.
PV: Xin cảm ơn ThS. Hoàng Thị Hoa đã tham gia trả lời phỏng vấn của phóng viên! Chúc bà luôn thành công trong công việc và cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Hoa có bằng Thạc sĩ Y tế công cộng và tham gia dự án A365 từ năm 2015. Bà Hoa điều phối việc phối hợp giữa nhóm công nghệ thông tin, các nhà chuyên môn và phụ huynh để xây dựng hệ thống A365. Bà Hoa đã có hơn 8 năm kinh nghiệm tham gia các dự án xã hội tạo ra tác động trong nhiều lĩnh vực như phòng ngừa HIV/AIDS, hỗ trợ nhóm yếu thế, phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật.
|
Nguyễn Thương