Xóm thùng phuy Mai Lĩnh: Tiếng búa đập, đe ghè đã không còn râm ra
(Sóng Trẻ)- Đầu năm 2015 cái tên “ Xóm thùng phuy” tại chân cầu Mai Lĩnh nổi lên như một “hiện tượng” bởi thành tích bức tử sông Đáy vô cùng tàn bạo. Đây được coi là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn Quận Hà Đông ( thành phố Hà Nội).
Xóm thùng phuy – “ám ảnh kinh hoàng” một thời
Trong hai năm 2015- 2016, xóm thùng phuy chân cầu Mai Lĩnh là một trong những điểm nóng quen mặt đối với báo chí. Chỉ rộng vỏn vẹn khoảng 50m2 nhưng nơi đây đã bức tử thành công con sông Đáy huyền thoại. Tiếng búa đập, nước thải và hóa chất từ các cơ sở sản xuất thùng phuy được xả thẳng ra môi trường ( cụ thể là con sông Đáy), biến nơi đây thành một dòng sông “chết” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Xóm thùng phuy một thời là nỗi kinh hoàng đối với người dân sinh sống quanh khu vực chân cầu Mai Lĩnh
Trong ký ức của những người dân phường Đồng Mai, xóm thùng phuy thực sự là một nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi mức độ ô nhiễm tiếng ồn, và ô nhiễm hóa chất mà nơi đây gây ra.
Theo lời nhiều người dân thuật lại: Trước đây con sông Đáy là nguồn nước chủ yếu phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân quanh khu vực. Khoảng gần 10 năm trước, con sông Đáy chảy qua địa phận cầu Mai Lĩnh vẫn trong và sạch. Người dân có thể dùng nguồn nước của con sông này để sinh hoạt và tưới tiêu. Cá tôm nhiều và thậm chí trẻ con có thể bơi lội và nô đùa tung tăng dưới dòng nước.
Nghề làm thùng phuy vẫn còn tồn tại nhưng mức độ ô nhiễm đã giảm đi đáng kể
Khoảng vài năm trở lại đây khi phát sinh “làng nghề’ gõ thùng phuy thì đoạn sông Đáy chảy qua địa phận chân cầu Mai Lĩnh đã trở thành một điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Không chỉ phải chịu tiếng đe, tiếng búa suốt cả ngày mà người dân còn phải hứng chịu mùi hôi thối và hóa chất bốc lên từ xóm thùng phuy.
Theo cô T, những ngày trở gió, khách chẳng dám ngồi quán của cô uống nước vì mùi hôi thối từ xóm thùng phuy bốc lên không thể nào mà chịu được. Mùi nồng nặc và đậm đặc của hóa chất cộng hưởng với mùi hôi thối của cá tôm chết dạt vào bờ. Cô T thậm chí còn phải “trang bị” khẩu trang để chống chọi với các loại mùi tạp nham. Cũng theo lời cô T người dân phường Đồng Mai- là nơi hứng chịu trực tiếp những ảnh hưởng của xóm thùng phuy đã nhiều lần ý kiến lên các cấp chính quyền nhưng phải đến giữa năm 2016 mới có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tình trạng ô nhiễm cũng vì thế được giảm thiểu phần nào. Tuy nhiên vẫn có tình trạng làm chui, khi có đoàn kiểm tra các cơ sở căng lều, phủ bạt sau đó lại tiếp tục hoạt động.
Đã không còn hình ảnh nước thải từ các cơ sở sản xuất thùng phuy chảy thẳng ra khúc sông Đáy chạy qua cầu Mai Lĩnh
Truy tìm con nước đầu nguồn
Những ngày tháng 5 năm 2017 khi trở lại xóm thùng phuy chân cầu Mai Lĩnh, có thể nhận thấy tình trạng ô nhiễm của các cơ sở thùng phuy đã giảm bớt phần nào. Nguyên nhân đến từ những sức ép của chính quyền và người dân khiến cho các chủ cơ sở sản xuất và tái chế thùng phuy không dám lộng hành như trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những người dân phường Đồng Mai khi họ đã phải chịu cảnh sống chung với tiếng búa, tiếng đe trong một thời dan dài.
Khảo sát đoạn sông Đáy chảy qua chân cầu Mai Lĩnh đã không còn xuất hiện những dòng nước thải đen ngòm và ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất thùng phuy. Cách đấy khoảng 200m, nước thải được “tập kết” tại các hồ chứa. Dòng nước thải đen ngòm, sủi bọt và hôi thối này trước đây đã được xả thẳng ra dòng sông Đáy mà không qua bất kỳ một khâu xử lý nào. Dễ hiểu vì sao người dân Đồng Mai lại có thái độ phản ứng gay gắt đối với các cơ sở sản xuất thùng phuy.
Sau đợt ra quân rầm rộ năm nái, xóm thùng phuy đã hoạt động cầm chừng và chú trọng công tác bảo vệ môi trường hơn.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm ở xóm thùng phuy đã được giảm bớt là có các cơ sở đã chuyển sang kinh doanh loại thùng phuy bằng nhựa. Việc hạn chế gia công và tái chế thùng phuy kim loại giảm thiểu phần nào mức độ ô nhiễm vì đây chính là thủ phạm khiến cho các cơ sở sản xuất phải sử dụng đến các loại hóa chất.
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân họ vẫn không thể sử dụng được nước của con sông này vì mức độ ô nhiễm đã không thể “ cải tạo được nữa rồi”. Với các hộ sản xuất nông nghiệp họ phải dẫn nước từ nơi khác để tưới tắm cho cây vì chính họ cũng không dám sử dụng nông sản được tưới tiêu từ đoạn sông Đáy chảy qua cầu Mai Lĩnh.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng bức tử sông Đáy đó chính là các cơ sở sản xuất miến ( dong, riềng) ở Hoài Đức. Cách đó 20km, các cơ sở trên vẫn vô tư xả thẳng nước ô nhiễm ra sông Đáy. Hóa chất sử dụng làm miến ( dong, riềng) thường là hóa chất tẩy trắng, tạo màu công nghiệp. Đây là những hóa chất gây hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe của con người. Điều này lý giải vì sao dù cách 20km nhưng dòng nước ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất miến ( dong, riềng) vẫn đủ sức bức tử cả một đoạn sông dài như thế.
Trong khi vấn đề ở Mai Lĩnh đã được phần nào giải quyết thì ở đầu khúc sông các cơ sở sản xuất vẫn đang ngày đêm bức tử sông Đáy mà không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Người dân Đồng Mai ngán ngẩm mà bảo với nhau rằng : “ Thôi thì đằng nào cũng chết. Không ở cuối sông thì lại ở đầu sông”.
Vũ Ninh
ĐPTK 34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận