“Tham công tiếc việc”, liệu Gen Z có đang rơi vào “năng suất độc hại”?
(Sóng trẻ) - Làm việc không ngừng, thiếu thời gian nghỉ ngơi, xem thời gian giải trí là lãng phí… là những biểu hiện điển hình của “Năng suất độc hại”, thói quen làm việc mà nhiều bạn Gen Z hiện nay đang mắc phải nhưng không hề hay biết.
Năng suất độc hại là gì?
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về “Năng suất độc hại”. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia đều đồng ý rằng đây là một lối tư duy làm việc điên cuồng. Nó bắt nguồn từ “Văn hóa hối hả” (Hustle culture) xuất hiện trong thời đại 4.0.
Tình trạng này khiến mọi người thường có ám ảnh nặng nề với công việc. Họ “yêu” làm việc đến mức không có thời gian chăm sóc bản thân, cảm thấy tội lỗi khi rảnh rỗi. Thậm chí là khi bị bắt buộc phải nghỉ ngơi, họ vẫn không thể dập tắt những suy nghĩ về công việc để tận hưởng trọn vẹn thời gian giải trí.
Một mặt, năng suất độc hại thúc đẩy, khuyến khích bạn phải làm việc để đạt đến thành công. Mặt khác, việc ôm đồm quá nhiều công việc cùng một lúc khiến chất lượng giảm đi, kết quả không như bạn mong muốn.
Từ đó, bạn dễ dàng nảy sinh những suy nghĩ cho rằng bản thân kém cỏi hơn mọi người. Như vậy, dù có làm việc chăm chỉ nhưng trạng thái sức khỏe dễ bị kiệt sức vì những áp lực và sự tiêu cực trong cảm xúc của chính mình.
Bạn trẻ khủng hoảng vì “tham công tiếc việc”
Bạn Nguyễn Vân Anh (19 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ lại những khoảng thời gian áp lực của mình: “Từ khi lên đại học mình trở nên thức khuya nhiều hơn vì ban ngày phải đi học, chỉ có buổi tối mới có thể làm công việc tại chỗ làm thêm. Đặc biệt là vào khoảng thời gian ôn thi mình có thể thức đến hai giờ sáng”.
Vì thức khuya liên tục, Vân Anh nhận thấy rõ sức khỏe đang dần giảm sút. Cô bạn thường xuyên trong trạng thái buồn ngủ, lờ đờ vào sáng hôm sau. Nhưng vì lo lắng công việc không thể hoàn thành nên “tối nào mình cũng cố làm đến 70% phần việc rồi mới đi ngủ”.
Chung cảnh ngộ, bạn Đặng Thị Hồng Hoa (19 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) kể lại khoảng thời gian khủng hoảng nghiêm trọng vì không thể cân bằng giữa việc học và việc đi làm thêm tại hai nơi:
“Mình đang làm nhân viên truyền thông cho một công ty. Lúc mới vào làm mình rất áp lực vì thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng. Vì thế, hầu hết thời gian rảnh mình dành để tự học. Thậm chí, mình còn không đủ thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi. Tinh thần thì mệt mỏi, chán nản khiến mình khóc khá nhiều. Mọi thói quen sống lành mạnh trước đó mình xây dựng đều bị phá vỡ”.
Cũng bởi vì “tham việc”, mọi người xung quanh Hoa thường trêu cô bạn là “nô lệ” của đồng tiền. “Những cuộc hẹn với bạn bè hầu hết đều là do mình hủy trước vì quá bận. Mình cảm nhận rõ các mối quan hệ xung quanh đang “nhạt” dần”, Hoa tâm sự thêm.
Thế nhưng, khi được gia đình khuyên nên tạm dừng một việc làm thêm để tập trung học tập thì Hoa lại không thể dứt khoát vì chủ không đồng ý và sợ khiến mọi người thất vọng
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn trẻ hiện nay ‘điên cuồng” lao đầu vào công việc. Một trong số đó như gánh nặng tài chính, sự ảnh hưởng của “chủ nghĩa hoàn hảo” khiến Gen Z khắt khe hơn với bản thân hơn hay áp lực từ sự kỳ vọng của mọi người…
Giải pháp nào để thoát ra?
Tuy nhiên, Hoa dù không bỏ việc nhưng cô bạn cũng cố gắng “chỉnh đốn” lại thói quen độc hại này để cuộc sống trở nên lành mạnh và vui vẻ hơn: “Nếu như không thay đổi cách làm việc hiện tại, mình sẽ không thể làm trọn vẹn bất cứ việc gì cũng như không thể phát huy hết khả năng của bản thân”.
Dưới đây là một số cách hiệu quả mà các bạn trẻ có thể áp dụng dễ dàng để thoát ra khỏi vòng vây luẩn quẩn của “năng suất độc hại”:
Thứ nhất, sống chậm lại để chọn lọc và ưu tiên những mục tiêu thực tế và cần thiết nhất: Chỉ có bạn là người hiểu rõ nhất tình trạng của bản thân mình. Vì vậy, hãy dành ra những khoảng nghỉ ngắn từ nửa ngày đến 1 ngày để đánh giá khoảng thời gian làm việc trước đó và đưa ra những mục tiêu mới một cách rõ ràng.
Thứ hai, lập thời gian biểu khoa học. Một thời gian biểu khoa học là khi bạn biết cách cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Chúng ta có thể sử dụng ma trận Eisenhower để chia nhỏ đầu việc theo 4 mức độ cụ thể, bao gồm: Vừa quan trọng vừa khẩn cấp, quan trọng nhưng không khẩn cấp, không quan trọng nhưng khẩn cấp, không quan trọng cũng không khẩn cấp.
Thứ ba, ngừng so sánh bản thân với người khác: Việc liên tục tự ti sẽ khiến bạn càng thêm chán nản và giảm bớt động lực làm việc. Những lúc như vậy, cách tốt nhất là ngừng lướt mạng xã hội, ngắt kết nối tạm thời với mọi người để bạn có thể tập trung hoàn thành tốt công việc của mình. Bạn của hôm nay tốt hơn bạn của hôm qua cũng là một thành tựu đáng trân trọng.
Thứ tư, học cách từ chối khi cần thiết: Đôi khi, vì sợ mất lòng cấp trên hay đồng nghiệp mà chúng ta dễ dàng đồng ý với những phần việc không lương, ngoài giờ làm. Do đó, kỹ năng từ chối khéo léo, tinh tế sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn những công việc phát sinh và có thêm thời gian chăm sóc bản thân mình.