“1001” lí do sinh viên chuyển nhà trọ
(Sóng trẻ) - Đối với sinh viên xa nhà lên thành phố học tập, tìm được chỗ ở trọ tốt luôn là một vấn đề nan giải. Bất cứ ai cũng muốn có một chỗ ở ổn định để chuyên tâm vào chuyện học hành nhưng có hàng nghìn những lý do khác nhau buộc sinh viên phải chuyển nhà trọ.
Chủ nhà trọ là… nguyên nhân cơ bản
"Bằng mặt mà không bằng lòng" là thực trạng mối quan hệ của không ít sinh viên với chủ nhà trọ. Mâu thuẫn nảy sinh chủ yếu từ giá phòng, từ thủ thuật “chặt chém” không thương tiếc của chủ nhà trọ. Và đó cũng chính là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều sinh viên phải ngậm ngùi xách “hành lí” ra đi.
Nội thành Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều trường đại học, vì vậy đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà trọ với giá phòng khá cao.Thông thường thì một chủ nhà trọ sở hữu trên dưới chục phòng và số tiền thu về hàng tháng không hề nhỏ. Nhưng đúng là với các chủ nhà trọ thì “tiền bao nhiêu cũng chưa đủ”, để tăng thu nhập cho mình chủ nhà trọ nào cũng tăng cường “chặt chém” sinh viên. Giá nhà, giá điện, giá nước đều ở mức cao ngất ngưởng so với mức giá thông thường hay mức giá ở các nhà trọ nại thành.
Thành (Đại học Sư Phạm) và bạn cùng phòng từ năm nhất đến giờ đến và đi tới ba nhà trọ cũng là vì lí do này. Lúc mới nhập học Thành thuê nhà ở ngõ 165 Xuân Thủy với giá 1,8 triệu/ tháng cho tầng 5. Nài tiền phòng thì còn nhiều khoản khác như tiền mạng 100.000/phòng, nước 80.000/người/tháng, điện 4.500/số, vệ sinh 10.000/người/tháng, vô lí hơn cả là tiền điện cầu thang 10.000/người/tháng khiến cho Thành - một sinh viên con nhà nông phải “choáng”.
Ở được vài tháng Thành chuyển đến thuê phòng ở đường Láng, chấp nhận mất một triệu tiền đặt cọc vì chưa ở đủ hợp đồng 6 tháng. Chuyển đến đường Láng tuy giá phòng rẻ hơn, nước 70.000/người/tháng, điện 3.500/số và không phải đóng điện cầu thang, điện hành lang nhưng Thành lại phải đối mặt với một chủ nhà trọ tăng giá phòng không theo quy luật nào. Ở được một thời gian, cậu đành ngậm ngùi chuyển tới nhà trọ khác
Sinh viên thường xuyên phải chuyển nhà trọ (Ảnh minh họa)
Khác với Thành, Diễm (CĐ Thương Mại – Du Lịch) trọ ở Từ Liêm – một huyện nại thành nên giá trọ có vẻ dễ chịu hơn, tiền phòng 1,2 triệu/ tháng (có thể ở ba người), nước 50.000/người/tháng, điện 3.500/số. Dẫu cũng vẫn là cao nhưng so với khu vực nội thành thì đây là một giá phòng có thể chấp nhận. Tưởng rằng có thể ở lâu dài để chuyên tâm vào chuyện học hành nhưng Diễm lại phải đối mặt với một chủ nhà trọ khá là vô văn hóa. Vào phòng mà không gõ cửa,nói tục chửi bậy la lối om xòm đặc biệt là khi bạn bè của Diễm đến chơi, cũng như việc thách thức “không ở được thì đi chỗ khác để tao cho người khác thuê”.
Gặp chủ nhà trọ của mình ở nài đường hay trong xóm trọ Diễm luôn chủ động chào, nhưng đáp lại lời chào lễ phép là thái độ phớt lờ của ông chủ khiến nhiều lần Diễm cảm thấy xấu hổ. Quy định là 11h đêm đóng cổng nên có hôm biết mình sẽ về muộn Diễm đã gọi điện xin phép nhưng đáp lại là một câu trả lời gần như không có tình người “mày mà về không đúng giờ thì ngủ ở nài”. Vốn là người hay tự ái và nhạy cảm nên nhiều lần Diễm đã khóc và ở được nửa năm thì chuyển đi.
Vấn đề an ninh
Đối với sinh viên thì laptop, điện thoại, hay máy tính bảng… là cả một “gia tài”. Chính vì vậy mà đã đi ở trọ thì sinh viên nào cũng mong muốn được ở một nơi có an ninh trật tự tốt. Thế nhưng vấn đề an ninh nơi ở của sinh viên, đặc biệt là các xóm trọ luôn trong tình trạng “báo động”. Đó cũng chính là nguyên nhân nhiều sinh viên phải chuyển nhà trọ.
Hoa (Đại học Y Hà Nội) là một trong những sinh viên bắt buộc phải chuyển nhà trọ chỉ vì nguyên nhân như thế. Năm thứ nhất, Hoa chủ động tìm xóm trọ sinh viên để thuê phần vì giá ở khu xóm trọ thường thấp hơn, phần vì xóm trọ sinh viên thường đông vui. Thế nhưng khu trọ Hoa sống lại là một nơi phức tạp, an ninh không đảm bảo bởi đơn giản là có cổng chung nhưng mỗi phòng một chiếc chìa khóa nên nhiều hôm là cổng không khóa. Ở được một tháng Hoa đã phải hốt hoảng vì nghe tiếng động lạ ở chốt cửa sổ lúc nửa đêm. Hoa hét lên thì thấy có tiếng bước chân. Cả đêm hôm đó Hoa không ngủ được. Sáng hôm sau cô bèn lặng lẽ đi tìm nhà trọ khác.
Không may mắn như Hoa, Trang và Minh (CĐ Kinh tế - Kĩ thuật Công nghiệp) phải chuyển nhà trọ trong nước mắt khi mất một chiếc laptop hơn 10 triệu đồng cùng số tiền mặt 2 triệu giữa ban ngày. Chiều hôm đó Trang đi học, còn Minh ngủ trưa. Do chủ quan nên khi ra khỏi phòng Trang chỉ khép cửa vì nghĩ rằng có người ở nhà. Nhưng khi Minh thức dậy thì tài sản có giá nhất trong phòng đã “không cánh mà bay”. Minh chỉ còn biết ngồi khóc. Vài hôm sau hai người đã chuyển đến ở tầng 3 của một hộ gia đình chỉ có bốn phòng cho thuê (chủ hộ ở tầng một) để ít phải nghĩ ngợi về vấn đề an ninh nữa.
Nguyên nhân ở người bạn cùng phòng
Đại đa số sinh viên ở hai hoặc ba người trong một phòng trọ, như vậy sẽ giảm được tiền trọ lại có người cùng học tập, chia sẻ. Thông thường thì đã trọ cùng phòng phải là những người đã quen biết (bạn bè, cùng quê, cùng lớp, cùng trường) nhưng nhiều khi cũng chỉ là người xa lạ ở với nhau theo gán ghép của chủ nhà, hay vì muốn chia sẻ tiền phòng mà tìm người ở cùng… Nhưng dù ở cùng ai thì những xích mích cũng là không thể trách khỏi. Và những lí do về bạn cùng phòng nhiều khi cũng làm một người phải ra đi. Vấn đề về tiền bạc, về cách sống, về ý tứ… là những lí do thường thấy.
Vũ Mai (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) ngày đi thi đại học đã quen một bạn cùng tên, và đã hẹn nếu cả hai cùng đỗ sẽ sống chung. Cả hai cùng đỗ, họ cũng thực hiện đúng lời hứa. Nhưng khi sống với nhau Vũ Mai mới biết rằng mình và người kia không hề hợp nhau thậm chí còn khác nhau hoàn toàn về lối sống cũng như cách cư xử. Mai thật thà bao nhiêu thì người kia vụ lợi bấy nhiêu, Mai cẩn thận bao nhiêu thì người kia buông thả bấy nhiêu. Và Mai đã quyết định chuyển đến ở cùng với một người bạn khác, chấp nhận phải đi xe buýt đến trường.
Hường và Cúc (quê Hải Dương, Học viện Tài Chính) vốn là hai người bạn thân, cùng học, cùng thi và cùng đỗ một trường. Những tưởng hai cô bạn này sẽ ở với nhau suốt 4 năm học đại học nhưng sự thật là mới ở với nhau được vài tháng đã “đường ai nấy đi”. Nguyên nhân chủ yếu là do khi ở cùng nhau nhiều vấn đề phát sinh mà hai người lại không thông cảm cho nhau, rồi cả vấn đề về tiền bạc… Những điều đó tình bạn trong sáng thuở học trò chưa hề va chạm.
Hay như câu chuyện của Cường (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đầu năm Cường trọ ở gần công viên Hòa Bình với hai anh cùng quê. Ba anh em rất hiểu nhau, sống khá vui. Thế nhưng do xa trường đi lại vất vả nên Cường vẫn phải chuyển đến ở Xuân Thủy – Cầu Giấy cùng một anh trong trường quen trên facebook. Ở được vài hôm thì Cường đã thấy anh cùng phòng là một người vô ý, anh ta thường xuyên dẫn bạn gái về phòng trọ ăn uống khiến Cường có cảm giác mình là người thừa. Ăn xong cô bạn gái đó còn không về ngay mà nghỉ ngơi trên giường, khiến Cường có phòng mà không thể về phải sang trú tạm nhà hàng xóm. Nhiều lần như vậy khiến Cường không thể chịu nổi và lại phải chuyển đến ở cùng người khác.
Tạm kết
Nài những lý do kể trên còn vô vàn lý do khác khiến sinh viên phải chuyển chỗ trọ. Nhưng tất cả các lý do đều có một điểm chung, đó là mong muốn có một nơi ở tốt hơn, ổn định hơn, thoải mái hơn.
Sự thật là không phải tất cả các chủ nhà trọ đều có “thói quen chặt chém” sinh viên, không phải tất cả các xóm trọ đều phức tạp về vấn đề an ninh và không phải tất cả các phòng trọ đều “lục đục”. Có rất nhiều chủ nhà trọ tâm lí coi sinh viên như con cháu trong nhà, nhiều nhà trọ mà thậm chí không khóa cửa đồ đạc vẫn còn nguyên và hơn cả nhiều khi bạn cùng phòng như thể một người thân ruột thịt.
Những khó khăn mà các bạn gặp phải khi đi ở trọ chỉ là hòn đá nhỏ trên con đường đời đầy gập ghềnh sau này. Tìm cách đối mặt với những khó khăn đó là cách các bạn tự trưởng thành, tập đối mặt với những thử thách còn lớn hơn trong cuộc sống.
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận