Giữ hồn nghề trong từng thớ đá
(Sóng trẻ) - Giữa dòng chảy hối hả của hiện đại, khi nhiều giá trị truyền thống dần bị lãng quên, nghệ nhân Trần Văn Việt, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Việt Trang (xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn lặng lẽ lựa chọn một con đường đầy nhọc nhằn, giữ lấy cái nghề chạm đá truyền thống, trao truyền tinh hoa văn hóa cho thế hệ sau.
Khởi nguồn từ niềm đam mê
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đan Phượng (Hà Nội) nơi mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, Trần Văn Việt từ nhỏ đã mê mẩn với vẻ đẹp kỳ diệu của đá. Anh đã chứng kiến quá trình biến hóa từ những viên đá thô sơ thành những tác phẩm nghệ thuật sống động dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Chính từ đó, niềm đam mê với nghề điêu khắc đá đã nảy nở trong anh ngay từ khi mới 14 tuổi.

Từ năm 2002 đến 2010, anh vừa học văn hóa, vừa miệt mài theo đuổi nghề điêu khắc đá tại quê nhà. Trải qua nhiều năm rèn luyện và học hỏi, anh đã dần khẳng định được tay nghề của mình. Từ những tượng thờ, tượng Phật, cho đến các tác phẩm trang trí tinh xảo, mỗi sản phẩm của nghệ nhân Trần Văn Việt đều mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sự tỉ mỉ và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của một nghệ nhân đam mê công việc. Năm 2010, Việt gia nhập Công ty đá quý Việt Nhật tại Hà Nội, nơi anh học hỏi kỹ thuật chế tác hiện đại và làm việc với các đơn hàng xuất khẩu.

Sau hai năm, anh quyết định trở về quê hương và mở Cơ sở điêu khắc đá quý Việt Trang tại xã Thọ An vào năm 2012. Tại đây, Việt tập trung phát triển cơ sở tạo ra các tác phẩm tinh xảo và giữ gìn nghề truyền thống.

Với hơn hai thập kỷ theo đuổi nghề, Trần Văn Việt đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc tinh xảo từ đá quý, như ngọc phỉ thúy, thạch anh, ruby và saphia, phản ánh đậm nét văn hóa Việt. Những công trình tiêu biểu của anh bao gồm các tượng phong thủy nổi tiếng như Quan Âm Long Đầu từ ruby Nam Phi, Di Lặc Ngũ Phúc, và 23 bức tôn tượng bằng Ngọc Bích Canada tại chùa Nở (Hải Phòng), đều yêu cầu kỹ thuật tách màu và tạo hình tinh tế.
Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống
Mặc dù hiện nay, nghề điêu khắc đá đối mặt với không ít thử thách, khi mà nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá mỹ nghệ truyền thống không còn như trước, nhưng Trần Văn Việt không hề nao núng. Thay vì chạy theo thị trường, anh quyết định giữ vững nghề, gắn bó với các giá trị truyền thống, không chỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp mà còn để bảo tồn một phần di sản văn hóa của dân tộc.
Chia sẻ về quá trình làm nghề, anh cho biết: "Điêu khắc đá không đơn giản chỉ là một nghề, mà là một phần máu thịt của tôi. Mỗi tác phẩm được tạo ra đều mang một ý nghĩa, một câu chuyện riêng. Đối với tôi, đó là cách để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc."
Không chỉ cống hiến cho nghề bằng những tác phẩm, Trần Văn Việt còn là người thầy tận tâm, sẵn sàng truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Anh chia sẻ “việc giảng dạy cho lớp trẻ không chỉ là việc học một nghề, mà còn là trách nhiệm của những người thợ điêu khắc như anh trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống.”
Thông qua các lớp dạy nghề, anh đã giúp đỡ không ít thanh niên có đam mê với nghề điêu khắc, từ việc chọn đá đến các kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Những học trò của anh giờ đây không chỉ biết có mức thu nhập ổn định làm nghề mà còn hiểu được giá trị văn hóa và tâm huyết của mỗi tác phẩm.

Với những đóng góp bền bỉ và dấu ấn sâu sắc trong ngành điêu khắc đá quý, ngày 21/11/2020, Trần Văn Việt vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Đây không chỉ là sự công nhận dành cho đôi bàn tay tài hoa, mà còn là sự ghi nhận cho sự đóng góp của anh trên hành trình góp phần bảo tồn nghề truyền thống điêu khắc.
Trong suốt hành trình dài đầy thử thách, nghệ nhân Trần Văn Việt đã chứng minh rằng nghề điêu khắc đá không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một phần của linh hồn văn hóa dân tộc. Với sự kiên trì và tâm huyết, anh đã truyền cảm hứng cho thế hệ sau, để nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Việt Nam ngày càng được phát huy và tỏa sáng.