Ai mua tôi, tôi bán tôi cho!
(Sóng trẻ) - Cụm từ “chợ người” không còn lạ lẫm tại Hà Nội hiện nay. Những người “phơi mặt” giữa đường phố mong bán sức lao động cùng tụ lại một nơi, hình thành nên những “chợ người” nổi tiếng. Từ lâu, khu vực cầu Mai Động, Hai Bà Trưng trở thành nơi tập trung của những người làm nghề “cửu vạn” như thế.
Tại đầu cầu Mai Động, ven bờ sông Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, từ sáng sớm đến chiều muộn đều tập trung đông đúc người lao động tứ xứ. Ai thuê gì làm nấy, từ bốc vác, phụ hồ, xe ôm, vận chuyển. Sức lao động của họ trở thành thứ hàng hóa được bán theo đúng nghĩa đen. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu “mua”, họ sẵn sàng “bán”.
“Làm việc phổ thông mà, ai thuê gì cũng làm. Xây dựng, bốc vác, chuyển đồ, dọn nhà, cái gì cũng làm được. Đó là cuộc sống mưu sinh”, chú Nam (51 tuổi), quê tại Yên Định, Thanh Hóa chia sẻ.
Ra Hà Nội kiếm sống đã được hơn chục năm, chú Nam thành thạo hết các công việc lao động chân tay. Tuổi đã ngoài ngũ tuần, nhưng chú Nam trông vẫn trẻ trung và khỏe khoắn.
“Công việc thất thường nhưng vẫn tốt hơn làm đồng áng”
Ngược lại với giới trẻ mong muốn tìm về quê nhà, làm những công việc nhẹ nhàng, không áp lực, những lao động cao tuổi này lại đều có chung suy nghĩ “bỏ ruộng, lên thành phố”.
Điển hình như gia đình chú Nam, một vợ và ba con. Các con dần lớn hơn, có gia đình riêng. Gia đình neo người khiến công việc đồng áng trở nên nặng nhọc. Chú Nam chia sẻ: “Ruộng ở quê thì nhiều, nhưng không ai làm. Thu nhập làm ruộng ở quê không được bao nhiêu, nên phải cho ruộng”.
Tưởng rằng ngoài làm ruộng, nông dân hoàn toàn có thể chuyển sang các hình thức trồng trọt, chăn nuôi khác. Tuy nhiên, dịch bệnh, khủng hoảng thừa và giá trị thu nhập không cao đã khiến không ít nông dân phải bỏ ruộng, lên thành phố tìm công việc chân tay.
Chú chia sẻ bản thân thích ra Hà Nội, nhìn cảnh đông người vui hơn cuộc sống nhàn rỗi ở quê nhà. Thu nhập cũng cao hơn, làm một buổi bằng làm cả ngày ở quê. Tuy là vậy, nhưng liệu một công việc thu nhập bấp bênh có đáng để ta phải đánh đổi?
“Làm nghề cửu vạn cũng như người đi câu”
“Làm nghề này cũng như người đi câu. Ngày được ngày không. Dù vậy vẫn cứ làm, vì còn cả cuộc sống mưu sinh trước mắt”
Khi phóng viên tìm đến đã là 14h30’, nhưng những người đang bán sức lao động này vẫn trong tình trạng ngồi chờ, thậm chí là nằm dài trên xe. Những ngày như vậy, họ chỉ biết ngồi chờ, đến khi nào trời sập tối thì trở về căn trọ của mình.
Cuộc sống cứ trôi qua như vậy, thu nhập bấp bênh nhưng những người lao động tự do nơi đây vẫn kiên trì bám trụ. Xung quanh họ không chỉ có một mình, họ có những anh em cùng nghề, cùng động viên nhau mỗi ngày.
Chú Nam chia sẻ: “Các chú ở đây đều là cùng một tỉnh, ít người khác tỉnh lắm. Anh em ra Hà Nội, làm chung một nghề thì trước lạ sau quen. Đều là dân lao động nên hiểu nhau. Có việc thì cùng làm”.
Chú cho biết công việc bắt đầu từ 7-8h sáng, kết thúc vào 17h chiều. Tuy nhiên, “lịch làm việc” của họ không cố định, kết thúc sớm hay muộn còn tùy thuộc vào lượng người thuê.
Chú nói thêm: “Các chú có con cái hết rồi. Các cháu đều xây dựng ra đình hết. Có đứa thì ở Hà Nội, có đứa thì ra nước ngoài. Cuối tuần thì bố con gặp nhau, nói chuyện, nhậu cùng cho khuây khỏa”.
Những hôm thời tiết đẹp, những người bán sức lao động đều chăm chỉ chờ việc. “Những ngày trời mưa thì ở nhà, ra đường cũng không có ai thuê”, chú Nam cho biết.
Theo lời kể, xung quanh khu Mai Động còn rất nhiều địa điểm “chợ người”. “Dọc đường nhiều điểm họ đứng, xe thồ xe máy có rất nhiều”.
“Muốn đổi nghề cũng khó”
Chú Nam tâm sự: “Thanh niên sẽ không làm nghề cửu vạn này. Trung niên đi làm công ty cả. Có các chú già thì làm việc tự do cho thoải mái. Có việc thì làm, không thì về. Chắc chắn sẽ có lúc chú về lại quê nhà. Tự trồng rau, chăn nuôi. Gần vợ, gần con, gần nhà cho đỡ vất”.
Hầu hết người lao động tại đây đều ăn ở những quán cơm bình dân quen biết. “Nhiều quán cơm lo cơm nước cho các chú cả tháng, có khi là cả năm. Cứ ăn cả năm rồi đưa tiền cũng được. Quen nhau cả rồi. Có tiền thì đưa, chưa có tiền xin thiếu cũng không sao”, chú Nam nói.
“Toàn người lớn tuổi ở quê, tỉnh thành khác đến làm. Người Hà Nội cao tuổi thì không làm nghề này. Có các chú từ quê ra, bao nhiêu việc vất vả đều làm hết rồi”, chú chia sẻ.
Chú Nam cho biết, công việc nhẹ như bán nước giải khát ven đường rất khó thực hiện. Bởi nó liên quan đến tiền mặt bằng, chỗ ngồi, thậm chí còn liên quan đến trật tự an ninh. Thông thường, công an phường sẽ không cho phép sử dụng lề đường vào mục đích kinh doanh, mua bán.
Chú cho hay, bản thân và các đồng nghiệp chỉ có thể tập trung tại bờ sông Kim Ngưu này. Nhiều người đến làm cửu vạn tại các khu chợ búa sẽ kiếm được nhiều hơn. Nhưng để vào được đó cần đi qua các tay bảo kê, không hề dễ dàng. Với những người bán sức lao động này, ở cái tuổi nửa đời người, chỉ cần một công việc tự do, không gò bó là được.
“Vất vả mưu sinh, nhưng sức khỏe vẫn đặt lên hàng đầu”
Với những nghề nghiệp lao động chân tay, việc đảm bảo sức khỏe là vô cùng cần thiết. “Sức khỏe phải ổn định, cảm thấy làm được thì mới làm. Làm lâu hay không thì cũng không dám nói. Nhưng còn sức khỏe thì còn làm để phụ thêm gia đình. Công việc bấp bênh chứ không đều”, chú Nam bộc bạch.
Chú cho biết, tai nạn nghề nghiệp là điều khó lường trước được. Dù vậy, bản thân vẫn phải hết sức cẩn thận. Làm việc để mưu sinh nhưng sức khỏe vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn có cuộc sống viên mãn, an hưởng tuổi già bên con cháu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không ít những mái đầu bạc vẫn phải vất vả với gánh nặng mưu sinh tại các chợ lớn - nhỏ, đường quê, đồng ruộng, trên những ngã tư, con hẻm, vỉa hè... Dù vất vả, khổ cực nhưng họ vẫn lạc quan, không buông xuôi và chỉ cầu mong có sức khỏe để tiếp tục lao động.
Sắp tới, trong cái nắng gay gắt của mùa hạ, sẽ có những bóng lưng đổ mồ hôi, mong được “bán sức lao động” với hy vọng có một cuộc sống đủ đầy, yên ấm bên con cháu khi về già.