Anh hùng Phạm Đình Nghiệp: 21 năm, nhiều năm nữa vẫn sẽ tìm đồng đội


(Sóng Trẻ) - Trở về từ cuộc chiến đau thương đầy oai hùng của dân tộc, 21 năm sống trong hòa bình lại là 21 năm ông luôn đau đáu nỗi đau tìm cho được hài cốt các đồng đội. Không quản ngại lội suối băng rừng, hiểm nguy, ông cứ kiên trì như thế chỉ mong thực hiện được tâm niệm đưa các anh từ đất lạnh trở về trong hơi ấm của đông đội và quê hương.

Người anh hùng ấy mang tên Phạm Đình Nghiệp, quê ở Phổ Cường, Quảng Ngãi – mảnh đất từng một thời máu lửa và là cái nôi nuôi lớn bao anh hùng cho đất nước. Chúng tôi đã có cuộc hành trình dài gần 1.000km để tìm gặp, tận mắt chứng kiến và lắng nghe những nỗi niềm của ông trong hành trình Nghĩa tình đồng đội đầy gian khổ của mình.

Bảy mươi tuổi, ở cái tuổi nghỉ ngơi, vui thú điền viên, quây quần bên con cháu, tại sao ông lại lựa chọn công việc đầy vất vả và khó khăn như vậy?

Đồng đội của chúng tôi đã nằm dưới hào nước lạnh suốt 42 năm. Liệt sĩ đã hy sinh, họ không còn gì để mất. Tôi là người trong cuộc, tôi biết họ thiệt thòi như thế nào. Nếu không đưa họ trở về cùng gia đình thì ngàn năm sau họ sẽ vĩnh viên nằm lại trong lòng đất, tôi thấy có tội rất lớn với các gia đình liệt sĩ, với quê hương, đất nước. Cho nên, hễ ở đâu có thông tin về hài cốt liệt sĩ thì ở đó có mặt tôi. Dù phải vượt những chặng đường dài, vào bất cứ lúc nào, đơn vị nào, khó khăn trở ngại đến đâu, tôi đều lăn xả, vượt qua tất cả để tìm đồng đội.

Tôi luôn tâm niệm, mình chịu cực một chút, chi tiêu tiết kiệm một chút nhưng giúp được gia đình các liệt sĩ, đưa các anh trở về quê hương đó là niềm vui lớn nhất những năm cuối đời.

c9ab28c6f_i_2233.jpg

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Đình Nghiệp

Đã mấy chục năm trôi qua, kí ức còn lại trong ông về trận đánh ác liệt năm ấy chắc hẳn còn vẹn nguyên?

Tôi tham gia cách mạng và nhập ngũ từ khi còn đôi mươi, là lính đặc công của tỉnh đội Quảng Ngãi, thuộc Đại đội 506A. Suốt năm năm kể từ ngày nhập ngũ, tôi xông pha mặt trận, tham gia 30 trận đánh, tự tay bắt và diệt 79 tên địch, đánh hỏng xe và thu hàng chục khẩu súng các loại... Trong chiến tranh, mỗi tấc đất giành được đều đo bằng máu thịt đồng đội, chiến sĩ ngã xuống. Trong hàng chục trận đánh ấy, để đời nhất có lẽ là ba trận đánh địch ở Liên Trì (huyện Bình Sơn), đánh đồn Đầu Voi (huyện Sơn Tịnh), trận Núi Giàng (huyện Đức Phổ).

Lựa chọn lối đánh bất ngờ, cả trung đội của tôi và các đội bạn hy sinh 7 người nhưng đã làm nên trận đánh anh hùng táo bạo, làm chủ trận địa trong trận Núi Giàng chỉ trong vòng 7 phút. Sau trận thắng vang dội đó, tôi từ Đại đội phó đội đặc công của Đại đội 506A trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 9/1967, được vinh dự đại diện cho lực lượng vũ trang của Quảng Ngãi đi dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam năm 1967 tại Tây Ninh.
Tôi từ Đại hội trở về, định sẽ tặng khẩu B40 cho đơn vị, niềm vui chưa kịp nhân lên thì hung tin đã ập xuống, cả đại đội hy sinh gần hết sau trận Nghĩa hành. Nếu không vắng mặt, tôi cũng hy sinh trong trận này.

Quá trình tìm hài cốt và quy tập mộ đồng đội của ông bắt đầu từ khi nào?

Sau đêm tang thương đó, tôi gạt nước mắt, tiếp tục lăn xả trên các chiến trường, chiến đấu vì đồng đội đã ngã xuống cho đến khi đeo hàm trung tá, rời quân ngũ.

42 năm đã qua nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh nỗi đau về những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong lòng đất mẹ từ đêm đau thương ấy. Hòa bình lập lại, vì nhiệm vụ mới nên không có điều kiện để suy nghĩ về quá khứ. Đến khi về hưu năm 1989, tôi bắt đầu cuộc hành trình thầm lặng đi tìm hài cốt đồng đội đã ngã xuống trong trận Nghĩa Hành, từ đó bắt đầu hành trình gian khổ, khó khăn và đẫm nước mắt trong suốt quãng thời gian đi tìm đồng đội của tôi. 

Cuộc hành trình thầm lặng đi tìm hài cốt đồng đội của ông chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở?

Năm 2007, tôi đã có thông tin chính xác về không gian, thời gian, địa điểm xảy ra trận đánh, điểm chôn tập thể các liệt sĩ, tìm được nhân chứng lịch sử sống là ông Sáu Phú. Tuy nhiên tôi đã bốn lần ra Hà Nội tìm nhờ sự giúp đỡ của các nhà nại cảm, hai lần ông làm tờ trình xin tỉnh để hỗ trợ khai quật nhưng cả hai tờ trình ấy đều không được phúc đáp.

Qua 4 ngày tìm kiếm, sau lớp đất bùn đen đã phát hiện ra hài cốt liệt sĩ. Nhưng, liệt sĩ nằm dưới nước và bùn lầy rất phức tạp, kinh phí bỏ ra gần hết nên tôi quyết định tạm dừng để xin ý kiến của các cấp thẩm quyền. Gặp được Bí thư Tỉnh ủy với tôi lúc ấy như cá gặp nước. Trước lời đề nghị tha thiết về việc làm nghĩa tình như thế, cơ quan, ban, ngành cùng vào cuộc, quyết định phương án tìm kiếm, khai quật mộ tập thể các liệt sĩ. Và rồi cuộc khai quật lại tiếp tục.

c9ab28c6f_i_2282.jpg

Ông Nghiệp trong một lần đi tìm hài cốt đồng đội

Ông có thể kể lại cảm xúc của mình trong giây phút “gặp lại” đồng đội không?

Trong đợt tìm kiếm các liệt sĩ bị chôn tại hố chôn tập thế, nhìn thấy những mẩu xương đầu tiên nằm lẫn với đồ quân trang của bộ đội đặc công đã được tìm thấy trong hố khai quật và đưa lên khỏi mặt đất, tôi đã òa khóc. 93 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy ở 5 hố chôn tập thể và sân vận động cũ huyện Nghĩa Hành. Hôm đón các anh về, quân kỳ phủ đỏ kín sân tang. Đồng đội, chiến sĩ, nhân dân mắt đẫm lệ tiễn đưa các liệt sĩ. Cảm xúc lúc ấy khó tả lắm.

Gặp không ít khó khăn trong hành trình, chắc hẳn gia đình là điểm tựa lớn nhất giúp ông có thêm động lực. Ông đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ như thế nào từ người thân, gia đinh?

Thương và thông cảm cho nỗi đau cũng tâm nguyện của tôi, suốt mấy chục năm qua, cả gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều về tiền bạc và vật chất để mua máy bơm nước, thuê thợ dò mìn, thuê nhân công để tìm kiếm các liệt sĩ giúp tôi trực tiếp tham gia tổ chức đào, thăm dò tìm kiếm liệt sĩ. Thấy tôi vất vả, vợ tôi nhiều lần khuyên từ bỏ nhưng gánh nặng với đồng đội khiến tôi không bỏ cuộc và tiếp tục cho tới ngày hôm nay.


e0a6c22f0_ongnghiep.jpg

Rơi nước mắt khi tìm thấy đồng đội

Suốt quãng thời gian dài, ông đã tìm đồng đội của mình ở những đâu, ông có nhớ mình đã quy tập được bao nhiêu hài cốt đồng đội?

Hai chục năm qua, tôi cùng đồng đội tổ chức rất nhiều cuộc tìm kiếm, giúp các ngành chức năng tổ chức khai quật, lễ truy điệu, an táng hơn 140 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội... và hai cuộc tìm kiếm, khai quật mộ tập thể có số lượng lớn. 

21 năm lần theo từng con đường, dấu chân đồng đội đã đi qua. Số năm ông đi tìm đồng đội ngã xuống dài bằng cả những năm tháng chiến đấu trên khắp các mặt trận. Hiếm gặp được người anh hùng như ông. Vậy ông đã nhận được sự đón nhận thế nào từ người thân của các liệt sĩ?

Tôi làm việc này không mong nhận được lời cảm ơn. Nhưng thực tế đã có không ít gia đình liệt sĩ đã viết những bức thư tay vượt dài hàng nghìn cây số để bày tỏ lòng cảm kích trước tấm lòng của tôi. Tìm được đồng đội, tôi cũng hỗ trợ thêm kinh phí cho gia đình, hương hoa kính viếng những người đồng đội đã ngã xuống, chỉ mong các anh có được phút giây an nghỉ như hằng mong đợi.

Mong muốn của ông đối với các cấp chính quyền cho những hành trình đi tìm đồng đội sau này của mình?

Tôi không thích biểu dương, ca ngợi. Việc mình làm là vì đồng đội đã ngã xuống cho nền độc lập đất nước. Cái tôi muốn là mong sao các cơ quan chức năng, có thẩm quyền hãy mở rộng dân chủ hơn nữa, chặt chẽ như vậy là rất đúng nhưng mà phải vận dụng trường hợp để có thể xem xét tiếp nhận, chọn lọc thông tin chính thống từ những nhân chứng sống, thông tin xác thực có trong lịch sử. Nguyên tắc quá đôi lúc sẽ là rào cản, là có tội với liệt sĩ. Tôi chỉ mong muốn đồng đội của chúng tôi sớm được trở về quê, có nơi thờ cúng.

Tuổi của ông bây giờ cũng không còn khỏe, đã bao giờ ông có ý định dừng lại cuộc hành trình để hưởng cuộc sống vui vẻ bên con cháu không?

Đã là cái tâm thì không thể bỏ được. Chừng nào tôi còn sống, còn khỏe mạnh thì tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm và giúp các gia đình liệt sĩ đưa các anh trở về quê nhà. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông luôn khỏe mạnh và giữ được lửa trong hành trình thầm lặng để mang hài cốt liệt sĩ trở về với quê hương.

Hồng Nhung
Báo mạng điện tử K30


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN