Ánh sáng diệu kỳ từ âm nhạc của cô gái khiếm thị
(Sóng trẻ) - Nguyễn An Như (21 tuổi, Hà Nội) là một cô gái trẻ đầy tài năng, chơi thành thạo bốn loại nhạc cụ: đàn tranh, sáo trúc, piano và violin. Dù đôi mắt đã mất đi ánh sáng, nhưng cô vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan và vui vẻ trong cuộc sống.
Cuộc sống không màu
Đôi mắt là món quà vô cùng quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người. Đó là lăng kính chân thực hơn bất kì chiếc máy ảnh tân tiến nào, giúp con người ngắm nhìn thế giới sinh động đầy màu sắc. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được đón nhận món quà ấy một cách trọn vẹn.
Sinh ra lành lặn, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng khi mới 11 tháng tuổi, một tai nạn đột ngột đã cướp đi thị giác của cô bé An Như. Với những đứa trẻ khác, đây là độ tuổi tò mò, bỡ ngỡ bởi mọi thứ xung quanh còn quá mới mẻ. Vậy mà với An Như, khi còn chưa kịp nhìn ngắm, cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống, thì ánh sáng trong đôi mắt bạn đã bị vụ tai nạn quái ác lấy đi mất. Tất cả những gì An Như biết đều từ trí tưởng tượng, hình dung mà ra. Cô luôn tò mò về mọi thứ xung quanh và tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Không biết cái này bên ngoài màu gì nhỉ?”, “Cuộc sống của những bạn có đôi mắt sáng khác mình như thế nào?”...
Trong cuộc sống thường ngày, thay vì dùng đôi mắt, An Như cảm nhận mọi thứ bằng tất cả những giác quan còn lại. Mất đi thị giác, nhưng tạo hóa cũng ban tặng cho cô đôi tai nhạy bén để hình dung ra được nốt nhạc và trí óc minh mẫn, giúp cô thuộc bản nhạc nhanh hơn người bình thường. Việc bản thân có khiếm khuyết, gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt vẫn không thể cản được những suy nghĩ lạc quan và tích cực của An Như: “Tuy mắt không còn sáng để nhìn được, nhưng mình vẫn còn tai để nghe, sự minh mẫn để nghĩ, tưởng tượng cuộc sống và thu nhận tri thức. Mình đã may mắn hơn rất nhiều người rồi”.
Song đối với An Như, để có được sự tích cực như vậy là điều không hề dễ dàng. Sau chấn thương, An Như phải trải qua nhiều cuộc điều trị, khiến cho tinh thần trở nên bất ổn, dễ cáu gắt. Cô Tuyết Anh, mẹ của An Như chia sẻ: “Vào thời điểm ấy, ai mách tôi đi đâu tôi cũng đi để cố cứu lấy đôi mắt cho con mình. Nhưng quá nhiều cuộc trị liệu khiến tinh thần An Như không ổn định, liên tục đập phá đồ đạc và gào khóc. Qua quá trình điều trị cùng bác sĩ tâm lý, tôi phát hiện An Như rất thích âm nhạc. Khi nghe nhạc, An Như cảm thấy bình tĩnh hơn và bất cứ vật dụng nào trên tay Như đều có thể tạo ra nhịp điệu”.
Nhờ đó, An Như đã được tiếp cận với âm nhạc lần đầu tiên vào năm 3 tuổi. “Khó khăn lớn nhất là chọn nhạc cụ, vì gia đình tôi đã tốn quá nhiều tiền vào việc chữa trị cho cháu, nên điều kiện gia đình lúc đó còn khó khăn, chưa thể đầu tư nhiều được”, cô Tuyết Anh bộc bạch. Dù còn nhiều khó khăn về mặt tài chính, nhưng vì để An Như có được một nhạc cụ hoàn hảo, gia đình vẫn cố gắng tích góp để mua một chiếc đàn piano. Bởi lẽ, một chiếc đàn cơ sẽ tạo ra âm thanh thật hơn, giúp hành trình thể hiện cảm xúc của An Như trở nên sống động hơn.
Để con gái được học tập và sinh hoạt bình thường như các bạn đồng trang lứa, gia đình An Như đã tìm đến những thầy cô giáo giỏi trong lĩnh vực âm nhạc và mời về nhà để giảng dạy. Quá trình học đàn của An Như là quá trình của sự cố gắng, nỗ lực không chỉ của bản thân cô gái mà còn cả cha mẹ và thầy cô. Thời gian đầu, mỗi buổi học kéo dài một tiếng, nhưng An Như chỉ học được khoảng 5-10 phút là bỏ cuộc, bởi cô rất khó để tập trung, không thể lắng nghe và cảm âm. Những bạn khác chỉ cần mất 10 ngày để học cảm âm và ghi nhớ nốt nhạc thì An Như phải mất cả tháng để làm được những điều tương tự. Nhờ có sự động viên và hỗ trợ của mẹ, cô đã tiến bộ rõ rệt từng ngày về cả năng lực lẫn tinh thần, sức khỏe cũng ngày một khá hơn.
An Như cho biết, hồi nhỏ hay được mẹ bật cho những đĩa nhạc để nghe trước khi đi ngủ, cũng chính vì thế mà tình yêu âm nhạc của cô lớn dần. Âm nhạc với An Như là liều thuốc tinh thần giúp cô thư thái hơn. Việc chơi nhạc cũng giúp cô được là chính mình, giúp cô cảm nhận sắc màu của cuộc sống thông qua âm nhạc. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của cô là không thể tự đọc được bản nhạc, “Quá trình luyện tập đàn sẽ có phần khó khăn hơn so với các bạn đồng trang lứa, vì mình không thể nhìn và đọc được tài liệu, chỉ có thể nghe đi nghe lại bản nhạc đến khi thuộc và tập luyện nhiều để theo kịp các bạn trong lớp” - Như chia sẻ.
Hành trình đến với âm nhạc
Kỷ niệm đặc biệt nhất với An Như là buổi diễn đầu tiên của cô vào năm tám tuổi, “Vào dịp Noel cuối năm, mình được bố mẹ chuẩn bị cho một chiếc váy màu trắng họa tiết hồng rất xinh và đứng hát hợp xướng cùng với các anh chị và cô chú. Cảm giác lúc đó, mình giống như một cô công chúa, được mọi người chú ý, được dành lời khen và vỗ tay nồng nhiệt bên dưới. Lúc đó cảm xúc của mình rất vui, mình thấy tuyệt vời và tràn đầy năng lượng” - An Như chia sẻ. Hơn mười năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm và cảm xúc về buổi diễn đó vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua.
Tình yêu với âm nhạc của An Như lớn dần vào năm cuối cấp một, khi cô mong muốn theo học tại một trường nghệ thuật để học sâu hơn về âm nhạc và được rèn luyện bài bản hơn. Như quyết định học song song cùng lúc hai trường, những ngày trong tuần Như sẽ học văn hóa tại trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu và cuối tuần sẽ học nghệ thuật tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Dù bắt đầu hành trình âm nhạc với cây đàn piano, nhưng sau cùng An Như lại chọn đàn tranh là chuyên ngành theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô chia sẻ rằng: “Âm thanh truyền thông có sự mộc mạc, giản dị, mang hơi hướng đồng quê, tạo ra chất riêng mà không thể lẫn với âm nhạc phương Tây. Bên cạnh đó, mình là người Việt Nam, mình muốn biết nhiều hơn về âm nhạc hàn lâm của nước mình, để sau này chính bản thân mình sẽ đem âm nhạc truyền thống của Việt Nam mình đến bạn bè quốc tế”.
Khi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô được tiếp xúc với nhiều bạn mới và học hỏi được nhiều điều, “Vào trường rồi mình thấy các bạn giỏi quá, mình cũng muốn được đánh hay như các bạn. Điều đó đã giúp mình có thêm động lực và gạt bỏ đi hết những hoài bão viển vông khác, chỉ tập trung vào âm nhạc thôi” - An Như chia sẻ.
Trong quá trình học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ngoài piano và đàn tranh, An Như còn có khả năng chơi violin và sáo trúc. Cô mong muốn biết nhiều loại nhạc cụ nhất có thể, để hiểu sâu hơn về âm nhạc truyền thống Việt Nam và đem âm nhạc của đất nước mình đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh việc học, hiện An Như còn là ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, tham gia biểu diễn thường xuyên tại đền Quan Đế và thành viên của nhóm nhạc “Hy vọng”, nhóm nhạc gồm những nghệ sĩ khiếm thị tài năng, chuyên về nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, cô còn là thành viên của câu lạc bộ Âm nhạc Cổ điển Đại học Kinh tế Quốc Dân - NEU Philharmonic và dự án âm nhạc Steinway Community.
Ngoài những giờ lên lớp và tự tập đàn ở nhà, An Như dành hai ngày cuối tuần để lên phố đi bộ tại 28 Hàng Buồm để chơi đàn tranh cùng ban nhạc “Hy vọng”, mang âm nhạc cổ truyền của đất nước đến rộng hơn với bạn bè quốc tế.
Đối với An Như, gia đình là nguồn cảm hứng và động lực lớn nhất của cô: “Động lực của mình luôn là gia đình, những khó khăn thì gia đình luôn là người đồng hành và vượt qua cùng mình”. Ngoài ra, cô luôn tìm đến âm nhạc để chữa lành, cô cho rằng tác giả, nhà soạn nhạc là những người bạn lớn nhất, chiếc đàn là người bạn giữ bí mật tốt nhất.
Trong tương lai, An Như dự định sau khi ra trường sẽ học thêm cao học và đi dạy. Cô có mơ ước rằng sau sẽ làm giáo viên dạy âm nhạc với mong muốn rằng: “Cốt là để dạy học, để truyền nghề cho những người họ thực sự đam mê với âm nhạc truyền thống”. Để thế hệ tiếp nối thế hệ và âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ bền vững theo năm tháng.