Lắng mình với “Hương trầm ký ức” - đêm nhạc nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc
(Sóng trẻ) - Tối ngày 18/5, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” với chủ đề “Hương trầm ký ức” mở ra một không gian nghệ thuật đậm chất văn hóa và tâm linh, nơi khán giả được sống lại những giá trị di sản cổ truyền Việt Nam.
“Chuyện Nhạc Phố Cổ” tháng 5/2025 là một hành trình trở về cội nguồn, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được tôn vinh và hòa quyện với tinh thần lịch sử của dân tộc. Chương trình là lời nhắc nhở di sản văn hóa Việt Nam vẫn mãi là ngọn lửa cháy sáng, truyền cảm hứng cho những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Mở đầu đêm diễn, Đông Kinh Cổ Nhạc mang đến khán giả bài hát nói “Hương Sơn phong cảnh” do ca nương Thái Hòa và NSƯT Văn Khuê trình bày. Là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật ca trù, “Hương Sơn phong cảnh” không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ, thanh tịnh của danh thắng Hương Sơn - vùng đất linh thiêng gắn với Phật giáo Việt Nam, mà còn gửi gắm những triết lý sâu sắc về cuộc sống và tâm hồn con người.

Kỹ thuật nảy hột điêu luyện, những luyến láy tinh tế của ca nương Thúy Hòa kết hợp cùng tiếng đàn đáy réo rắt, nhịp phách chuẩn xác của nghệ sĩ Văn Khuê đã thu hút sự chú ý của khán giả. Từ những giai điệu trầm bổng, sâu lắng của ca trù, chương trình tiếp tục đưa khán giả đến với không gian bi tráng của nghệ thuật tuồng. Trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” do NSƯT Minh Gái thể hiện là một điểm nhấn khó quên của buổi diễn.

Vở tuồng cổ được sáng tác bởi danh nhân Đào Tấn kể về Hồ Nguyệt Cô - một con cáo tu luyện ngàn năm để hóa thành người, mang vẻ đẹp tuyệt trần và tài năng xuất chúng. Tuy nhiên, vì si mê tình ái và bị lừa gạt bởi Tiết Giao, nàng đánh mất “ngọc người” - biểu tượng của nhân tính, để rồi đau đớn trở lại kiếp thú. Với tài nhập vai Hồ Nguyệt Cô, NSƯT Minh Gái khiến khán giả ám ảnh bởi hồn mắt lúc đau đớn, buồn tủi lúc hung ác, hận thù.

Đặc biệt, tiết mục do nghệ sĩ Văn Sinh và nghệ sĩ Văn Thân trình bày đánh dấu lần đầu tiên Đông Kinh Cổ Nhạc đưa chầu văn vào chương trình “Chuyện Nhạc Phố Cổ”. Sự cách tân đổi mới nội dung buổi diễn nhạc mang đến một làn gió mới đầy cảm xúc.
Với chủ đề “Hương trầm ký ức”, hai nghệ sĩ quyết định mang đến khán giả bài chầu văn đặc biệt ca ngợi hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, những người anh hùng đã nằm xuống vì độc lập và tự do đất nước. Đây là một sự kết nối độc đáo giữa truyền thống tâm linh của chầu văn và tinh thần cách mạng nhằm thử nghiệm sự tiếp nối và lan tỏa của văn hóa nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh hiện đại.

Tiết mục không chỉ tôn vinh tinh thần bất khuất của dân tộc mà còn khéo léo lồng ghép giá trị tâm linh, tựa như các vị thánh trong tín ngưỡng Tứ phủ đang phù hộ cho những người con đất Việt.
Khép lại chương trình, Đông Kinh Cổ Nhạc lần nữa hướng tới tri ân một năm đặc biệt của đất nước: kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước và kỷ niệm 80 năm khai sinh ra nước Việt Nam độc lập thông qua khúc ca “Võ Đức Việt Ca”. Đây là một thử nghiệm đầy táo bạo và mới lạ khi không chỉ đơn thuần là tiếng hát của các nghệ sĩ hát tuồng, chèo… hay chầu văn cất lên mà còn có sự góp giọng của những người nghệ sĩ trống chầu, đàn nhị hay kép đàn đáy.