Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Bá Mưu: Thổi hồn hoa khô thành nghệ thuật
(Sóng trẻ) - Ông Nguyễn Bá Mưu, nghệ nhân tài hoa với niềm đam mê hoa khô, đã dành cả đời sáng tạo những tác phẩm độc đáo mang dấu ấn riêng. Bằng đôi tay khéo léo, ông không chỉ làm nên sản phẩm đẹp mắt mà còn thổi hồn văn hóa và giá trị đời sống Việt vào từng đóa hoa khô.
Khai sinh nghệ thuật tranh hoa khô Việt
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Bá Mưu sinh ra và lớn lên tại Quảng Bố, một làng quê nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống ở Bắc Ninh. Mặc dù từ nhỏ đã gắn bó với nghề luyện kim và cơ khí, nhưng ông lại chọn theo học ngành Trồng trọt tại Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.
Sau khi ra trường năm 1969, ông công tác tại Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương). Ông được sắp xếp làm việc tại phòng kỹ thuật xuất khẩu hoa, cây cảnh, chuyên nghiên cứu và phát triển thị trường hoa tươi xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Artexport. Nhận thấy khả năng và sự tận tâm của ông, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương lúc bấy giờ, ông Lý Ban, đã giao cho ông một nhiệm vụ quan trọng: nghiên cứu và phát triển thị trường xuất khẩu hoa tươi từ Việt Nam sang Liên Xô (Nga).
Trong những năm tháng công tác, ông đã có cơ hội tiếp xúc với các đối tác quốc tế, đặc biệt là một doanh nghiệp Nhật Bản – Mitsumi. Trong các cuộc trao đổi với những người bạn Nhật Bản, ông nhận thấy rằng việc làm tranh từ nguyên liệu hoa, lá khô thực sự có tiềm năng lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính từ đây, một cơ duyên đã đưa ông đến với nghệ thuật tranh ghép hoa lá khô, mở ra một hành trình mới đầy đam mê và sáng tạo với việc xây dựng nghệ thuật hoa khô mang đậm bản sắc Việt Nam.
Từ ý tưởng ban đầu, ông bắt tay vào thực hiện những tác phẩm đầu tiên, mỗi cánh hoa, mỗi chiếc lá đều được ông lựa chọn và xử lý một cách tỉ mỉ, công phu. Hành trình để ông nghiên cứu ra cách làm hoa khô cũng rất gian nan, thử thách: Lúc học tôi chỉ tập trung môn Hóa, Lý rồi đến các chuyển hoá khác. Sau đó, tôi nghiên cứu thêm để hiểu vì sao tranh sơn dầu hỏng, rồi tìm cách bảo vệ tranh lá chống mối mọt, nấm mốc. Tôi phải loại bỏ hết dinh dưỡng trong lá, chỉ giữ lại phần hình khô để tranh bền hơn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, vào năm 1997, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên mang nhãn hiệu Hoa khô Việt Nhật, với giá chỉ bằng 1/3 so với hoa khô nhập khẩu. Từ năm 1998 đến nay, ông tiếp tục cho ra đời các sản phẩm với nội dung thấm đẫm văn hóa Việt, như hình ảnh làng quê, phố cổ Hà Nội, hay các tranh dân gian như “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”. Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã thổi hồn vào từng bông hoa, chiếc lá, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc. Sự độc đáo của những bức tranh làm từ hoa lá khô không chỉ là tác phẩm nghệ thuật thưởng thức về thị giác mà còn là nét cảm tình với sự mộc mạc, gần gũi, như một phần không thể thiếu trong ký ức mỗi người.
Ông chia sẻ về góc nhìn nghệ thuật: Mỗi lẵng hoa dù lớn hay nhỏ đều là một công trình kiến trúc đặc sắc. Người ta thường thích màu sắc rực rỡ của các bông hoa. Thế nhưng cũng cần nhiều yếu tố như thiên địa nhân sinh, trời đất và con người phải hòa hợp thì mọi thứ mới phát triển cân bằng. Có như vậy thì người thưởng thức mới cảm nhận được cả giá trị tinh thần và vật chất mà bức tranh đem lại.

Những bức tranh ghép lá, hoa khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu có giá trị nghệ thuật lớn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Những tác phẩm ấn tượng cũng đã được tham gia các triển lãm trong và ngoài nước, khẳng định sự độc đáo và giá trị của nghệ thuật hoa khô Việt Nam.
Gắn bó và truyền lửa đam mê cùng hoa lá
Bằng tình yêu và sự đau đáu cho thế hệ sau, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã mở lớp tại nhà để truyền lại những kiến thức, nghệ thuật tranh ghép lá, hoa khô cho những người đam mê. Tính đến nay, ông đã truyền nghề cho gần 500 học viên. Dù đã ngoài 80 tuổi, không còn trực tiếp làm hoa nhưng những thành quả về nghệ thuật làm hoa khô của nghệ nhân chính là nền tảng cho thế hệ sau sáng tạo và tiếp bước phát triển hơn.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh về niềm đam mê thực sự với những cánh hoa: “Khi dạy học, tôi ngẫm ra một điều sâu sắc về nghề nghiệp. Tôi nhận thấy, những học trò học tôi rồi ra ngoài kiếm cái nghề để làm nhưng không có ai thuê nghề làm hoa này thì lại tìm việc khác ngay. Nhưng có những người mê hoa như tôi, ăn cũng nghĩ tới hoa, ngủ cũng nghĩ tới hoa, cuộc đời gắn bó mấy chục năm với vẻ đẹp ấy thì mới chính là cái nghiệp với cái nghề này”.

Với tài năng và những đóng góp không ngừng nghỉ, Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2003, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Đến năm 2010, ông trở thành một trong 14 nghệ nhân tiêu biểu của Hà Nội và cũng là một trong 20 nghệ nhân tiêu biểu của cả nước, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cùng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển ngành công thương. Dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của ông là việc được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vào năm 2016, ghi nhận những cống hiến xuất sắc của ông đối với nghệ thuật và ngành nghề truyền thống.