Ảnh phim “lên ngôi” trong thời đại kỹ thuật số
(Sóng trẻ) - Trong thời đại kỹ thuật số, giới trẻ đang tìm đến ảnh phim như một cách để chậm lại. Không đơn thuần là một công cụ ghi lại hình ảnh, những cuộn phim còn cất giữ ký ức và cảm xúc sau mỗi lần bấm máy.

Ảnh phim giữa nhịp sống số hóa
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (35 tuổi, kinh doanh máy ảnh phim từ năm 2011) nhận định: “Sự tồn tại và phát triển của máy ảnh phim như một dòng chảy liên tục, có lúc mạnh mẽ, có những khoảng lặng, nhưng không bao giờ ngừng. Hiện tại các bạn trẻ đã hòa mình và góp phần thúc đẩy dòng chảy ấy”.
Theo anh Tuấn, 60% đối tượng mua máy ảnh phim hiện nay là học sinh THPT và sinh viên. Các bạn tìm đến phim như một cách trở về với sự tối giản trong nhiếp ảnh: không có màn hình xem trước và không chỉnh sửa hậu kỳ. Trong thời đại mọi bức ảnh có thể dễ dàng chỉnh sửa, việc mỗi khung hình là một khoảnh khắc duy nhất lại trở nên đặc biệt.
Bạn Phạm Huyền Trang (nhân viên cửa hàng tráng phim tại Ba Đình, Hà Nội) cho biết phong trào chụp ảnh phim bắt đầu lan rộng và đến gần hơn với giới trẻ từ năm 2023. "Ảnh phim mang lại cảm giác rất khác biệt, từ màu sắc đặc trưng, việc không thể xem trước ảnh, giới hạn số lần bấm máy cho đến cảm giác hồi hộp chờ tráng ảnh. Tất cả tạo nên sự trân trọng từng khoảnh khắc mà ảnh kỹ thuật số hay điện thoại khó có thể mang lại".


Phong trào chụp phim hiện nay đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng với nhu cầu đi tìm một trải nghiệm chân thực, giàu cảm xúc giữa bối cảnh công nghệ đang ngày càng phát triển. Bạn Phí Yến Nhi (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Chụp phim buộc người chụp phải chậm lại, cân nhắc kỹ lưỡng từng góc máy trước khi bấm. Trong một thế giới số hóa, nơi mọi thứ diễn ra quá nhanh và dễ dàng bị bỏ qua, việc chụp từng tấm hình một cách cẩn trọng khiến mình thấy trân trọng những gì đã trải qua”.
"Lát cắt" của ký ức
Theo anh Thanh Tuấn, nếu thế hệ Gen Y ưu tiên yếu tố kỹ thuật như xoá phông hay độ nét cao, thì Gen Z lại có góc nhìn đa dạng hơn. Họ quan tâm đến màu sắc, biểu cảm, phong cách cá nhân và cảm xúc trong ảnh.

Yến Nhi cho biết: “Nhiều bạn chụp phim vì thích màu sắc độc đáo mà ảnh kỹ thuật số khó sao chép được. Mình thích những cuộn có tông màu ấm, chúng gợi sự dịu dàng, hoài cổ và gần gũi. Chính những yếu tố đó giúp cho mỗi bức ảnh mang màu sắc rất thật, khiến cảm xúc lúc chụp như được giữ lại nguyên vẹn”.
Đồng quan điểm với Yến Nhi, bạn Vàng Lê Mỹ Thực (20 tuổi, sinh viên Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Chính sự tiện lợi quá mức của kỹ thuật số khiến mình thấy thiếu đi sự nắn nót, điều nhiếp ảnh cần có”.
Dù đã có máy ảnh kỹ thuật số, Thực vẫn sẵn sàng chi vài trăm nghìn cho một cuộn phim, vì “phim không chỉ đơn thuần ghi lại hình ảnh, mà là cách mình lưu giữ cảm xúc”. Cái “đáng giá” của phim, theo Thực, không chỉ nằm ở chất lượng ảnh mà còn là trải nghiệm độc nhất: “Cảm giác hồi hộp chờ tráng, rồi thấy thành quả sau nhiều ngày, đôi khi lại gặp những lỗi như cháy sáng hay trượt nét, lại mang đến vẻ đẹp riêng”.
Không đơn thuần là để ghi lại hình ảnh, giới trẻ chụp phim để lưu giữ những kỷ niệm chân thật. Mỗi cuộn phim như là một chuyến hành trình tìm lại những giá trị chân thật và cảm xúc trong thời đại số hóa phát triển như hiện nay.