AI dần vượt ngoài tầm kiểm soát của con người?
(Sóng trẻ) - Một đoạn video được ghi lại tại cơ sở thử nghiệm của Công ty Unitree Robotics (Trung Quốc) gây chấn động mạng xã hội vì cảnh tượng tưởng chừng chỉ có trong phim viễn tưởng: một robot hình người đột ngột “nổi loạn”, tấn công 2 kỹ thuật viên trong lúc đang được thử nghiệm.
Trí tuệ nhân tạo chưa thể được kiểm soát hoàn toàn
Robot trong vụ việc được xác định là mẫu Unitree H1, có giá trị khoảng 650.000 tệ (tương đương 90.064 USD và đang được treo lơ lửng từ một cần cẩu để kiểm tra chức năng.

Tuy nhiên, trong khi 2 kỹ thuật viên đứng quan sát gần đó, robot bất ngờ vung tay chân loạn xạ và lao về phía trước, kéo theo cả giá đỡ. Hệ quả là một số thiết bị điện tử, bao gồm máy tính và nhiều thiết bị khác rơi xuống đất. Một kỹ thuật viên đã phải nhanh chóng can thiệp để điều chỉnh lại giá đỡ, nhằm ổn định robot.
Đoạn video ghi lại sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, sau đó được nhiều báo quốc tế như Times of India đăng tải, khiến dư luận không khỏi rùng mình trước viễn cảnh robot đang ngày càng trở nên mạnh mẽ nhưng lại thiếu tính ổn định.
Phía Unitree Robotics sau đó cho biết nguyên nhân sự cố có thể đến từ “lỗi lập trình hoặc cảm biến”. Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn chưa đủ để xoa dịu làn sóng lo ngại đang lan rộng trong cộng đồng.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên robot của Unitree gây tranh cãi. Trước đó vào tháng 2/2025, một robot H1 khác từng bất ngờ mất kiểm soát tại sân khấu Gala Lễ hội mùa xuân ở Thiên Tân, lao thẳng về phía khán giả khiến nhiều người hốt hoảng.
Tại Mỹ, một kỹ sư tại nhà máy của hãng xe điện Tesla ở thành phố Austin (bang Texas) từng bị robot gây thương tích khi đang lập trình phần mềm điều khiển các robot có nhiệm vụ cắt những mảnh nhôm thô thành những bộ phận của xe.

Dù phần lớn các nhà sản xuất cho rằng đây chỉ là “sự cố đơn lẻ” trong quá trình thử nghiệm, với sự gia tăng của các sự kiện tương tự, nhiều người không thể không lo ngại: Liệu chúng ta có đang quá vội vàng trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo mà chưa kịp thiết lập những biện pháp bảo đảm an toàn?
Rủi ro từ sự tự động hóa AI
Vấn đề không nằm ở việc một con robot vung tay, làm rơi đồ. Điều khiến người ta lo ngại là mức độ tự động hóa và khả năng học hỏi của các hệ thống AI hiện nay ngày càng khó lường. Khi robot không còn chỉ là cỗ máy vận hành theo lệnh cố định, mà có thể tự điều chỉnh, tự “hiểu tình huống” và phản ứng, việc nó hành xử lệch khỏi mục đích ban đầu không còn là điều viển vông.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực AI đã cảnh báo về hiện tượng “hộp đen” - khi chính những người tạo ra thuật toán không thể giải thích tại sao AI lại hành động như vậy trong một số trường hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc, AI càng tiến gần tới “trí tuệ thật” thì con người càng có nguy cơ đánh mất vai trò điều khiển.
Trên bình diện toàn cầu, nhiều quốc gia đã bắt đầu xây dựng các khung pháp lý và đạo đức để kiểm soát AI. Vào tháng 3/2024, Nghị viện châu Âu (EU) chính thức thông qua đạo luật quản lý AI, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý lĩnh vực công nghệ mới nổi và các hoạt động đầu tư có liên quan.
Tuy nhiên, trong khi các chính phủ nỗ lực tìm ra các biện pháp bảo vệ, các công ty công nghệ vẫn không ngừng chạy đua phát triển và tung ra những robot mới, ngày càng có khả năng tự học, tự di chuyển, xử lý tình huống mà không cần sự can thiệp của con người.
Một khi AI trở thành “bộ não” đứng sau xe tự lái, bác sĩ robot, chiến binh tự động hay thậm chí là vũ khí thông minh, chỉ một sai lệch nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn. Khi sự tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đi vào những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm như vậy, sự kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn, và những rủi ro có thể đe dọa đến an toàn và tính mạng con người.
Trong lúc chờ đợi các quy chuẩn toàn cầu, những sự cố như vụ robot Unitree một lần nữa là lời nhắc nhở: Công nghệ chỉ thực sự phục vụ con người khi nó nằm trong tầm kiểm soát, nếu không những viễn cảnh từng được gọi là “khoa học viễn tưởng” có thể đang tiến gần hơn chúng ta tưởng.