Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính: "Cây đại thụ" của ngành Ung bướu và Tế bào gốc Việt Nam
(Sóng trẻ) - Với hơn 40 năm kinh nghiệm, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính đã và đang cống hiến hết mình cho ngành Y ở những cương vị quan trọng khác nhau: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng điều trị tế bào gốc; Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ tế bào…
Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính sinh năm 1953 tại thành phố Vinh, Nghệ An, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố mẹ đều hoạt động trong quân đội. Quá nửa cuộc đời học tập và làm việc trong lĩnh vực Ung Bướu và Tế bào gốc, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính đã giúp hàng nghìn bệnh nhân trên cả nước chẩn đoán và điều trị các vấn đề về ung bướu, đồng thời thực hiện thành công nhiều kĩ thuật khó trong lĩnh vực tế bào gốc. |

Từ áo lính đến áo blouse
Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính được mọi người biết đến là chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về ung bướu và tế bào gốc. Nhưng không phải ai cũng biết, ông cũng là một chiến sĩ kiên cường, từng vào sinh ra tử nơi trận mạc với tinh thần và vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.
Tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên Nguyễn Trung Chính khi ấy thi đỗ vào khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sang năm 2 đại học, nhận lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, như bao sinh viên thời đó, ông xung phong tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
[Thiết kế trích dẫn] “Những thứ tốt đẹp không bao giờ đến với mình một cách nhẹ nhàng”, Đại tá, PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính.
Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính kể: “Là một cậu sinh viên năm thứ 2, tôi lúc ấy còn non nớt lắm, mà phải hành quân từ mảnh đất Mai Sưu (Bắc Giang), ra Hải Dương, đi tàu vào Vinh, đến Quảng Bình bằng ô tô. Rồi từ đấy, chúng tôi hành quân 3 tháng, đi bộ đến mặt trận Tây Nguyên, được bổ sung vào C9.K9.E66 Quân đoàn III”.
Khi ấy là cuối năm 1971, đầu năm 1972, chàng thanh niên Nguyễn Trung Chính tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau đó cùng đồng đội hành quân vào Sài Gòn, góp công trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ về thời đạn bom, người lính trẻ Nguyễn Trung Chính không thể quên được lần hành quân định mệnh ấy, tiểu đoàn của ông bị địch đánh pháo. May mắn thay, ông đã ngã xuống hố cá nhân nên thoát được cái chết trong gang tấc.
“Một lần khác, tiểu đoàn chúng tôi đánh thắng 3 tiểu đoàn địch, cũng nhiều phen căng thẳng đến nghẹt thở nhưng lúc đó tôi chỉ biết bắn, biết chiến đấu hết sức thôi chứ không có thời gian mà lo lắng, sợ hãi nữa.
Có những ngày hành quân gian khổ, cả tuần không được tắm rửa, thức ăn thiếu thốn, chỉ có thể đốt cỏ tranh ăn thay muối. Nhưng tôi thấy cuộc đời vẫn đẹp, mỗi lần hành quân, tôi và đồng đội lại cùng nhau làm thơ và ca hát, viết những vần thơ về chiến trường, về tình yêu, tình đồng chí”, ông kể.
Những sáng tác ấy sau này được vị Đại tá gom góp lại thành một tập kỷ niệm mang tên “Súng và bút”, không may đã bị thất lạc, chỉ còn lại trong ký ức về một thời tuổi trẻ đẹp đẽ và xúc động.

“Những chuyện đã qua, tôi cho vào kỷ niệm. Trải qua những thăng trầm, tôi nhận ra rằng, khó khăn là để mình vượt qua, rèn luyện, chứ không phải để cản trở cuộc đời. Những thứ tốt đẹp không bao giờ đến với mình một cách nhẹ nhàng”, ông nhấn mạnh.
Trở về từ chiến trường với những vết thương trên mình, người lính trẻ Nguyễn Trung Chính vẫn ôm ấp ước mơ học hành, và sau này được được phân công về Học viện Quân y.
6 năm học tập rồi tốt nghiệp, ông nhận công tác tại Bệnh viện 7, Quân khu III. Tại đơn vị mới, vị bác sĩ tương lai Nguyễn Trung Chính tiếp tục theo đuổi con đường học vấn bằng việc tham gia khóa chuyên khoa sơ bộ Huyết học truyền máu trong 2 năm, rồi nỗ lực học thêm 3 năm để đạt bằng Chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội. Với lòng say mê nghiên cứu khoa học, ông tiếp tục bỏ ra 5 năm làm nghiên cứu sinh. Như vậy, người chiến sĩ năm xưa đã dành trọn 16 năm miệt mài trên hành trình chinh phục tri thức y khoa.
40 năm "chinh chiến" đẩy lùi ung thư

Điểm lại các cột mốc trong cuộc đời Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính, đó là một hành trình dài học tập và cống hiến hết mình cho ngành Y. Ông đã tham gia vào nhiều dự án, và có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các bệnh viện, mà tiêu biểu là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
Đặc biệt, sau khi tham gia xây dựng xong Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, vào năm 2014, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam.


Sau khi hoàn thành xây dựng bệnh viện tại quê hương, ông ra miền Bắc làm Giám đốc tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Y học Tái tạo và Trị liệu Tế bào. Với kinh nghiệm dày dặn, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính luôn cần mẫn phục vụ nhân dân.
Những thành tích mà ông đạt được ở ngành Y khiến nhiều người nể phục. Đến nay, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính đã đóng góp cho chuyên ngành ung thư và huyết học - truyền máu nhiều công trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh có giá trị khoa học, ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn cao, tham gia viết nhiều bài báo cáo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Đồng thời, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính vẫn dành thời gian, tâm sức và trí lực cho công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ trẻ. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Học viện Quân y, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế Hải dương, Trường Đại học Y khoa Vinh. Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính cũng tham gia hướng dẫn, bảo vệ đề tài cho nhiều bác sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ, thạc sĩ…

Ông đã và đang giữ vị trí Chuyên viên Kỹ thuật chuyên ngành huyết học truyền máu của quân đội và Ủy viên Thường vụ Hội Ung thư Việt Nam khóa II, III, IV, V; Phó Chủ tịch Hội Miễn dịch trị liệu Ung thư Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Miễn dịch trị liệu Ung thư Hà Nội; Tổng Thư ký Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam khóa I, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng điều trị tế bào gốc thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ tế bào thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ung bướu và Tế bào gốc, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính - nguyên Chủ nhiệm khoa và phụ trách Trung tâm Tế bào gốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giúp hàng nghìn bệnh nhân trên cả nước chẩn đoán và điều trị các vấn đề về ung bướu; ghép tế bào gốc. Bên cạnh đó, ông cũng cùng các kíp cộng sự đã ghép tế bào gốc cho nhiều bệnh nhân ung thư vú, ung thư hạch, đa u tủy…

“Ghi nhận những đóng góp đáng trân trọng đối với đất nước, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trao tặng nhiều chứng nhận, danh hiệu, phần thưởng cao quý. Trong đó có: - Giấy chứng nhận Thương binh loại A - Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - Huân chương Chiến công hạng Nhất - Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất - Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì, Ba - Nhiều danh hiệu Chiến sỹ Thi đua - Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về sáng kiến - Bằng khen 5 năm liền cống hiến khoa học cho ngành Y do Bộ Tư lệnh Quân khu III trao tặng - Năm 2003, ông vinh dự nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú - Năm 2012, ông được phong học hàm Phó Giáo sư. |
Sự học không bao giờ cùng của Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính
Để có thể cống hiến sức mình xây dựng đất nước, không thể thiếu sự học ở mỗi công dân. Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính ý thức điều này sớm, bản thân ông cũng là người thích học hành.
Ngay từ khi còn là người lính chiến trường, ông đã luôn dắt theo bên mình một cuốn từ điển tiếng Anh, tranh thủ từng thời khắc hiếm hoi khi tiếng súng tạm lắng để lật từng trang sách học tập. Ngọn lửa đam mê học hỏi ấy vẫn cháy trong ông.
Khi rời quân ngũ, vị Đại tá ấy vẫn tiếp tục việc học tiếng Anh của mình bằng cách đăng ký học văn bằng 2 đại học chuyên ngành Tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội.
“Đến bây giờ, tôi vẫn học, vẫn viết đề tài hàng ngày. Là một giảng viên, tôi vẫn phải ôn lại và mở rộng kiến thức bằng cách tra cứu, ghi chép, có những vấn đề, như lĩnh vực tế bào gốc, vẫn cần tìm tòi, khám phá nhiều để truyền đạt lại cho thế hệ sau”, Đại tá, TTƯT.PGS.TS.BS CKII Nguyễn Trung Chính chia sẻ.