Những “đoá hướng dương” thắp sáng bóng tối cho người khiếm thị
(Sóng trẻ) - 5 giờ chiều, căn nhà số 26 trên phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng lại vang lên tiếng đọc bài, tiếng cười của thầy và trò.
Hành trình 14 năm “thắp ánh sáng”
Chia sẻ về tổ chức anh Đặng Thế Lâm, người sáng lập Vietnam and Friends (VAF) kể lại, câu chuyện thành lập không bắt đầu từ những kế hoạch đồ sộ mà từ “duyên lành”. Khi còn là chàng sinh viên Đại học Bách Khoa, anh Lâm đã tham gia nhiều dự án tình nguyện khác nhau, trong đó có tổ chức phi chính phủ nước ngoài dạy học cho các em nhỏ.

Từ sự cảm phục với những tâm hồn giàu nghị lực của các em nhỏ khiếm thị, đã thôi thúc anh và những người bạn cùng chí hướng tiếp tục con đường còn dang dở, thành lập tổ chức phi chính phủ Vietnam and Friends, trong đó có dự án “Hỗ trợ người khiếm thị ở Hà Nội”.

Mong muốn lớn nhất của anh Đặng Thế Lâm và các thành viên trong tổ chức là thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị với xã hội, đặc biệt đem đến cơ hội bình đẳng cho người khiếm thị trong cuộc sống, để bóng tối không còn là rào cản ngăn họ hoà nhập với cộng đồng.

14 năm hoạt động, lớp lớp thế hệ học trò trưởng thành từ Vietnam and Friends. “Như Bích Hằng giờ đang theo học Thạc sĩ bên Úc, hay bạn Nguyễn An Như - ca nương của Giáo phường Ca trù Thăng Long, học trò của tôi cũng quay lại làm việc cho tổ chức. Các bạn ấy đã trải qua hàng nghìn ngày chiến đấu với chính mình. Giờ đây, tại Vietnam and Friends, mỗi bạn là những đoá hướng dương với vai trò khác nhau: điều phối viên, làm đồ dùng học tập, dạy học…”, anh Lâm tâm sự.
“Gieo mầm” từ ngôn ngữ thứ hai
Xuất phát từ việc tiếng Anh - ngôn ngữ của thế giới mà theo anh Lâm đó là chìa khoá để mở ra vô vàn cánh cửa, ngay từ khi mới thành lập dự án “Hỗ trợ người khiếm thị ở Hà Nội” đã lấy việc dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ là nền tảng hoạt động chính của tổ chức. Anh Lâm và đội ngũ của mình hiểu rằng, rào cản giáo dục với người khiếm thị vốn đã nhiều, vậy nên ngôn ngữ không nên là một rào cản lớn khác.

“Làm sao để truyền tải ngữ cảnh qua những trang sách giáo trình vốn được thiết kế cho người sáng mắt?” là câu hỏi đau đáu với anh Lâm. Bởi, con người chủ yếu tiếp cận thông tin hằng ngày bằng thị giác và cùng các giác quan khác bổ trợ tạo nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống. Tuy nhiên, với những bạn khiếm thị để xây dựng bức tranh ấy rất khó khăn, đôi khi là không thể. Điều này cũng đồng nghĩa, phương pháp học tập bằng tranh ảnh, video (hình thức ghi nhớ tiếng Anh dễ dàng nhất) không thể thực hiện với người khiếm thị.
“Những bộ sách nguyên bản tiếng Anh được nghiên cứu rất kỹ nhưng lại không dành cho đối tượng mà chúng tôi hướng đến. Vậy nên, việc chỉnh sửa lại và đạt được yêu cầu như mục tiêu bộ sách gốc định hướng là điều vô cùng khó khăn. Dù có những cố vấn giáo dục hỗ trợ, nhóm cũng phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa phương pháp, tạo ra bộ sách dành riêng cho các bạn khiếm thị, phù hợp với nền tảng chung của lớp”, anh Đặng Thế Lâm chia sẻ.
Để xây dựng môi trường học tập thuận lợi nhất cho các bạn khiếm thị, anh Lâm và cộng sự đã tự tay làm đồ dùng học tập, mày mò chuyển đổi giáo trình, biến những khái niệm trừu tượng thành điều có thể cảm nhận bằng xúc giác, thính giác.

“Năm nay là năm thứ ba chúng tôi xây dựng chương trình sách dành riêng cho các bạn khiếm thị. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thiện lại bộ khung, chỉnh sửa nội dung bài học đúng với người thụ hưởng. Dự tính năm 2026 - 2027, tổ chức có thể chuyển giao tài liệu này đến những đối tượng, cơ sở hay tổ chức quan tâm”, anh Đặng Thế Lâm cho biết.
Những người thắp lên “ngọn đèn” mới
Ngọn lửa Vietnam and Friends sẽ không thể cháy sáng suốt 14 năm nếu thiếu đi hơi ấm từ trái tim của các tình nguyện viên, giáo viên, chuyên gia. Mỗi người một câu chuyện, nhưng họ gặp nhau ở lòng nhân ái và khát khao cống hiến. Đặc biệt đằng sau những giờ học sôi động và nhiệt huyết trên lớp là những nỗ lực bền bỉ của hơn 20 thành viên tại tổ chức.

Nguyễn Công Thịnh, tình nguyện viên tham gia tổ chức từ tháng 8 năm 2024 chia sẻ, Thịnh như tìm được cuộc đời mới, ý nghĩa cuộc sống khi tham gia Vietnam and Friends. Vốn không phải là người khiếm thị bẩm sinh, nỗi tuyệt vọng ập xuống cuộc đời anh khi lớp 12 mắt Thịnh bị mù hoàn toàn vì bệnh bong võng mạc do rung giật nhãn cầu bẩm sinh.

Gần một thập kỷ sống lặng lẽ và tự ti, Thịnh tâm sự: “Mình chỉ ở nhà bán vài món đồ chơi. Biết đến Vietnam and Friends qua một người bạn giới thiệu và qua lớp bồi dưỡng tiếng Anh do hội người mù và VAF kết hợp tổ chức. Trong buổi học tôi có cơ hội được kết nối với anh Lâm, khi tổ chức tuyển tình nguyện viên, tôi đã đăng ký và may mắn được tham gia cùng mọi người. Nơi đây trở thành một công việc chính thức đầu tiên trong đời và giúp tôi tìm lại giá trị tưởng như đã mất”.
Anh Nguyễn Công Thịnh cho biết, khi tham gia VAF nhịp sống của anh cũng dần thay đổi, dậy sớm hơn, vận động nhiều hơn. Thịnh coi VAF là ngôi nhà thứ hai, nơi có người sếp tâm lý, anh em có thể chia sẻ câu chuyện vui buồn, có thể đóng góp chút công sức nhỏ nhoi cho các em nhỏ khiếm thị khác thông qua công việc làm tấm thẻ flashcard (thẻ học từ vựng).
Khác với Thịnh, Nguyễn Minh Anh (20 tuổi, tình nguyện viên) đến với Vietnam and Friends khi đang là một sinh viên tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, mang theo mong muốn đóng góp một phần giá trị nhỏ bé cho cộng đồng. Ngày đầu tiên đứng lớp, Minh Anh đã chuẩn bị rất kỹ cách giao tiếp, ách sử dụng ngôn ngữ với người khiếm thị, những điều cần lưu ý để tạo sự thoải mái và tôn trọng.

Chính quá trình cho đi ấy giúp Minh Anh nhận về những bài học vô giá, “Mình không chỉ đến để dạy, mỗi buổi học là một lần mình được lắng nghe, được thấu hiểu và được cảm nhận những tâm hồn đẹp đẽ, lạc quan và đầy nghị lực. Dù cuộc sống của các em nhiều thiệt thòi, nhưng các em vẫn luôn tỏa sáng bởi sự thông minh và tài năng đáng ngưỡng mộ. Các em là minh chứng sống cho việc không cần phải thấy ánh sáng để có thể lan tỏa ánh sáng – thứ ánh sáng từ tâm hồn, từ niềm tin và sự kiên cường”, Minh Anh xúc động chia sẻ.

Mỗi thành viên của Vietnam and Friends đều tin rằng, những hành động nhỏ từ trái tim có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài. Họ làm từng trang sách, từng giờ học, từng sợi bông mềm cho những áng mây không màu. Nhưng chính từ đó, họ dựng nên một thế giới muôn màu sắc – bằng đôi tay, trái tim và niềm tin rằng: “Không ai bị bỏ lại phía sau, kể cả trong bóng tối”.
Một ngày tại lớp tiếng Anh đặc biệt. (Thực hiện: Khánh Linh)