Bàn về “Nhiếp ảnh nghệ thuật trong tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại”
(Sóng Trẻ) - "Nhiếp ảnh nghệ thuật trong tiến trình phát triển của nghệ thuật đương đại" là tên buổi nói chuyện của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn diễn ra lúc 19 giờ thứ 7, ngày 3/8.
Tại không gian có phần bụi bặm tại công trường của Nhà sàn Collective (Tầng 3, nhà A, số 9 Trần Thánh Tông), nghệ sĩ thị giác – nhiếp ảnh gia đương đại Nguyễn Thế Sơn đã chân thành chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương tiện nhiếp ảnh trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình gần 10 năm nay.
Nghệ sĩ thị giác – nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn.
Mở đầu buổi trò chuyện, anh giới thiệu sơ lược về các quan niệm chung của một số nhiếp ảnh gia đương đại có tầm ảnh hưởng trên Thế giới như: Hilla Becher, Hiroshi Sughmoto, Kan Kitado, Andreas Gursky, David Lachepelle,… Mỗi nhiếp ảnh gia có một cách “thể nghiệm ảnh” riêng, tuy nhiên cùng có một mối quan tâm rất lớn đến việc “tạo ra” hình ảnh hơn là “ghi lại” hiện thực.
Hilla Becher đã đi khắp nước Mỹ để chụp những táp nước giống nhau trên nền trời xám xịt.
Trong seri ảnh của Zhang Da Li, vấn đề xuyên suốt là sự đô thị hóa ở Bắc Kinh.
Các phương thức “thể nghiệm ảnh” phổ biến trong nghệ thuật đương đại là: Tạo nên hình ảnh bằng cách “đạo diễn” hành động của chủ thể trước ống kính (set up); can thiệp vào các quá trình xử lí ảnh, pha trộn giữa đồ họa và nhiếp ảnh; bỏ qua hẳn công cụ camera…
Kế thừa những phương thức “thể nghiệm ảnh” đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn – xuất thân là một họa sĩ, đã sáng tạo cho mình một phương thức mới: ảnh 3D. Nhiếp ảnh 3D không phải là loại công nghệ nhiếp ảnh mới với những kĩ thuật đồ họa hiện đại, mà đó là cách Nguyễn Thế Sơn khéo léo sắp đặt ngôn ngữ hình ảnh và những tấm biển quảng cáo 3D, sử dụng phương pháp in ấn độc đáo trên giấy xuyến chỉ và bồi trên lụa.
Theo quan điểm của anh, hình ảnh khi được sắp đặt khéo léo với nhau sẽ có thể tạo ra những tác phẩm vừa mang tính hiện thực, cụ thể vừa mang tính khái niệm khái quát cao, khiến người xem thấy tác phẩm vừa gần gũi vừa xa lạ, tạo ra được nhiều sự liên tưởng thú vị. Hơn nữa, nghệ thuật sắp đặt nhiếp ảnh thách thức ranh giới cảm nhận của người xem giữa thực và hư. Chính vì lẽ đó, triển lãm ảnh “Nhà mặt phố” (2012) đã mang về cho anh những thành công lớn khi anh khéo léo tái hiện lại hình ảnh cả con phố với những ngôi nhà biển quảng cáo cao ngút, chỉ trong khuôn viên phòng triển lãm.
Một số hình ảnh những tác phẩm 3D trong triển lãm “Nhà mặt phố”.
Với đam mê cống hiến và sự quan tâm đặc biệt tới những đề tài xã hội, anh tiếp tục thực hiện những dự án ảnh mới “Tôi đi tìm nhà chung” và “Trăm năm nhà Tây”. Với dự án “Tôi đi tìm nhà chung”, anh tìm lại tất cả 72 đình làng còn nguyên vẹn hoặc đã biến dạng trong địa bàn phố cổ Hà Nội. Tương tự với “Trăm năm nhà Tây”, anh cũng đi tìm và chụp lại tất cả những ngôi nhà biệt thự Pháp cổ còn xót lại. Tất cả những dự án anh đang thực hiện chỉ với mục đích đem đến cho người thưởng lãm cái nhìn chân thực về sự thay đổi chóng vánh của Hà Nội.
Buổi nói chuyện này nằm trong chuỗi các buổi học tư vấn, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ tại Nhà Sàn Collective.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 2002, và bắt đầu giảng dạy tại trường ngay sau khi tốt nghiệp. Từ 2008 đến 2012, anh tham gia khoá học thạc sĩ tại trường Central Academy of Fine Arts (CAFA), Bắc Kinh, Trung Quốc và tốt nghiệp khoa nhiếp ảnh mỹ thuật. Sau khi về nước, anh tiếp tục giảng dạy tại trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội cho tới nay.
|
Phương Chi
Cùng chuyên mục
Bình luận