Các trường học thực hiện giải pháp công nghệ cao để ngăn chặn COVID-19
(Sóng trẻ) - Khi những học sinh của trường cấp 3 Queen’s Grant (trực thuộc tiểu bang Bắc Carolina) trở lại trường học vào cuối tháng 8, họ sẽ trông thấy những tia sáng màu tím phát ra từ phía các lỗ thông khí. Nguyên nhân dẫn đến điều này là bởi nhà trường đã cài đặt tia UV vào hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí.
“Trường chúng tôi dựa vào số lượng học sinh đi học để mở cửa hoạt động. Chính vì thế, việc quan trọng là phải đảm bảo cho tất cả các học sinh của mình được an toàn.” Josh Swartlander – Hiệu trưởng trường cấp 3 Queen’s Grant cho hay. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên và học sinh mặc đồ bảo hộ y tế.
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học California, tia UV có tác dụng loại trừ COVID-19. Vào tháng 5 vừa qua, thành phố New York cũng đã triển khai lắp đặt các thiết bị chứa loại tia này vào xe điện ngầm để tẩy trùng.
Trường Quee's Grant cài đặt tia UV vào hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (Ảnh: CNN)
Tương tự như trường Queen’s Grant, một số trường khác đã áp dụng các biện pháp công nghệ để ngăn chặn dịch bệnh. Ví dụ như Đại học Arizona, ngôi trường này đã tuyên bố sẽ giới thiệu một ứng dụng được thiết kế chuyên biệt để cảnh báo nguy cơ nhiễm COVID-19. Cụ thể, ứng dụng này sẽ theo dõi và cảnh báo người dùng nếu họ từng tiếp xúc gần những người dương tính với virus.
Bất cứ khi nào một sinh viên bất kì đi đến lớp, dự tiệc hoặc đi tập gym, ứng dụng này sẽ sử dụng công nghệ Bluetooth để nhận biết những ai đang ở gần sinh viên đó. Nếu sau đó sinh viên ấy dương tính với virus, họ cần nhập kết quả của mình vào ứng dụng dưới hình thức ẩn danh, đi kèm với xác nhận y tế. Theo đó, những ai từng tiếp xúc với họ và đồng thời sử dụng ứng dụng trên sẽ được thông báo về nguy cơ nhiễm bệnh.
Ứng dụng trên được xây dựng bởi COVID Watch – một tổ chức được thành lập nhờ các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, các nhà nghiên cứu, chuyên viên thiết kế. Điểm đáng chú ý là ứng dụng này không thu thập dữ liệu về địa điểm của người dùng, và Đại học Arizona sẽ gắn vào người sử dụng một mã số ngẫu nhiên để bảo mật danh tính. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên không biết họ nhiễm bệnh từ đâu, nhưng họ sẽ biết được ngày tháng và thời gian tương đối của quá trình lây nhiễm.
“Mọi người lo ngại ứng dụng này sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư của họ. Nhưng chúng tôi luôn hy vọng sẽ có thể bảo mật thông tin người dùng và thu hút nhiều người sử dụng." Robert Robbins – Hiệu trưởng trường Đại học Arizona cho biết.
Để ngăn chặn đại dịch COVID-19, RightCrowd – một công ty chuyên làm các loại phù hiệu có chức năng theo dõi đã đi vào phát triển loại hình sản phẩm thẻ nhận dạng sinh viên và giáo viên. Khác với các loại thẻ nhận dạng thông thường, loại thẻ nhận dạng này sẽ nhấp nháy nếu người mang thẻ đứng trong khoảng cách 6 feet (= xấp xỉ 2 mét) với người khác.
Trong khi đó, công ty quản lý danh tính Identigy đã sáng tạo một loại phần mềm hoạt động với đèn tín hiệu để gắn vào bao đựng thẻ sinh viên, nhằm mục đích nhận biết những người đi qua cửa hoặc hành lang. Dữ liệu thu thập được từ tín hiệu này sẽ tiết lộ sinh viên đã tiếp xúc gần với những ai có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Để đưa các sản phẩm của mình đi vào sử dụng, cả hai công ty nói trên đều đã thương thảo với các trường học.
Tại Bắc Kinh, một số trường học sử dụng vòng tay để kiểm soát thân nhiệt học sinh. Thực hiện các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh, sinh viên Đài Loan cũng đã làm những con robot từ đồ chơi Le để xịt thuốc sát trùng vào tay.
Cẩm Tú
(Theo CNN)
Cùng chuyên mục
Bình luận