Để năng lượng sạch thực sự đi vào nông thô
(Sóng trẻ) - Tháng 8/2012, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh - Green ID kết hợp với một số tổ chức nước nài chính thức triển khai Dự án Quy hoạch năng lượng cấp địa phương tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây là dự án được Green ID đặc biệt đầu tư, thí điểm tại một xã còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Thái Bình.
Nhiều mô hình năng lượng có tính ứng dụng cao
Ngay khi bắt tay vào triển khai dự án, các mô hình năng lượng xuất hiện tại xã Nam Cường đã mang lại diện mạo mới cho làng quê yên bình này.
Trên nóc nhà UBND là hệ thống 4 tấm pin năng lượng mặt trời có giá 160 triệu đồng được lắp đặt nhằm phục vụ điện cho các hoạt động và sinh hoạt tại trụ sở UBND xã
Cũng tại UBND, hệ thống lọc nước RO được lắp đặt và có sự hỗ trợ điện từ hệ thống pin năng lượng trên nóc UBND
Nam Cường là một xã ven biển nên có nguồn nước mặn, nếu sử dụng để đun nấu, ăn uống trực tiếp sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc mua nước tại các công ty sản xuất nước sạch đôi khi không đảm bảo vệ sinh an toàn, gây lo lắng cho nhân dân. Hệ thống lọc nước RO gồm 4 máy với công suất 100 lít nước/h nhận được sự hỗ trợ từ Green ID và một phần kinh phí của xã đã được lắp đặt. Ban đầu, trạm nước này chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của trạm y tế, trường học, trụ sở xã. Sau một thời gian triển khai và thấy được hiệu quả, xã tổ chức bán nước cho các hộ dân với giá 5000 đồng/bình/20 lít, chỉ bằng ½ giá nước thị trường.
Mô hình lọc nước RO không chỉ giúp nhân dân xã Nam Cường tiết kiệm được chi phí dùng nước sạch sinh hoạt, ăn uống và quan trọng hơn hết là sự yên tâm khi được sử dụng một nguồn nước sạch, đảm bảo, đạt kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nước từ máy lọc RO được lọc và đảm bảo an toàn vệ sinh, có thể uống trực tiếp tại trạm
Mô hình Biogas ngày càng được áp dụng rộng rãi trong xã, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lớn
Trong điều kiện đời sống nhân dân ngày một nâng cao, chăn nuôi cũng cần phải chú ý phát triển. Tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi, nhiều hộ gia đình vẫn chưa chú ý đến vệ sinh môi trường như còn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, điều này làm ảnh hưởng vàgâ
y khó chịu cho những hộ gia đình xung quanh. Sự ra đời của mô hình biogas cộng đồng và biogas hộ gia đình đã giải quyết tốt được vấn đề này. Hàng tháng các hộ gia đình tiết kiệm được một khoản tiền từ việc không cần phải mua bình gas để đun nấu, không chỉ vậy vệ sinh môi trường còn được giải phóng tương đối, người dân không còn bức xúc, tình làng nghĩa xóm được gắn kết. Từ đó, nhu cầu chăn nuôi phát triển rộng rãi hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong xã.
Bếp gas sử dụng khí biogas có lượng gas khá lớn, giúp người dân tiết kiệm không ít chi phí trong việc sử dụng đun nấu
Bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến với các hộ dân ở xã Nam Cường
Hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời cũng dần trở nên phổ biến với các hộ dân ở đây. Gia đình ông Đỗ Văn Kháng là 1 trong số những hộ gia đình được xã Nam Cường hỗ trợ lắp và sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Ông cho biết: “Từ khi có bình năng lượng này, ông tiết kiệm được chi phí, điện năng và cả thời gian rất nhiều. Trước đây, mỗi lần muốn sử dụng nước nóng ông sẽ phải đi nấu nước rất mất thời gian”.
Sau khi triển khai dự án năng lượng tại xã Nam Cường, địa phương đã có rất nhiều thay đổi. Đó là thay đổi về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề tiết kiệm trong sử dụng năng lượng, chú ý quan tâm bảo vệ môi trường. Qua đó, những tiềm năng thế mạnh của địa phương cũng đã được phát huy tốt hơn. Ông Hoàng Ngọc Sang – Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án, người dân đã giúp chính quyền làm được những việc mà trong kế hoạch ban đầu không nghĩ đến. Bởi trong các tiêu chí nông thôn mới của xã trước đây chưa đề cập đến các vấn đề về năng lượng, môi trường. Khi đưa dự án và triển khai ở xã, đã rút ngắn được thời gian về đích nông thôn mới. Bằng những nỗ lực quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, xã Nam Cường đã về đích nông thôn mới trước thời hạn đăng kí của tỉnh và huyện”.
Những mô hình năng lượng có thực sự phát huy được hết giá trị?
Từ thời điểm nhận được sự hỗ trợ của Green ID, tính đến nay đã được 6 năm. Theo báo cáo khảo sát của xã, các mô hình đều đang được vận dụng và triển khai rất hiệu quả, được người dân hưởng ứng cao và ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, vẫn có mô hình chưa thực sự đem lại hiệu quả cao và đang có dấu hiệu lãng phí sử dụng, tiêu biểu phải kể đến là mô hình biogas.
Nhiều mô hình biogas “đắp chiếu” do bị trục trặc kỹ thuật
Được biết, mỗi mô hình năng lượng biogas có giá 9-10 triệu đồng. Khi lắp đặt, mỗi hộ gia đình sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng để giảm bớt gánh nặng chi phí và tạo sự khuyến khích lắp đặt rộng rãi của các hộ dân khác trong xã. Thế nhưng những mô hình này sau một thời gian sử dụng lại tồn tại những bất cập khó xử lý khiến người dân bức xúc và không còn tin tưởng.
Chia sẻ về khó khăn khi sử dụng mô hình này, ông Trần Sinh Bảo – quản lý một trang trại nuôi lợn tại xã Nam Cường cho biết: “Những mô hình như thế này thường không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời mưa thì sẽ không có nhiều gas để sử dụng. Trong quá trình vận hành thì máy móc bị hao mòn nên không còn hiệu quả lắm. Hơn nữa, hiện tại cũng chưa có giải pháp lọc khí nên không khí ở đây cũng khá khó chịu”.
Bà Đỗ Thị Lơ – một người chăn nuôi trong xã cũng lắp đặt hệ thống biogas hộ gia đình cách đây đã 6 năm, song chỉ sử dụng được 3 tháng thì hệ thống biogas gặp sự cố trục trặc kỹ thuật nên từ đó đến nay không còn sử dụng được nữa. Bà bức xúc: “Ngày nào tôi cũng phải xách hết đống phân lợn đi đổ vì biogas có hoạt động được đâu”.
Những xô phân được chất đầy một góc và chưa được xử lý do biogas hỏng. Bà Lơ kể ngày nào cũng phải tự xách từng xô đi đổ.
Những chất thải từ chăn nuôi này nếu không được bà Lơ xử lý đúng cách sẽ lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Rõ ràng, khi đã có biogas nhưng nếu không được sử dụng và khai thác triệt để thì cũng sẽ chẳng khác nào “xôi hỏng bỏng không”. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương cần quan tâm hơn tới vấn đề này và có những can thiệp kịp thời để giải quyết những lo lắng của bà con trong xã, tránh gây tâm lý hoang mang chung cho những hộ chăn nuôi khác, để chăn nuôi vẫn phát triển, đi cùng với sự phát triển kinh tế của xã.
Không thể phủ nhận được vai trò của các mô hình năng lượng được áp dụng tại xã Nam Cường đã đem lại diện mạo phát triển mới về cả kinh tế - văn hóa – xã hội cho nơi đây. Tuy nhiên, để năng lượng thực sự đi vào địa phương thì không đơn giản chỉ là nhận thức của người dân, sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức và địa phương mà hơn hết còn phải có sự đồng hành xuyên suốt của chính quyền để người dân thực sự tin tưởng và làm theo.
Thu Phượng
Ảnh: BBT Sóng Trẻ
Cùng chuyên mục
Bình luận