Đừng gọi trẻ bị tự kỷ là trẻ em khuyết tật mà hãy gọi là những trẻ em “đặc biệt”
(Sóng trẻ) – Đây là chia sẻ của nhà văn Trang Hạ trong buổi nói chuyện về cuốn sách “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn để nghe chị chia sẻ về về việc nuôi dạy trẻ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ ở Việt Nam.
Nhà văn Trang Hạ
PV: Chị nghĩ rằng việc giáo dục trẻ tự kỷ trong các gia đình Việt Nam hiện nay như thế nào?
Chúng ta sẽ không gọi các em là trẻ khuyết tật mà gọi các em là những trẻ em ‘đặc biệt’. Bởi, thật sự nếu các em có những khó khăn đặc biệt thì các em sẽ có những năng lực đặc biệt. Các em nên được nhìn nhận là một trong những hiện tượng đang tồn tại, một thực tế.
Chắc chắn bố mẹ nào cũng thấy có một cảm giác bối rối trong quá trình dạy con cái và hỗ trợ con trưởng thành. Và có lẽ việc giáo dục con cái mới là cái quan trọng nhất chứ không phải là làm thế nào nuôi nó lớn, làm sao để tránh những tổn thất trong gia đình, hoặc trầm uất về tinh thần, hoặc quá mất thời gian cho con cái.
Thật ra câu chuyện về giáo dục các em mới là câu chuyện đau đầu của tất cả các gia đình, không chỉ riêng các gia đình có con em bị tự kỷ và thiểu năng trí tuệ.
Trong quá trình nuôi dạy trẻ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, nhiều khi vấn đề nằm ở chính áp lực tâm lý của gia đình, bố mẹ. Có thể đứa trẻ tự kỷ ấy chưa chắc đã cảm nhận được sự bất hạnh của nó nhưng người mẹ luôn chịu áp lực từ gia đình, luôn cảm thấy có lỗi tại sao mình lại để cho con mình bị như vậy, cảm thấy con mình thua kém và muốn làm cho con cái bằng bạn bằng bè. Họ còn phải đối diện với những ánh mắt, những lời bàn tán, xì xào của người thân, hàng xóm. Đó là một áp lực rất lớn.
PV: Đâu là khó khăn lớn nhất dẫn đến sự bế tắc của gia đình và xã hội trong việc nuôi dạy các trẻ em tự kỷ, thiểu năng trí tuệ?
Ở Việt Nam, không có các dự án thực sự lớn để chăm lo, quan tâm các trẻ em đặc biệt; không đưa ra những chiến lược cụ thể không chỉ cho trẻ tự kỷ mà cho cả những trẻ rối loạn phát triển, bị khiếm khuyết, bại não. Cho nên, có một thực tế là, chúng ta và các bố mẹ luôn tự lần mò đi. Và từ việc tự lần mò đi ấy, chúng ta tự truyền miệng để tìm kiếm những chuyên gia phù hợp, những giải pháp phù hợp. Đó là nguy cơ cho các con, chỉ bởi vì xã hội không hề hỗ trợ. Chúng ta quá thiếu những sự hỗ trợ thực sự và hữu ích từ các chuyên gia, do đó chúng ta luôn phải tự mày mò.
Sự không chấp nhận trẻ tự kỷ thực ra là không chấp nhận sự khác biệt của trẻ. Những đứa trẻ tự kỷ kia bị coi là khác biệt, nhưng những năng lực thực sự của các em là gì? Biết đâu các em lại có năng lực đặc biệt khác?
Thực ra trong mỗi chúng ta cũng có một lúc nào đó có những triệu chứng giống tự kỷ như: thiếu tập trung, tăng động… Hoặc có những lúc bạn u buồn chỉ ở trong nhà giống như trầm cảm, nhưng ngay lúc sau thì tưng bừng đi ra phố chơi.
Khi xem những vụ án rùng rợn, những vụ án mà không thể giải thích nổi tại sao người ta lại có những ứng xử như thế, tôi luôn đặt câu hỏi: Phải chăng họ đã có những biểu hiện rối loạn phát triển trong quá khứ nhưng họ không hề được can thiệp? Có những câu chuyện bạn không thể lý giải được theo tư duy của người thông thường. Và nếu như họ đã phá phách từ nhỏ cho đến lớn và họ luôn có khuynh hướng phạm tội không mục đích, thì phải chăng họ đã không được can thiệp một cách kịp thời?
PV: Vậy xã hội đã can thiệp như thế nào và lẽ ra phải can thiệp như thế nào?
Trong 6 năm ở Đài Loan, tôi luôn ngạc nhiên khi thấy phụ xế xe bus, lễ tân tại các cơ quan, người đẩy hàng tại siêu thị đều là người tàn tật, tình nguyện viên đứng ở ngã tư đều là người khuyết tật. Họ làm rất tốt công việc của họ và họ được trả lương. Điều quan trọng là họ là những người có ích cho xã hội.
Trong khi ở Việt Nam, lễ tân nghe điện thoại người ta yêu cầu cao 1m60, biết tiếng anh, tốt nghiệp đại học nhưng thực ra công việc ấy chỉ cần một trẻ học hết tiểu học biết ghi chép, ghi tên khách, đưa đồ cho khách… là đủ.
Tất cả những không gian đó đáng lẽ nên dành cho những người khuyết tật, họ hoàn toàn có thể làm tốt. Hình như người “lành” chúng ta đã chiếm hết không gian, dành hết cơ hội làm việc của những người khuyết tật, người rối loạn phát triển, tự kỷ? Đó là câu hỏi thứ hai của mình sau khi mình đã quan sát xã hội bằng hai con mắt, một con mắt ở xã hội Việt Nam, một con mắt ở nước nài, mình có sự so sánh và mình tự hỏi vì sao có điều đó. Xã hội thiếu không gian phát triển cho những người như thế. Và có lẽ đó là lỗi của những người “lành” chứ không phải các em.
PV: Phải chăng các bậc phụ huynh luôn kỳ vọng quá nhiều vào trẻ em. Theo chị, cha mẹ kỳ vọng về các bé như thế nào?
Đừng kỳ vọng các con như những người lớn. Các bố mẹ luôn luôn đòi hỏi quá nhiều từ phía con cái. Trong khi, trong cuộc sống gia đình, bố mẹ không quan tâm đến con cái, không nói chuyện, không can thiệp vào những việc làm của các con, thậm chí bố mẹ còn không cân bằng được cuộc sống gia đình. Đến khi biết con mắc chứng tự kỷ mới nhận thức được hành vi của mình.
Tuy nhiên, chứng tự kỷ không hoàn toàn là do lỗi của bố mẹ, bởi đến các chuyên gia cũng không tìm ra được. Có thể do gen, hoặc tác động nào đó trong quá trình mang thai… Sự kỳ thị trong xã hội khiến cho các bậc bố mẹ phải gánh áp lực tinh thần rất lớn. Họ kết tội đứa trẻ, kết tội bố mẹ đứa trẻ. Đó là sự vô trách nhiệm khi chúng ta quá vội vàng kết luận.
Trong thuyết đa trí thông minh được nhắc đến ở cuốn sách “7 loại hình thông minh”, chúng ta không chỉ thấy có trí thông minh về logic hay ngôn ngữ mà còn có các loại hình thông minh khác như: trí thông minh về cơ thể, về giao tiếp, về không gian hình học, về nội tâm, về âm nhạc. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta chỉ đánh giá những đứa trẻ chỉ bằng hai loại hình trí thông minh đó. Phải chăng chúng ta đã quá vội vàng kết luận những điều ấy mà không đánh giá thực sự xem đứa trẻ giỏi cái gì?
PV: Vậy theo chị, ở Việt Nam đã có phương pháp giáo dục phù hợp như thế hay chưa?
Sự thay đổi của giáo dục Việt Nam trong 10 năm qua càng ngày càng đi xuống. Ở tiểu học, các chỉ số đánh giá của các em quá cụ thể, cấp hai không chỉ cụ thể mà còn tinh vi nếu không nói là quái gở. Mỗi ngày các em phải đánh giá rất nhiều tiêu chí để xếp hạng.
Trong khi đó, xã hội thiếu hệ thống kết nối để hỗ trợ các em ‘đặc biệt’ trưởng thành, hỗ trợ các em vào đời. Những trẻ em ‘đặc biệt’, những gia đình ‘đặc biệt’ và thậm chí là những người có lòng tốt ‘đặc biệt’ mất đi niềm tin vào hệ thống đang vận hành của xã hội này. Đó là lý do họ lựa chọn cách tự mò mẫm.
Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là nếu như bạn có một doanh nghiệp, bạn có không gian dành cho những người khuyết tật hoặc trẻ tự kỷ thì hãy cố gắng dành cho họ. Và đó là cách tốt nhất bạn trả ơn cuộc sống này.
PV: Theo như chị nói ở trên, trẻ em tự kỷ thường có một tài năng đặc biệt. Vậy có cách nào đó để các em thay vì trở thành gánh nặng của xã hội sẽ thành một người tài năng có ích cho xã hội?
Dấu hỏi mãi mãi là dấu hỏi nhưng có một dấu chấm câu không thể phủ nhận được, là chúng ta học được rất nhiều bài học giáo dục từ các em bé ‘đặc biệt’, từ các gia đình ‘đặc biệt’.
Cái chúng ta học được đầu tiên chính là lòng yêu thương, thứ hai là sự nỗ lực, cố gắng và thứ ba nữa là cần đến bàn tay của xã hội. Các bạn sẽ dành bàn tay nào cho các em? Đó thực sự là bàn tay cùng chung tay và tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng.
Chúng ta luôn nghĩ trẻ tự kỷ là đối tượng chờ chúng ta can thiệp. Nhưng thực ra, trong tư duy nhận thức của các em có một thế giới quan riêng, độc đáo và không giống bình thường; nhưng nó thực sự xứng đáng để chúng ta khám phá. Chúng ta nên dành thời gian để trò chuyện với các em nhiều hơn. Và hãy chọn cho các em một cách thích hợp để tương tác.
PV: Chị có lời khuyên gì cho các gia đình nuôi trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ?
Trách nhiệm của chúng ta không phải là đi tìm những lý do vì sao chúng bị tự kỷ, bị thiểu năng trí tuệ; mà việc của chúng ta duy nhất là dừng trách móc và tìm cách nào đó để hỗ trợ các con. Bởi vì nói cho cùng các bố mẹ ngày càng già đi, các con ngày càng lớn lên và trách nhiệm ấy luôn nằm trong tương lai chứ không phải việc bố mẹ quay lại để hối hận quá khứ.
Trên thực tế, kiến thức về tự kỷ và rối loạn phát triển cứ sáu tháng lại thay đổi một lần và nó có rất nhiều thứ mới mẻ. Luôn có các nhà khoa học, các chuyên gia y tế thậm chí là các trung tâm hỗ trợ đặc biệt đưa ra những kiến thức mới, những phương pháp mới, cách nhìn nhận mới.
Vì vậy những người làm công tác chăm sóc trẻ em ‘đặc biệt’ phải luôn luôn tìm tòi, thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp với các em. Còn nếu như họ không thay đổi phương pháp, cách tiếp cận trẻ tự kỷ thì chính họ mới nên bị tống vào bệnh viện chứ các em không có vấn đề gì cả. Rõ ràng, trách nhiệm nằm ở gia đình, ở bố mẹ, và những người dạy dỗ các em; nhưng đôi khi nằm luôn ở môi trường xã hội không tạo điều kiện để cho các em được phát triển.
PV: Cảm ơn chị đã tham gia cuộc phỏng vấn này!
Huyen Vu
Nội dung box.
|
Cùng chuyên mục
Bình luận