“Duyên” – câu chuyện về tình yêu và hôn nhân xưa
(Sóng Trẻ) - Ngày 18/2, Thủ Phất Thanh Đài và Đoàn Thanh niên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức chương trình “Duyên” nhằm tái hiện lại những nét đẹp trong hôn nhân và tình yêu xưa. Dự án như một món quà nhỏ mà ban tổ chức muốn dành tặng cho các bạn trẻ yêu mến văn hóa – lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Các khách mời trong chương trình là những cố vấn có chuyên môn về văn hóa - lịch sử dân tộc và đặc biệt là hôn nhân của ông cha ta thời xưa: Tiến sĩ Trần Trọng Dương - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, anh Cù Minh Khôi và anh Trương Tuấn Anh - thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong.
Bạn Nguyễn Kim Như, người sáng lập ra Thủ Phất Thanh Đài cho biết : “Duyên là chương trình đầu tay mà Thủ Phất Thanh Đài thực hiện, tuy chỉ diễn ra với quy mô nhỏ và thân mật nhưng mình hi vọng qua chương trình sẽ truyền cảm hững đến các bạn trẻ đã, đang có niềm đam mê văn hóa – lịch sử của dân tộc”.
Nguyễn Kim Như – chủ nhiệm CLB Thủ Phất Thanh Đài chia sẻ cảm xúc về dự án
Tình yêu - hôn nhân là cái nôi sản sinh và lưu giữ kí ức, là chủ đề xuyên suốt trong chiều dài văn hóa dân tộc, là nơi bảo tồn những nét đẹp truyền thống vẫn đang được duy trì, tiếp nối. Phần đầu của chương trình ban tổ chức đưa các bạn trẻ xuôi lại dòng lịch sử để tìm hiểu về các cặp đôi vốn đã nổi tiếng với những câu chuyện tình của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với công chúa Thiên Thành hay câu chuyện của Nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông…
Tiến sĩ Trần Trọng Dương chia sẻ: “Trong hôn nhân xưa của ông cha ta theo lễ giáo phong kiến thường coi hôn nhân không phải là một biểu hiện của tình yêu, nó là sự kết hợp của 2 cá nhân vì mục đích của dòng họ, và mục đích cao nhất giữ chọn đạo hiếu là phải đẻ được con trai. Tâm lý này trở thành lối mòn ăn sâu vào suy nghĩ trong thời đại ngày nay” .
Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện Khoa học xã hội trong talkshow bàn về những quan niệm và nghi thức trong hôn nhân xưa
Từ câu ca dao se duyên nài đồng trống đến những đêm hát trống quân thanh mộc cách đôi bờ nước, giữa sân đình; từ cách vấn tóc, điểm son đến chiếc nón quai thao đan lá ngày đưa dâu đều trở thành một trong những mảng sắc điểm tô nên hình thái của quốc hồn dân tộc.
Trải qua các thời kì lịch sử, lề thói và sinh hoạt trong dân gian có nhiều thay đổi, kéo theo sự đa dạng về cách thức thể hiện tình yêu trai gái cũng như nghi lễ đưa rước trong các cuộc hôn lễ. Trong hôn nhân xưa thường có các lễ nghi: Lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cẩn, lễ thỉnh kỳ, lễ cưới, lễ lại mặt....Ngày nay lễ nghi đó được rút ngắn lại còn 3 lễ: ăn hỏi, đón râu và lại mặt. Thậm chí ở một số vùng miền chỉ còn giữ lại 2 lễ.
Tái hiện “Lễ nạp cẩn” - một trong những nghi thức của hôn nhân xưa
“Thủ Phất Thanh Đài” là tên một câu thơ của Nguyễn Trãi có nghĩa là “Thủ phất thanh đài nhận cổ bi”. Câu thơ nay được nhóm các bạn trẻ đặt làm tên cho câu lạc bộ với thông điệp “Tay phủi rêu xanh xem bia cổ”. Dự án hướng đến việc mang lịch sử - văn hóa Việt Nam vốn đang bị phủ bởi một lớp rêu của thời gian trở nên gần gũi hơn với mọi người thông qua cách tiếp cận bằng phim ngắn và các sản phẩm sáng tạo.
|
Hà Hiền
Báo mạng K35
Cùng chuyên mục
Bình luận