Gánh hàng rong không “gánh” nổi những cuộc đời
(Sóng trẻ) - Mỗi ngày, người ta vẫn thường xuyên bắt gặp những gánh hàng rong với những tiếng rao chào hàng. Ban ngày, những âm thanh từ động cơ của các phương tiện giao thông, từ các cửa hàng, khu nhà… dường như đã lấn át cả những tiếng rao ấy. Còn ban đêm, chúng như bị chính màn đêm “nuốt chửng”.
Những xe đẩy chở đầy những đôi giày, dép các loại, cả quần áo; những chiếc xe cao ngút toàn rổ rá, chậu nhựa, xoong chảo; hay những chiếc xe bán đồ đựng hằng ngày bằng gốm, sành, sứ và cả những chiếc xe lai bán bánh rán, bánh mì, thậm chí là các CD ca nhạc, móc chìa khoá - chúng chính là những gánh hàng mưu sinh của những người dân lao động nghèo giữa chốn phồn hoa của Thủ đô.
Dừng xe cạnh vỉa hè ở một con phố ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, dỡ một vài món đồ từ trên xe xuống để lau chùi và ngồi chờ khách tới mua hàng, cô Thi tâm sự: “Cô làm nghề bán đồ gốm này đã được 30 năm rồi. Tuy thu nhập cũng không đáng là bao nhưng cũng phụ được chút ít vào chi phí sinh hoạt của gia đình nên cô vẫn cố gắng tiếp tục công việc này”. Cô Thi năm nay 46 tuổi, là người làng Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội. Từ năm 15 tuổi, cô đã đi bán đồ gốm để phụ giúp cho bố mẹ. Và cái “nghề” này theo cô đến tận bây giờ. Theo lời của cô, gia đình cô cũng có ruộng, cũng trồng lúa và cây hoa màu, nhưng năng suất cũng không đảm bảo. Có mùa vụ, rau bắp cải giá chỉ 2 ngàn đồng/1kg, hay thậm chí 1kg súp lơ giá chỉ có 1 ngàn đồng. Đi bán đồ gốm, mỗi ngày bán được hàng cô có thể có 100 ngàn hoặc hơn để phụ thêm cho gia đình.
Cô Thi với chiếc xe đồ gốm mưu sinh
Con đường mưu sinh gian khó
Trên thực tế, mua bán còn phải dựa trên cơ sở của cung và cầu nên không phải cứ có người bán là sẽ có người mua.
Những mặt hàng như quần áo, giày dép, rổ rá, chậu nhựa… là những đồ dùng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của con người và chúng thường có thời gian sử dụng lâu dài là một tháng, hai tháng hay thậm chí tới nửa năm. Chỉ khi đồ dùng đã cũ, không sử dụng được nữa, người ta mới có nhu cầu sắm đồ dùng mới để thay thế. Nên trong ngày một ngày hai, những người bán rong khó bán được hàng.
Hơn thế nữa, những gánh hàng rong mưu sinh không thể đáp ứng được nhu cầu thời trang thay đổi liên tục của xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng có đòi hỏi cao hơn về mặt thẩm mĩ cho những trang phục, giày dép của họ và yêu cầu cao cho cả chất lượng hàng hoá mà họ sử dụng. Có rất nhiều chợ quần áo, các shop thời trang mọc lên và trở thành sự lựa chọn cho người dân bởi vì trước hết họ yên tâm vì nguồn gốc xuất xứ của những hàng hoá mà mình mua ở những nơi đó.
Cô Thọ sinh sống tại số nhà 169 Ngõ Trại Cá – Hai Bà Trưng – Hà Nội cho biết: “Bình thường, cô chỉ mua những đồ dùng có giá tiền ít như rổ, rá của người đi bán rong. Còn với những đồ đắt tiền hơn như ấm chén sứ, nồi niêu để đun nấu, cô mua ở các cửa hàng để đảm bảo chất lượng. Đồ ăn như các loại bánh của người bán rong thì cô không mua vì sợ không đảm bảo vệ sinh”.
Những xe bán bánh mì, bánh rán… dù giá rẻ nhưng cũng không thể cạnh tranh được với những cửa hàng bán bánh ngọt tinh tươm, sạch sẽ và cũng đảm bảo chất lượng và điều kiện vệ sinh tốt hơn.
Đâu là lối đi cho những người bán hàng rong?
Ban ngày họ đi bán, nếu may mắn cũng chỉ bán được một vài món hàng ít ỏi. Ban đêm, những tiếng rao đêm như “Ai bánh bao nóng nào!”…vẫn còn len lỏi trong những con ngõ nhỏ. Chúng cho thấy những nỗ lực mưu sinh tới tận cuối ngày của những người bán rong. Thế nhưng, tiếng rao đêm cũng chỉ làm được vai trò cơ bản nhất của nó đó là thông báo; không ai còn muốn để tâm tới những mặt hàng của người rao hàng hàng nữa. Có chăng đó cũng chỉ là những sự đồng cảm với những nhọc nhằn của những người lao động ấy.
Từ Trạch Xá, Ứng Hoà, Hà Tây, cô Thuỷ (49 tuổi) ra Hà Nội thuê một căn phòng giá chỉ 400 ngàn đồng/tháng để ở tạm. “Cô đi suốt ngày, nên chỉ cần chỗ để nghỉ ngơi ban đêm thôi cháu ạ”, cô tâm sự. Bán hàng cố định ở trên phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được 6, 7 năm nay mỗi ngày, cô đều đi từ sáng sớm tới 10h đêm mới đẩy xe hàng về chỗ trọ. Xe hàng của cô là những đồ ăn vặt khô như ngô cay, bánh giấy… và khách hàng chủ yếu là các bạn sinh viên ở gần đó. Ngày nào bán chạy, cô mới có thêm chừng 100 ngàn.
Cô Thuỷ với xe hàng bán đồ ăn vặt khô
Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ, nhưng việc vẫn còn những gánh hàng rong nghĩa là vẫn có sự lãng phí hàng hoá sức lao động của nền kinh tế. Họ cần được định hướng để biết được mình nên làm gì để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Hay nói đúng hơn, họ cần những “chiếc cần câu cá” để mưu sinh. Đó có thể là những lớp học đào tạo nghề ngắn hạn được hỗ trợ, những nguồn vốn để làm kinh tế, cơ hội làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp… Hay ít nhất, đó là họ có thể bán chính những mặt hàng mà mình đang bán rong đó tại nhà của mình.
Có thể nói rằng, những gánh hàng rong chưa bao giờ có thể đảm bảo cho cuộc sống của những người bán hàng rong: Chúng chỉ chuyển động khi người ta đẩy chúng, lái chúng đi và chính chúng lại trở thành vật cản, thành “gánh nặng” cho những bước tiến của người lao động khao khát một cuộc sống đúng họ mình mong muốn.
Lê Loan
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận