Gian lận thương mại điện tử (Bài 1): “Muôn hình vạn trạng” chiêu thức lừa đảo
(Sóng trẻ) - Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành “sân chơi sôi động” cho nhà bán hàng và người tiêu dùng. Tuy nhiên, có không ít đối tượng lợi dụng TMĐT, tạo ra vô vàn các thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng.
Báo động tình trạng gian lận thương mại điện tử
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người Việt, đẩy mạnh sự phát triển của TMĐT. Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng vượt bậc là sự gia tăng đáng báo động của các vụ lừa đảo thông qua hình thức mua sắm không tiếp xúc. Các đối tượng đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và lỗ hổng bảo mật của TMĐT để thực hiện hàng loạt vụ việc như bán hàng giả, mạo danh thương hiệu, gây thiệt hại lên đối với người tiêu dùng.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, 9 tháng đầu năm 2024 (từ 15/12/2023 - 14/9/2024), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ gian lận thương mại; phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.
Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết đã kiểm tra, xử lý 54 vụ vi phạm có liên quan đến thương mại điện tử. Tại các vụ việc vi phạm này, cơ quan chức năng còn xử lý các hành vi vi phạm khác như kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; tạm giữ hơn 14.100 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện, hàng điện tử, thực phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, vàng trang sức... trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử phạt với số tiền là hơn 1,18 tỷ đồng, thu giữ tang vật vi phạm và xử lý theo quy định.
Điển hình, tháng 5/2024, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệt phá thành công một nhóm lừa đảo do Nguyễn Thị Tuyết Dâng (sinh năm 1990), cư trú tại tổ 11, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng cầm đầu.
Nhóm đối tượng này sử dụng chiêu trò giả danh nhân viên của sàn thương mại điện tử Shopee tri ân khách hàng. Họ gọi điện mời kết bạn qua Zalo và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lực lượng chức năng đã xác định Tuyết Dâng điều hành hai nhóm lừa đảo, một hoạt động tại tỉnh Cao Bằng và một tại tỉnh Thái Nguyên.
Mới đây, ngày 26/9/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Công (sinh năm 1993), cư trú tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, với tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm". Công, chủ tài khoản Facebook "Npp Thành Công", đã công khai quảng bá sản phẩm bia giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên mạng xã hội.
Liên tục xuất hiện thủ đoạn mới
Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và phương thức mua sắm không tiếp xúc cùng thanh toán trực tuyến dễ dàng, các đối tượng lừa đảo không ngừng thay đổi chiêu thức gian lận, khiến người tiêu dùng rơi vào bẫy một cách bất ngờ. Những thủ đoạn tinh vi diễn ra liên tục trong thời gian gần đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân khi tham gia mua bán trên Internet, nhắc nhở về sự cảnh giác cần thiết trên không gian mạng.
Bạn Quỳnh Trang (19 tuổi, Hà Nội) lao đao vì trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi liên quan đến thương mại điện tử. Trang chia sẻ rằng mình đã bị kẻ gian giả danh shipper để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là gọi điện cho khách hàng, tự xưng là người giao hàng của một đơn hàng đã được đặt trên sàn thương mại điện tử, từ đó dụ dỗ khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của mình.
“Tại thời điểm đó mình cũng đã đặt một đơn hàng trên nền tảng khác với giá 89.000đ nên khi có người gọi tự nhận là shipper đến giao đơn hàng Shopee có cùng giá trị, mình đã không nghi ngờ và cùng không kiểm tra lại mà chuyển khoản luôn cho đối tượng đó và dặn họ để đơn hàng vào sau cổng nhà mình.” Trang cho biết thêm.
Ngay sau khi kiểm tra lại các đơn hàng trên trang thương mại điện tử và không tìm thấy bất kỳ đơn hàng nào được giao, Trang nhận ra mình đã bị lừa. Cô lập tức phản hồi lại số điện thoại của kẻ giả danh shipper. Tuy nhiên, đối tượng không tỏ ra sợ hãi mà còn gửi cho Trang những hình ảnh khiếm nhã, thể hiện thái độ coi thường và thách thức.
Bạn Tú Trinh (21 tuổi, Hà Nội) đã gặp phải một vụ lừa đảo khi mua sắm trực tuyến với thủ đoạn khác. Cụ thể, Trinh đặt hàng một thỏi son qua website giả mạo và nhận được sản phẩm kém chất lượng. Cô chia sẻ: “Mình tình cờ thấy một bài viết quảng cáo bán son dưỡng Dior với mức giảm giá hơn 50%. Là một tín đồ của dòng son này, mình biết giá thực tế tại cửa hàng là 1.300.000 đồng, một mức khá cao. Tuy nhiên mình lại không yên tâm khi mua hàng xách tay vì sợ là hàng giả. Khi nhìn thấy bài viết đó, mình cũng có nghi ngờ.
Thế nhưng, website được đề cập có tên giống hệt với nhãn hiệu son Dior và được thiết kế khá chỉn chu, vì vậy mình quyết định đặt hàng với giá hơn 600.000 đồng. Khi nhận được sản phẩm, mình so sánh với thỏi son chính hãng mà mình từng dùng và nhận ra đã bị lừa mua phải hàng giả. Hiện tại, fanpage và website đó đã không còn hoạt động nữa.”
Mới đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những nội dung cảnh báo về một chiêu trò lừa đảo tinh vi liên quan đến hãng vận chuyển Giao hàng tiết kiệm (GHTK). Vẫn với chiêu trò mạo danh shipper, tuy nhiên thiệt hại mà các đối tượng gây ra cho mỗi nạn nhân lên tới hàng chục triệu đồng. Cụ thể, các đối tượng gọi điện cho nạn nhân, tự nhận là shipper cho hãng vận chuyển GHTK. Sau đó, các đối tượng thúc giục nạn nhân chuyển khoản một số tiền nhỏ vào một số tài khoản lạ.
Ngay sau đó, các đối tượng liền lấy lý do nạn nhân đã chuyển khoản nhầm vào số tài khoản đăng ký thành viên của hãng vận chuyển GHTK, mỗi năm sẽ mất từ 30 - 40 triệu đồng để duy trì tài khoản. Với tâm lý không muốn mất một khoản tiền lớn hàng tháng cho dịch vụ mà bản thân không thực sự cần, các nạn nhân đã nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng và nhắn tin cho một tài khoản nặc danh tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty vận chuyển. Tài khoản này đã dẫn dắt nạn nhân cung cấp số tài khoản ngân hàng của mình và chuyển khoản số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Tháng 2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 đối tượng gồm: Lưu Thành Luân (sinh năm 1998, trú tại Bát Xát, Lào Cai), Tẩn Anh Hiệp (sinh năm 1998, trú tại Bát Xát, Lào Cai), Lê Văn Hiếu (sinh năm 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), Dương Văn Chính (sinh năm 1996, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Shopee theo quy định tại Điều 290 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Các hội nhóm này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa người bán, người mua, nhân viên giao nhận tại các công ty chuyển phát và các đối tác tiếp thị liên kết đã đăng ký mở tài khoản trên Sàn TMĐT Shopee. Bằng cách đặt đơn hàng ảo, các nhóm này tạo ra các giao dịch giả với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, từ đó chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà Shopee cung cấp cho người mua. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sàn TMĐT Shopee mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bán và người mua chân chính, đồng thời cản trở sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.
Luật sư Lê Bá Tự, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hoá chỉ ra nguyên nhân khiến người tiêu dùng thường xuyên rơi vào các vụ gian lận khi mua sắm trực tuyến: “Nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện đang gia tăng mạnh mẽ, cùng với sự bùng nổ trong sản xuất, vận chuyển và kinh doanh hàng hóa. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, diễn ra ngày càng phức tạp.”
Các đối tượng lừa đảo đang tận dụng ưu thế của phương thức mua sắm không tiếp xúc và thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Thêm vào đó, việc người tiêu dùng dễ dàng để lộ thông tin cá nhân trên các nền tảng mua sắm trực tuyến cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hành vi gian lận và lừa đảo trong thương mại điện tử vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo quy định tại điểm a khoản 6 Ðiều 63 Nghị định số 98/2020/NÐ-CP của Chính phủ, hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMÐT hoặc ứng dụng di động có thể bị xử phạt từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động TMÐT từ 6 - 12 tháng đối với hành vi vi phạm. |
Luật sư Lê Bá Tự cho biết thêm, dù đã có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với các hành vi gian lận, lừa đảo thương mại điện tử, tuy nhiên trong quá trình thực thi cũng nảy sinh một số vướng mắc như: những quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi chưa được cụ thể, đồng thời các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng, khiến cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng “lách luật”.
Sự xuất hiện liên tiếp của nhiều chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi và quy mô lớn đã khiến không ít người tiêu dùng rơi vào khó khăn, không chỉ mất tiền bạc mà còn đánh mất niềm tin vào hình thức mua sắm trực tuyến. Tình hình này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, khi họ không chỉ phải đối mặt với thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan mà còn phải vượt qua những khó khăn trong công tác quản lý và kiểm duyệt. Đồng thời, họ cũng cần tìm ra cách để khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.