Giao lưu trực tuyến “Sóng cảm xúc - Bến bờ thấu cảm” cùng TS. Đặng Hoàng Giang

(Sóng trẻ) - Chiều 06/12, trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Sóng cảm xúc: Bến bờ thấu cảm” với khách mời là TS. Đặng Hoàng Giang.

Buổi giao lưu trực tuyến “Sóng cảm xúc: Bến bờ thấu cảm” với tiêu điểm “Trầm cảm: Chân dung, nguồn cơn, lối thoát” đã mang đến cho công chúng những kiến thức cơ bản về rối loạn tâm lý. Buổi giao lưu là nơi để khách mời và độc giả chia sẻ câu chuyện của bản thân, gia đình, bạn bè về chủ đề trầm cảm, từ đó đem đến giá trị cho cộng đồng. Buổi giao lưu được tổ chức với sự góp mặt của khách mời TS Đặng Hoàng Giang - một Nhà hoạt động xã hội và là tác giả của cuốn sách “Đại dương đen”, khai thác những khía cạnh “đặc biệt” liên quan đến căn bệnh trầm cảm.

z4948282847555_63e16cdb292e305d0ae032b5e157cc5e.jpg
Đại diện Ban biên tập Sóng trẻ tặng hoa cho khách mời, TS Đặng Hoàng Giang (Ảnh: BBT)

Tiến sĩ đã lắng nghe và đồng hành cùng với những con người nhỏ bé, từ người bị lăng nhục, người cận tử... đặc biệt là những người mắc chứng trầm cảm và đem câu chuyện của họ vào từng trang sách. Vậy điều gì đã thu hút ông quan tâm và quyết tâm "phác họa" lại câu chuyện của những người trầm cảm? (Độc giả Minh Phương, [email protected]).

TS. Đặng Hoàng Giang: Tôi tìm đến người trầm cảm bởi họ là những người yếu thế trong xã hội và thường không nhận được sự chia sẻ ngay cả với người thân, bạn bè. Dù không là con ngoan, trò giỏi của xã hội, sự tồn tại của những người trầm cảm vẫn đáng được ghi nhận, câu chuyện và cảm xúc của họ vẫn đáng được lắng nghe và được chia sẻ. 

Đây là đề tài cần được xã hội lưu tâm hơn, từ đó mới có thể hỗ trợ các bệnh nhân trầm cảm, xây dựng một xã hội khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Trầm cảm là một chủ đề khá nặng để viết và khó hơn là để tiếp cận được với đại đa số độc giả mà không mang nặng thiên hướng học thuật. Vậy, TS đã sử dụng phương pháp nào để truyền đạt thông điệp của mình hiệu quả và “chạm” đến cảm xúc của người đọc? 

TS. Đặng Hoàng Giang: Có hai yếu tố quan trọng nhất để “chạm” được đến độc giả, đầu tiên đó là chân thật trong tâm hồn và chính xác về kiến thức. Tôi phải đọc rất nhiều những tài liệu khác nhau, từ nhiều nguồn với đa dạng ngôn ngữ. Nếu trong quá trình đọc, thấy chúng có sự xung đột giữa các nguồn thì phải đọc tiếp, tìm hiểu sâu hơn để tìm ra phương án chính xác nhất. Thứ hai, tôi luôn cố gắng làm sao để truyền đạt thông tin đúng và dễ hiểu. Kể cả bạn đọc có là người về hưu, học sinh hay nội trợ,... ở mọi trình độ, lứa tuổi đều có thể đọc và hiểu được.

kie_8556.JPG
Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ những “góc khuất” trong quá trình viết cuốn “Đại dương đen” (Ảnh: BBT)

Các nhân vật trong cuốn sách “Đại dương đen” tuy đã được thay đổi tên và danh xưng khác nhau để đảm bảo tính bảo mật, nhưng liệu những thông tin có thực sự là lời của nhân vật hay không? Việc lắng nghe những người trầm cảm có tổn thương trong quá khứ không phải là điều dễ dàng, vậy làm thế nào để tác giả không để chúng ảnh hưởng đến trạng thái tâm lí của mình? 

TS. Đặng Hoàng Giang: Tôi sẽ viết lại đúng chân dung của các bạn theo cách nhìn của tôi và đánh giá của tôi về vấn đề gì cần được đưa ra, chiếm bao nhiêu phần trăm trong cuốn sách. Tôi cũng không chép lại như bóc băng câu trả lời của các bạn nhân vật mà tôi sẽ ghi chép lại bằng ngôn từ của mình nhưng vẫn phải thể hiện được văn phong của nhân vật mà mình xây dựng.

Tôi luôn phải ý thức về sức khỏe tinh thần của bản thân, điều chỉnh để không bị quá tải. Giống như khi tôi viết cuốn “Điểm đến của cuộc đời” nói về những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, bởi đây là câu chuyện của sự sống và cái chết. Khi kết thúc dự án, lần lượt họ đều ra đi và điều đó khiến tôi thấy rất nặng nề. Tuy nhiên, tôi đã phải điều chỉnh bản thân để không bị chai lì mà vẫn “sống” được cùng cảm xúc, thấu cảm với nhân vật và giữ được sức khỏe của mình. 

Làm thế nào để TS tìm được những  nhân vật trong sách và cần bao lâu để ông tiếp cận họ? (Độc giả Tuấn Long - Hà Nội)

TS. Đặng Hoàng Giang: Tôi có rất nhiều nguồn khác nhau để tiếp cận nhân vật. Chẳng hạn, tôi có thể hỏi người quen của mình rằng: “Tôi đang quan tâm đến lĩnh vực trầm cảm, bạn có biết ai không? Có thể chia sẻ với tôi được không?” hoặc tôi sẽ đăng lên Facebook để hiểu hơn về thế giới của các bạn tuổi 18, 20. Khi nhiều người biết và truyền tai nhau, các bạn sẽ chia sẻ và tôi lắng nghe với tâm lý không phán xét. Số người tôi gặp có thể gấp 10 lần số người được đưa vào sách, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, tôi sẽ chỉ chọn ra một vài câu chuyện phù hợp để đưa vào “Đại dương đen”.

Việc mà bản thân thường xuyên tự nói chuyện một mình, thì đó có phải là biểu hiện của trầm cảm hay không? Nếu có là biểu hiện thì việc đấy đang ở mức độ như thế nào? (Độc giả Minh Khánh - Bắc Giang)

TS. Đặng Hoàng Giang: Nói chuyện một mình không phải là dấu hiệu của trầm cảm mà nó là một yếu tố tâm lý khác. Nếu nó gây ảnh hưởng lớn đến mình hay đối với người khác, khi họ cảm thấy bạn thật kỳ dị thì bạn nên tìm đến sự trợ giúp để xử lý vấn đề đấy. Nhưng nếu nó đi kèm các triệu chứng như: thiếu động lực, đánh mất niềm vui hay não bị đơ hay nghĩ đến cái chết... thì đó mới là bệnh trầm cảm. Vậy nên các bạn hãy tìm hiểu bệnh trầm cảm qua sách vở, trên mạng như chúng ta tìm về các dấu hiệu của bệnh huyết áp cao và chúng ta không nên tự chuẩn đoán cho mình mà hãy tìm đến chuyên gia nhất định.

kie_8513.JPG
Rất đông các bạn trẻ đến tham dự buổi giao lưu và đặt câu hỏi cho TS Đặng Hoàng Giang (Ảnh: BBT)

Thưa tiến sĩ, không biết tiến sĩ đã bao giờ gặp những người bị "trầm cảm cười" hay chưa ạ? Liệu rằng chứng bệnh này có nguy hiểm hơn trầm cảm bình thường hay không? (Độc giả Thu Huyền - Bắc Ninh)

TS. Đặng Hoàng Giang: “Trầm cảm cười”, bản thân nó không phải là cái tên khoa học được định nghĩa trong y học. Có rất nhiều trường hợp người trầm cảm, thể hiện ra bên ngoài bình thường, không phải là người buồn bã, vẫn tương tác với mọi người, khiến chúng ta khó nhận ra bệnh trầm cảm. Có nhiều trường hợp rơi vào giận giữ nhiều hơn là buồn bã. Đặc biệt, là ở người lớn tuổi hoặc trẻ em  hầu như không có biểu hiện cảm xúc khác, mà chỉ có dấu hiệu về mặt cơ thể như mất ngủ, biếng ăn. 

Bản thân cháu khi gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, khủng hoảng tâm lý thì cháu sẽ đọc rất nhiều. Và khi đọc quá nhiều thì cháu sẽ bị quá tải và không biết sắp xếp các kiến thức đã đọc được như thế nào? Tác giả hãy cho lời khuyên đối với những người như thế để họ nên đọc, học và tiếp thu kiến thức đấy như thế nào để không bị quá tải? (Độc giả Minh Hồng - Hà Nội)

TS. Đặng Hoàng Giang: Không có một con số nào để áp cho mọi người là mỗi ngày sẽ phải đọc bao nhiêu tiếng, những cuốn sách nào. Khả năng đọc của mỗi người trong từng giai đoạn sẽ khác nhau nên bạn hãy quan sát bản thân mình xem tâm trí, sức khỏe của mình có bị ảnh hưởng bởi việc đọc của mình hay không? Nếu bạn cảm thấy bạn đang bị u mê đi, đọc không tiếp nhận được nữa thì hãy dừng lại và thực hiện các hoạt động tay chân khác như đi chạy, đi shopping,... Và nếu một tuần bạn đọc mấy chục tiếng cũng không sao nhưng giai đoạn khác bạn cảm thấy đọc nửa tiếng cũng đã mệt thì mình nên tự điều chỉnh bởi mình không phải là một cái máy được lập trình sẵn.

Thưa TS. Đặng Hoàng Giang, bạn cháu vừa được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm nặng và bạn ấy đã chia sẻ với gia đình. Nhưng do một số vấn đề nào đó mà gia đình không tin bạn được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Cháu biết được thông tin này nhưng cũng chỉ dừng ở việc tâm sự với bạn một vài câu, vậy theo TS, cháu có để làm gì để có thể giúp bạn mình vượt qua vấn đề này? (Độc giả Xuân Nhi - Hà Nội)

TS. Đặng Hoàng Giang: Thường người trầm cảm hay có xu hướng cho rằng mình không có vấn đề gì đâu, hoặc vấn đề cũng nhẹ thôi và chính người xung quanh cũng có suy nghĩ như thế. Để thay đổi người bạn đấy thì không dễ, thời gian ngắn thì không thể nhưng bạn hãy dần dần, tỉ tê, tâm sự hay đưa cho bạn ấy những cuốn sách, bài báo dễ hiểu để dần dần bạn ấy nhận ra được trầm cảm là vấn đề y học, là vấn đề sức khỏe hết sức bình thường. Mình tin vào khoa học nhưng không phải vì điều đấy mà mình không tôn trọng bố mẹ, mà có thể là do khoảng cách thế hệ cho nên bố mẹ không nắm bắt được các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Và hi vọng chính bản thân bạn ấy có thể đưa sự hiểu biết của bản thân chia sẻ với bố mẹ nhưng đây là một vấn đề lâu dài. Trong tình huống khi cả gia đình chưa chấp nhận sự chia sẻ của bạn ấy thì bạn ấy đã có người bạn như bạn bè.

kie_8618.JPG
Độc giả Xuân Nhi đặt câu hỏi cho TS Đặng Hoàng Giang tại buổi giao lưu (Ảnh: BBT)

Tiến sĩ, ông đã từng gặp trường hợp bác sĩ tâm lý chữa bệnh cho người trầm cảm nhưng chính họ lại trở thành người rơi vào tình trạng bất ổn tâm lý hay chưa? (Độc giả Bình An - Hải Phòng)

TS. Đặng Hoàng Giang: Chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần thì hoàn toàn có thể rơi vào vấn đề rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc và đều có thể bị trầm cảm, họ cũng là người, họ cũng bị stress. Có thể họ là bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý nên họ có ý thức hơn rất nhiều cách phòng ngừa tâm lý rối loạn như: sinh hoạt điều độ, dành thời gian thư giãn... nhưng trong một số trường hợp phòng ngừa không đủ, những tình huống khác nhau trong cuộc sống vẫn khiến họ rơi vào trầm cảm thì khi đó họ bắt buộc phải nhờ đến đồng nghiệp, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khác.

Theo nhận định của ông, hiện nay tại Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu liên quan đến hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân chưa? (Độc giả Linh Anh, [email protected])

TS. Đặng Hoàng Giang: Việt Nam trong mấy thập kỷ qua đã có những bước phát triển rất lớn trong vấn đề về tim mạch, ung thư, các bệnh truyền nhiễm, Covid-19. Nhưng nước ta lại chưa thật sự chú trọng về vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Số lượng chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần ở Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ của các quốc gia phát triển. Ngoài ra, trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến về sức khỏe tinh thần, cộng thêm sự yếu kém trong hệ thống y tế đã gây ra nhiều cản trở cho các bệnh nhân. Khoa tâm thần của các bệnh viện luôn quá tải, mỗi người vào thăm khám chỉ được 5-7 phút, đôi khi một bác sĩ sẽ khám cho nhiều người cùng một lúc và không tuân thủ quy định về bảo vệ quyền riêng tư. 

Tôi mong muốn hệ thống y tế có thể thay đổi 3 yếu tố chính: Cơ sở vật chất và số lượng phòng bệnh; tăng cường chất lượng và số lượng đội ngũ chuyên gia tâm lý; tích cực truyền thông để thay đổi định kiến của xã hội về những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, giúp bệnh nhân cảm thấy không bị lạc lõng, bị xã hội coi thường hay ghét bỏ.

Như TS đã giới thiệu, đường dây “Ngày mai” là dịch vụ trợ giúp những cá nhân gặp khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là trẻ trầm cảm và người thân của họ. Trong quá trình hoạt động đường dây và thu thập câu chuyện, bản thân tác giả cũng như đường dây có những lưu ý gì khi làm nghề không? (Độc giả, Chuyên viên tâm lý Nghiêm Kim Chi - Hà Nội)

TS. Đặng Hoàng Giang: Khi làm việc với các nhân vật tiềm năng trong cuốn “Đại dương đen”, tôi luôn hỏi họ: “Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau và có thể câu chuyện của bạn sẽ được sử dụng trong cuốn sách với mục đích khiến cho bạn đọc hiểu hơn về thế giới của người trầm cảm, bạn thấy thế nào?”. Có những người không cảm thấy thoải mái, chúng tôi có thể dừng lại hoặc vẫn nói chuyện với nhau nhưng không được đưa vào sách. 

Nếu họ thấy thoải mái và có cùng mong muốn đưa câu chuyện của mình vào sách, tôi và nhân vật sẽ thảo luận rất kỹ và trao đổi xem họ muốn sử dụng tên thật hay sẽ thay đổi những chi tiết nào để người thân không nhận ra họ. Thật đáng mừng là 100% các nhân vật của tôi đều phản ứng rất tích cực khi cuốn sách được xuất bản. 

Trầm cảm ngày nay vẫn đang bị dán nhãn bởi những định kiến của xã hội, tệ hơn nữa là những người trầm cảm bị chính gia đình oán trách, không lắng nghe. Với bệnh nhân như vậy, hotline “Ngày mai” là một cứu cánh để họ có cảm giác không bị lạc lõng khỏi xã hội. Trên thế giới có rất nhiều những hotline như hotline “Ngày mai”, và ở quốc gia 100 triệu dân như Việt Nam, đáng lẽ phải có 10 hoặc 20 hotline cho những nhóm người khác nhau. Nhưng đáng tiếc Việt Nam chỉ có 1, điều đó chứng tỏ rằng cơ sở hạ tầng về sức khỏe tâm lý của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc hỗ trợ người trầm cảm.

z4948525365082_a34cfbd0d382c59acb3c01adef8ee328.jpg
Chị Nghiêm Kim Chi - Chuyên viên tâm lý đưa ra câu hỏi cho khách mời Đặng Hoàng Giang (Ảnh: BBT)

Việc tiếp cận với người trầm cảm là điều không dễ, làm thế nào TS có thể trò chuyện và để họ chia sẻ câu chuyện của mình?

TS. Đặng Hoàng Giang: Phương châm tiên quyết của tôi khi tiếp cận các câu chuyện của nhân vật là: không bao giờ phán xét, đánh giá họ. Tư tưởng đó được tôi thấm đẫm và truyền tải đến khi nhân vật cảm thấy đủ niềm tin, để có thể chia sẻ những câu chuyện thầm kín nhất, kể cả những hành động mà có thể xã hội sẽ lên án và đánh giá, điển hình như “nhân vật Thành đánh bố”. Đây là một điều rất khó để có thể chia sẻ với người khác, bởi họ sẽ bị phán xét “Tại sao lại đánh bố? Có ăn học không? Bố yêu thương mình mà lại như thế ?”,... Vì vậy, tôi luôn lắng nghe, tôn trọng và không phán xét, mặc dù không đồng ý với hành vi của họ, bởi mong muốn của tôi là hiểu vì sao, nguồn cơn nào họ làm hành động đó?

Đôi khi, chúng ta không cần làm gì nhiều. Khi chúng ta tương tác với người trầm cảm, có thể chúng ta chỉ cần im lặng ở bên và lắng nghe họ. Bản thân tôi cũng đóng vai trò là người lắng nghe, tuy nhiên không phải lúc nào khả năng chia sẻ của họ cũng sẽ trôi chảy, nhất là khi họ đang trong thời kỳ rối loạn. Nhiều người có thể lặn mất một vài tháng rồi lại tìm đến, tôi phải đi theo được năng lượng, nhịp sinh học của họ, xác định tâm lý đoạn đường đồng hành cùng họ có thể sẽ gặp nhiều đứt đoạn và trong khoảng thời gian kéo dài. 

Thưa TS, ông có thể chia sẻ cách để mọi người đang trong quá trình hồi phục sau trầm cảm để có thể giao tiếp và hòa đồng hơn với mọi người xung quanh hay không? (Độc giả Quang Huy, [email protected])

TS. Đặng Hoàng Giang: Bạn ấy có thể tìm đến các tập thể mang tính nuôi dưỡng về mặt tinh thần hoặc tìm đến các hoạt động thể thao, nghệ thuật khác. Để qua đấy, bạn ấy có thể gặp được những người lắng nghe, không đánh giá bạn ấy làm trò hay vớ vẩn. Dần dần, bạn sẽ học được cách tin tưởng hơn để có thể tương tác thoải mái với người khác. Đây là quá trình tái rèn luyện, tái học làm sao để tương tác với người khác mà không bị ảnh hưởng từ trải nghiệm quá khứ. 

Rất mong qua những chia sẻ vừa rồi, bạn cũng như các bệnh nhân đang được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sẽ tìm thấy được sự kết nối với những người thân xung quanh để bạn không vô tình bị “rơi” vào bờ vực của những hành vi tiêu cực.

kie_8675.JPG
TS Đặng Hoàng Giang giao lưu chụp ảnh và ký tặng sách với độc giả sau buổi giao lưu (Ảnh: BBT)

 

Vì thời lượng có hạn nên Tác giả, TS. Đặng Hoàng Giang khó có thể trả lời hết câu hỏi của độc giả trong chương trình. Ban biên tập sẽ tổng hợp câu hỏi của quý độc giả gửi tới TS. Đặng Hoàng Giang để có thể giải đáp trong thời gian sớm nhất.

 

Độc giả có thể đặt câu hỏi cho TS Đặng Hoàng Giang qua email: [email protected]

Ban Biên tập rất mong nhận được sự ủng hộ từ Quý độc giả!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN