Hà Nội giờ tan tầm tắc nghẹt, xuất hiện “làn xe thứ 5” trên vỉa hè
(Sóng trẻ) - Tắc đường đã không còn quá xa lạ đối với người dân thủ đô. Tuy nhiên, trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu vào giờ cao điểm xuất hiện “làn xe thứ 5”, không chỉ xe máy mà cả ô tô cũng leo lên vỉa hè để đi.
Xe máy, ô tô nối thành “làn xe thứ 5” trên vỉa hè
Vào giờ cao điểm, phương tiện “chen chân” nhau nhích từng tí một, một số còn cố tình leo lên vỉa hè để di chuyển. Tại tuyến đường Hồ Tùng Mậu vào lúc 7h sáng, lượng phương tiện rất đông. Mưa vào giờ cao điểm buổi sáng khiến nhiều tuyến đường tắc cục bộ. Nhiều xe máy phải len lỏi giữa các xe ô tô, thậm chí còn đi lên vỉa hè để di chuyển.
Điều này đã không còn xa lạ đối với tình trạng giao thông ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân bức xúc đó là không chỉ xe máy, mà đến cả ô tô cũng cố tình leo lên vỉa hè để đi nhanh hơn trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu.
Xe máy, ô tô nối đuôi nhau thành “làn xe thứ 5”, ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Ngoài việc làm cản trở những người đi xe máy phía sau, chiếc ô tô leo lên vỉa hè đi kiểu "chân thấp chân cao" không chỉ làm xấu xí hình ảnh giao thông Hà Nội mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây va chạm với các phương tiện khác. Nhiều ô tô vượt lên vỉa hè, trong đó còn có các loại xe hàng nặng như xe 16, 29 chỗ khiến gạch lát nứt vỡ, hư hỏng nặng.
Lời giải nào cho ý thức giao thông?
Một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn đô thị là tình trạng các phương tiện không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện tràn lên vỉa hè để di chuyển. Trên nhiều con phố tại Hà Nội, vào giờ tan tầm, người đi xe máy, ô tô đổ xô lên phần đường này, khiến người đi bộ không có lối đi. Thực tế này đã và đang khiến nhiều người dân bức xúc.
Vì vậy, văn hóa giao thông đúng phải bắt đầu từ việc phổ biến, nâng cao ý thức người dân. Nhưng trước thực trạng nhiều người đi đường “đãng trí” thì công bằng không phải chỉ trông chờ vào mỗi vấn đề “ý thức” mà phải dùng đến những biện pháp mạnh tay, nghiêm minh để xử lý. Có như vậy mới mong từng bước hình thành văn hóa từ những hành vi nhỏ nhất khi tham gia giao thông.
Theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 5, Nghị định 46: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. Còn trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn thì lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 - 4 tháng.
Việc các hộ kinh doanh chiếm dụng vỉa hè, phương tiện giao thông ngang nhiên leo lên vỉa hè, nhất là vào giờ cao điểm dễ dẫn đến tai nạn cho người đi bộ trên vỉa hè, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị của thành phố. Việc xử phạt những người vi phạm không chỉ có tác dụng răn đe mà còn giúp nâng cao ý thức, trả lại vẻ sạch đẹp, văn minh cho vỉa hè thành phố. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển, và một trong những hành động nhỏ giúp duy trì và thúc đẩy sự phát triển đôi khi chỉ là mỗi người phải có ý thức khi tham gia giao thông.