Công tác định hướng nghề nghiệp: Bao giờ mới thực sự hiệu quả?
(Sóng trẻ) -Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ học sinh thiếu hiểu biết về ngành nghề mình đã chọn cũng như về năng lực của bản thân. Các em chọn nghề theo định hướng gia đình, theo phong trào hay theo cảm tính của mình mà không ý thức được tầm quan trọng của việc chọn nghề.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết quý 3/2014 cả nước có 174.000 cử nhân thất nghiệp do chọn sai ngành đào tạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác hướng nghiệp cho học sinh còn yếu kém.
Khảo sát của Viện khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ có 36,4% số học sinh hoàn toàn tin tưởng rằng những ngành nghề mà các em đã chọn và dự định học là hoàn toàn phù hợp với các em; 40,9% còn băn khoăn không biết ngành nghề đã chọn có thật sự phù hợp với mình không; 12,1% không biết sau này có xin được việc làm đúng nghề đã học không và 10,6% số học sinh cảm thấy khó trả lời.
Ảnh minh họa
Điều này cho thấy công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh trung học phổ thông chưa nhận được sự quan tâm thực sự và còn hời hợt. Trong khi đó hướng nghiệp là công tác giáo dục cần được chú trọng từ sớm. Đó cũng là nhu cầu của các em học sinh.
Em Ngân Hà, học sinh lớp 11, trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Trường em chỉ tổ chức hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 thôi, vì thế năm nay em vẫn chưa được học môn Hướng nghiệp. Nhưng em thấy tổ chức hướng nghiệp như vậy thì hơi muộn. Em rất muốn nhận được thông tin tư vấn từ sớm để có hướng phấn đấu và có sự chọn lựa đúng đắn cho mình. Hiện tại em vẫn còn rất mông lung về nghề nghiệp trong tương lai”.
Thiếu định hướng nghề nghiệp dẫn đến chọn sai ngành nghề, làm mất hứng thú học tập, giảm hiệu quả đào tạo. Nhiều bạn rất nỗ lực để vào được giảng đường đại học nhưng sau đó mới nhận thấy mình chọn “nhầm nghề” và phải tốn thêm thời gian để tìm cho mình con đường đi khác.
Bạn Phương Ngân, sinh viên Đại học Nại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trường hợp như vậy: “Trước đây, mình trúng tuyển Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia, nhưng sau khi học một thời gian, mình thấy không phù hợp với ngành đó, thế là lại mất thêm một năm nữa ôn thi lại vào trường mình đang học hiện tại. Nghĩ lại ngày đó lúc chọn trường, đúng là mình chẳng nắm được thông tin gì, chỉ nghĩ sao phấn đấu vào đại học là được rồi”.
Mặc dù vây, Ngân vẫn may mắn vì đã tìm lại được hướng đi cho mình. Trong khi đó, còn nhiều sinh viên vẫn phải cố gắng “trụ” để lấy được bằng cử nhân. Để rồi sau khi ra trường phải rời bỏ nghề mình đã chọn. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và con số 174.000 cử nhân thất nghiệp là một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về công tác giáo dục hướng nghiệp.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo - Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh từng khẳng định trên tờ Tin tức: “hướng nghiệp là vấn đề lớn cần phải đi trước một bước, bởi việc chọn ngành nghề không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học hành và công việc sau này của các thí sinh. Do đó, dù quy chế, chính sách có thay đổi và đổi mới như thế nào, nhưng vấn đề hướng nghiệp vẫn luôn là cốt lõi”.
Đã đến lúc công tác hướng nghiệp cần phải được quan tâm đúng mức và có những triển khai hiệu quả bởi đây là một lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ.
Phạm Thúy An
Truyền hình K32A1
Cùng chuyên mục
Bình luận