Hát Chèo tàu Tân Hội: Đánh thức di sản bị đứt quãng

(Sóng trẻ) - Từ xa xưa, Tân Hội nổi tiếng với điệu hát chèo thuyền trên cạn. Đứng trước nguy cơ bị mai một, người dân nơi đây đang nỗ lực “đánh thức” di sản và hồi sinh một nét đẹp độc đáo của văn hóa Xứ Đoài.

Một nghi lễ diễn xướng dân gian mà chỉ có nữ hát

Hội hát Chèo tàu (hát tàu tượng) là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của vùng Tổng Gối xưa (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội). Theo truyền thuyết, hát Chèo tàu xuất phát từ “Khởi nghĩa Hắc Y” của tướng Văn Dĩ Thành chống quân Minh xâm lược. 

Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối được tổ chức kết hợp với kỷ niệm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành. (Ảnh: Diệu Huyền)
Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối được tổ chức kết hợp với kỷ niệm ngày hóa của Đức Thành Hoàng Làng Văn Dĩ Thành. (Ảnh: Diệu Huyền)

 

Theo Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ngô Thị Thu (65 tuổi, Chủ nhiệm CLB chèo tàu Tân Hội), tướng Văn Dĩ Thành đã có công lao lớn, giúp nhân dân những lúc khó khăn: “Ngày trước ngài cũng là thầy giáo dạy chữ, thầy thuốc chữa bệnh cho dân vùng này khi có dịch tả, đi đánh giặc thì ngài là một vị tướng tài ba”.

Ngày 12/3/1416, sau khi tử trận do quân Minh đánh bất ngờ, xác của ngài được mối đùn thành gò mộ lớn. Thấy vậy, người dân vùng Tổng Gối xưa lập nơi thờ và gọi là “Lăng Văn Sơn” (được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997).

Cùng với việc lập nơi thờ tự, người dân cũng sáng tạo ra Chèo tàu để ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hội Chèo tàu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1683 và thường niên 25 năm tổ chức một lần, diễn ra liên tục trong vòng 1 tháng.

Điều đặc biệt ở loại hình nghệ thuật này đó là chỉ có nữ hát. NNƯT Ngô Thị Thu chia sẻ với Phóng viên chi tiết về vai trò của từng vị trí trên con tàu, tượng bằng câu hát: “Bốn làng bốn vị chiêu quân/ Năm mươi mỹ nữ thanh tân đượm màu/ Tướng cờ tướng kiệu chúa tàu/ Hai đôi liệt nữ cưỡi đầu đuôi voi”.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm CLB chèo tàu Tân Hội giới thiệu với Phóng viên về nghệ thuật diễn xướng chèo tàu. (Ảnh: Xuân Ly)
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ngô Thị Thu, Chủ nhiệm CLB chèo tàu Tân Hội giới thiệu với Phóng viên về nghệ thuật diễn xướng chèo tàu. (Ảnh: Xuân Ly)

Trên mỗi thuyền có 13 người gồm 1 bà chúa tàu, 2 cái tàu và 12 con tàu. Việc tuyển chọn người cho đội hát rất công phu. Bà chúa tàu là người giỏi múa hát khoảng 50 tuổi, gia đình song toàn, gia giáo. Cái tàu là nữ đứng đầu thuyền, tuổi từ 18 trở lên. Bên dưới thuyền là các con tàu, tuổi từ 13 đến 16, con nhà nền nếp, có nhan sắc, hát hay và đặc biệt là phải còn “trinh tiết”.

Trang phục giữa chúa tàu, cái tàu và con tàu cũng có sự khác biệt. Chúa tàu đầu đội mũ tròn, năm nếp khăn năm màu, mặc áo điều, quần điều, chân đi hài. Cái tàu và con tàu đầu đội khăn nhiễu tam giang, quần áo nhiều điều, dép cong sơn đen, quai nhung. Áo của con tàu thay đổi hàng ngày, hôm nay mặc áo đỏ thì hôm sau mặc áo màu xanh hoa lý.

Các ca nhi tham gia biểu diễn hát chèo tàu. (Ảnh: Linh Tâm)
Các ca nhi tham gia biểu diễn hát chèo tàu. (Ảnh: Linh Tâm)

 

Trao đổi với Phóng viên, nhà nghiên cứu Trần Bảo Hưng (Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, từng nghiên cứu về hát Chèo tàu) cho biết, cũng như Hát Hội Dô, hát hội Chèo tàu gồm có hát nói, hát ngâm, hát và xô. Tính chất hát thờ của hát hội Chèo tàu khá rõ, xét cả về mặt tiết tấu lẫn âm điệu. Nhưng không khí diễn xướng, phong cách trình diễn khá thoải mái, tầm cữ hát mở rộng. 

Một số đoạn Hát Chèo tàu có kết hợp với những động tác chèo thuyền, phần đồng ca có những tiếng đệm, tiếng đưa hơi gần giống với tiếng đệm của một số điệu hò lao động. Những bài hát Bỏ bộ, những đoạn hát đối đáp tàu, tượng... chính là sự thâm nhập ngày càng sâu sắc của dân ca trữ tình vào hát hội Chèo tàu và góp phần trong sáng hóa nội dung vốn nặng nề của loại hình dân ca nghi lễ này. 

“Đánh thức” di sản văn hóa bị đứt quãng

Giống với hát Dô Liệp Tuyết (Quốc Oai), người dân tại Tân Hội không được thẩm thấu và ngấm dần câu dân ca Chèo tàu của địa phương mình ngay từ lúc còn nhỏ. Những năm hội làng Tổng Gối xưa bị đứt quãng, chưa được khôi phục, người dân thậm chí chưa từng được nghe hát Chèo tàu bao giờ.

Lễ hội Chèo tàu Tân Hội diễn ra lần cuối vào năm 1922. Nhà nghiên cứu Trần Bảo Hưng thông tin thêm, sau đó 25 năm, đã có sự biến động dữ dội về bối cảnh lịch sử. Những thay đổi về thế giới quan, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội bấy giờ, lễ hội Chèo tàu không còn cơ sở lịch sử, xã hội để tồn tại và phát triển. 

Còn nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ, bởi đặc thù là loại hình dân ca nghi lễ, nên hát Chèo tàu không được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của người dân và cũng không thể tách rời với lễ hội Chèo tàu. Do đó, trải qua một khoảng thời gian rất dài không diễn ra hội làng, các làn điệu Chèo tàu đứng trước nguy cơ bị thất truyền khi những nghệ nhân từng tham gia hội làng năm 1922 ngày một già yếu, nhưng lớp thế hệ kế cận không có người để tiếp nối.

Phải đến năm 1998, khi Nghị quyết TW 5, khóa VIII được ban hành với chủ trương “Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể” mới bắt đầu có những công tác sưu tầm, khôi phục làn điệu Chèo tàu.

Câu lạc bộ hát Chèo tàu xã Tân Hội được thành lập cách đây gần 20 năm với mục tiêu khôi phục lại những làn điệu Chèo Tàu cổ, phục dựng lại lễ hội đã diễn ra cách thời điểm đó gần 100 năm. Người đứng ra thành lập CLB khi ấy là ông Nguyễn Hữu Yến, ông Đông Sinh Nhật, bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Tuyết và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Những ngày đầu thành lập, CLB chỉ có 20 người, sau đó tăng lên thành 40 người và tới hiện tại đã có hơn 60 người do NNƯT Ngô Thị Thu làm chủ nhiệm CLB. Từ đó tới nay, CLB đã thường xuyên mở các lớp dạy hát Chèo tàu cho các em học sinh nữ từ cấp 2 tới cấp 3 và các buổi tối cuối tuần. Nhiều các thành viên CLB hát Chèo tàu xã Tân Hội cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Tuyết, ông Nguyễn Hữu Yến,...

Dù tuổi đã cao, các nghệ nhân của CLB hát Chèo tàu Tân Hội vẫn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt. (Ảnh: Xuân Ly)
Dù tuổi đã cao, các nghệ nhân của CLB hát Chèo tàu Tân Hội vẫn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt. (Ảnh: Xuân Ly)

 

Trước đây, CLB phải mượn nhà dân để dạy hát, sau đó ra lăng Văn Sơn để tập luyện và hiện tại là sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. Tới thời điểm hiện tại, CLB đã truyền dạy được cho hơn 10 lớp với tổng số học sinh là hơn 200 em. Nhưng do đặc thù chỉ có nữ hát, những cô gái lớn lên lập gia đình hoặc đi học, đi làm xa nên việc truyền dạy hát Chèo tàu phải diễn ra liên tục cho các thế hệ kế cận. 

Các nghệ nhân của CLB hát Chèo tàu xã Tân Hội cho biết, từ thế hệ này qua thế hệ khác, thầy và trò cứ miệt mài dạy và học. Mỗi buổi tối, sau ngày làm việc, học tập vất vả, những người đam mê, tâm huyết với di sản quê hương lại cùng nhau quây quần, cùng nhau xướng lên những làn điệu Chèo tàu mà chỉ ở Tân Hội mới có. 

Đáng mừng, sau những nỗ lực hồi phục Chèo tàu cổ, lễ hội chèo tàu Tân Hội đã được tổ chức trở lại với quy mô lớn tại địa phương năm 2015. Cũng từ đây, Lễ hội thay vì tổ chức 25 năm/lần đã rút xuống còn 5 năm/lần nhằm lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể xứ Đoài đến với nhiều thế hệ. Nhưng do vấn đề về dịch bệnh, nên tới đầu năm 2024, lễ hội Chèo tàu mới được tổ chức trở lại sau 8 năm vắng bóng. 

Ông Ngô Văn Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, lễ hội Chèo tàu và hát Chèo tàu đã góp phần gắn kết bà con nhân dân tại xã Tân Hội. 

“Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức những lớp học hè, gửi công văn về các nhà trường để tuyển chọn những em học sinh tham gia vào các lớp truyền dạy về hát Chèo tàu. Bên cạnh đó, các giờ ngoại khóa của các em từ mầm non tới tiểu học cũng được lồng ghép các nội dung truyền dạy hát Chèo tàu. UBND xã Tân Hội cũng kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn, động viên họ quan tâm, ủng hộ cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản của quê hương”.

Ngoài ra, ông Mạnh cũng nói thêm, UBND huyện Đan Phượng cũng đã có những trao đổi với UBND xã Tân Hội về việc phát triển các tour du lịch gắn liền với các hoạt động văn hóa như lễ hội Chèo tàu tại xã Tân Hội. Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội chia sẻ, đây rất có thể là một hướng đi rất tốt trong việc phát triển loại hình dân ca gắn liền với nghi lễ này. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Đề xuất phun sương, rửa đường tự động đối phó với ô nhiễm không khí nặng

Đề xuất phun sương, rửa đường tự động đối phó với ô nhiễm không khí nặng

Tin nổi bật40 phút trước

(Sóng trẻ) - Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại Hà Nội và các đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đưa ra đề xuất thí điểm biện pháp phun sương và rửa đường tự động từ 0h đến 6h sáng.

Buổi biểu diễn của Zayn Malik buộc phải hoãn do "những tình huống không lường trước được"

Buổi biểu diễn của Zayn Malik buộc phải hoãn do "những tình huống không lường trước được"

Tin nổi bật59 phút trước

(Sóng trẻ) - Zayn Malik vừa ra thông báo trên trang cá nhân của mình rằng anh sẽ hoãn hai buổi biểu diễn tại Edinburghdo do tình huống đột xuất. 

"Deadpool & Wolverine" giúp Disney vượt dự báo lợi nhuận

"Deadpool & Wolverine" giúp Disney vượt dự báo lợi nhuận

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Công ty Walt Disney ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng của tờ Wall Street nhờ doanh thu ấn tượng từ bộ phim "Deadpool & Wolverine", với cổ phiếu tăng 7,4% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN