Hoa quỳnh – cành giao: Ai đã “cắt” mối lương duyên trời định?
(Sóng trẻ) - Một thời, người trồng hoa quỳnh thường không quên trồng thêm cây giao bên cạnh như biểu trưng cho sự hài hòa của thiên nhiên, tạo hóa. Khi đó hoa quỳnh – cành giao đã vượt qua giới hạn của những loài thực vật thông thường để trở thành một nét đẹp văn hóa Việt. Thế nhưng, người nay có còn duy trì nét đẹp thuần khiết, tinh sương đó?
Chuyện kể rằng…
Cây quỳnh và cây giao không tự nhiên mà có trên cuộc đời này. Quỳnh vốn là một tiên nữ có vẻ đẹp tuyệt trần hầu cận bên Ngọc Hoàng trong khi Giao là một tiên nam tài năng chốn cung mây. Thế rồi cặp kim đồng ngọc nữ yêu nhau mà luật trời thì không cho phép. Ngọc Hoàng biết chuyện đày hai người xuống hạ giới và biến họ thành hai loài thực vật cùng họ xương rồng: quỳnh và giao.
Hoa quỳnh, một loài hoa khó bày, khó bán
Cây quỳnh thì thân cũng là lá nên không có cành trong khi cây giao thân cũng như cành nên không có lá. Quỳnh và giao sinh ra dường như để dành cho nhau. Hai cây trồng cạnh nhau tạo nên sự hài hòa âm dương, sự bổ sung một cách hoàn hảo, sự tương trợ đầy dụng ý của thiên nhiên, tạo hóa. Nhiều gia đình cũng đặt tên cho hai cô con gái trong nhà là Quỳnh và Giao vừa biểu trưng cho sự e ấp, nhẹ nhàng của người thiếu nữ, vừa thể hiện sự có nếp, có tẻ theo dụng ý của đất trời.
Một bức ảnh quý hoa quỳnh nở bên cạnh cành giao (Ảnh: Marco)
Cũng vì lẽ đó mà người xưa trồng quỳnh thường không quên trồng thêm cành giao bên cạnh, dẫu giao chẳng có hoa hay hương để "thưởng nạn". Người ta tin rằng dưới ánh trăng, bên cành giao, hoa quỳnh sẽ nở những bông hoa biểu tượng cho sự thánh thiện, tinh khiết. Còn bên quỳnh, cây giao sẽ xanh màu xanh không cần lá như sự thủy chung vốn không cần hoa mỹ, cầu kỳ.
… Và một ngày giao "ra đi"
Hoa quỳnh luôn khoe sắc về đêm, mà mấy ai đã dụng công chờ đợi để “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Chỉ có giao vẫn bên quỳnh dù đêm tĩnh mịch hay đầy mưa gió như người bạn tri kỉ, như một tình nhân quả cảm, chân thành. Quỳnh nở rồi nhanh tàn âm thầm giữa đêm thâu nên nhiều khi chẳng ai hay biết. Vẻ đẹp thanh khiết chỉ dành cho những con người biết chờ đợi, cho những tâm hồn đẹp. Vậy nên mấy ai đã được thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của loài hoa đặc biệt này. Và người xưa trồng cây giao bên cạnh cây quỳnh ắt hẳn còn có dụng ý khác là để những khi cánh quỳnh bung nở dù không có con người trầm trồ khen ngợi thì cũng có cành giao lặng lẽ mong chờ.
Chỉ mình giao, giao lẻ bóng đơn thuần
Nhưng người nay đã khác người xưa. Ngày nay người ta trồng quỳnh cũng nhiều nhưng ít còn thấy ai hữu ý trồng giao bên cạnh. Giao dường như đã bị lãng quên dẫu là khía cạnh cá thể hãy trên nghĩa cặp uyên ương “giao - quỳnh”. Khi được hỏi về truyền thống “bất thành văn” này, nhiều bạn trẻ trả lời không biết trong khi số khác lại chỉ nhớ đến cây giao như một cái gì đó “quen quen” rồi “là lạ” mà đã đọc được hoặc nghe được ở đâu đó cũng có nghĩa chưa một lần "đích mục sở thị". Thật vậy tìm một cái ảnh có cây quỳnh và giao được trồng cạnh nhau ở trên mạng cũng khó như “mò kim đáy biển”. Thế mới biết dẫu là nét đẹp văn hóa nhưng “bác ogle” cũng không thể lưu giữ được lấy vài ba bức ảnh.
Hoa quỳnh thường nở trong đêm trăng (Ảnh: Lan Hương)
Lá quỳnh trĩu xuống, cành giao vươn lên - biểu tượng cho sự nâng đỡ trong quan hệ tình cảm, tượng trưng cho một tình yêu đẹp. Có ai biết giao xa quỳnh, giao đâu còn là giao nữa. Quỳnh vắng giao, quỳnh khoe sắc chỉ một bóng đơn thuần. Cặp cây thân - lá giờ đã vô tình bị chia cắt. Có thể trách ai hay chỉ trách trong mỗi chúng ta đã quên đi sự gắn bó vô hình mà hữu ý của hai loài thực vật. Có thể đổ lỗi cho ai hay tại chính chúng ta đã không dụng công vun đắp cho một mối lương duyên trời định tự thuở nào...
Lê Quang Đức
Cùng chuyên mục
Bình luận