Hoàng Tùng: Nghệ sĩ mang kịch câm trở lại với khán giả
(Sóng trẻ) - Với vóc dáng nhỏ bé cùng khuôn mặt khá giống danh hài nổi tiếng nước Anh, Hoàng Tùng được bạn bè đồng nghiệp đặt biệt danh Mr. Bean khi mới vào nghề. Với niềm đam mê nghệ thuật kịch câm, Hoàng Tùng mong muốn được đưa kịch câm trở lại với khán giả và được nhiều người biết đến.
Ảnh: Hoàng Tùng: Nghệ sĩ mang kịch câm trở lại với khán giả
PV: Được ví như Mr Bean của Việt Nam và khá thành công với các vở kịch như Cánh chim, Trong bệnh viện, Nhật ký của mẹ. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa anh đến với nghệ thuật kịch câm?
Biệt danh Mr Bean của Việt Nam là mọi người hâm mộ đặt cho tôi. Điều này cũng khá thú vị nhưng với tôi cũng như bất kì các nghệ sĩ nào khác đều có một phong cách riêng khác nhau và có thể vô tình giống về nại hình. Còn đối với kịch câm khởi nguồn từ năm tôi 9 tuổi khi được tham gia lớp kịch nói ở Cung thiếu nhi Hà Nội thầy giáo có hướng dẫn một, hai động tác kịch câm. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến kịch câm và rất ưa thích từ đó. Và niềm đam mê cứ lớn dần lên theo năm tháng. Tùng thi vào trường Sân khấu điện ảnh, rồi sau khi tốt nghiệp, được nhận về Nhà hát Tuổi trẻ. Tham gia vào đoàn kịch câm thể nghiệm và được NSND Lan Hương chỉ dạy và được tập kịch câm nhiều hơn, được học hỏi các bậc đàn anh đàn chị trong lĩnh vực kịch câm ở Việt Nam và trên thế giới.
PV: Kịch câm là môn nghệ thuật mới, kén chọn khán giả. Anh đã từng gặp những khó khăn gì và đã có lúc nào anh thấy nản chí?
Lúc đầu có rất nhiều khó khăn khi tôi theo đuổi với bộ môn nghệ thuật này. Đối với cá nhân tôi để sáng tạo ra được một sản phẩm kịch câm vừa ý cần rất nhiều thời gian, công sức. Đến ngay khi vào Nhà hát Tuổi trẻ và được tập với các Nghệ sĩ kịch câm cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ biết các động tác kĩ thuật, sao chép các động tác kịch câm. Suốt thời gian đó tôi chỉ dùng kịch câm để hỗ trợ cho phần diễn thể hình của mình chứ không diễn kịch câm độc lập. Sau đó có một số cơ duyên nữa được xem các Nghệ sĩ kịch câm quốc tế đến Việt Nam biểu diễn đã tạo cảm hứng cho tôi có thể tìm hiểu sâu kịch câm hơn nữa. Cũng giống như “Ếch ra khỏi đáy giếng”, kịch câm lúc này không chỉ như những gì tôi đã biết mà còn nhiều thú vị, sáng tạo tôi cần đi sâu tìm hiểu. Học hỏi từ các nghệ sĩ kịch câm Việt Nam cũng như trên thế giới, tôi cũng đưa tác phẩm kịch câm đầu tiên trở lại sau nhiều năm kịch câm vắng bóng.
Tuy gặp nhiều khó khăn khi sáng tạo tác phẩm kịch câm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình nản chí. Mặc dù mỗi tác phẩm kịch câm cần phải luôn sáng tạo để tìm ra cái mới, những ý tưởng, đề tài làm sao để diễn đạt cho công chúng một cách dễ hiểu nhất. Tôi luôn học hỏi, tìm thêm nhiều cách thể hiện mới, thì đó là lúc mình nản chí tạm thời để lấy năng lượng trở lại mạnh mẽ hơn.
PV: Tác phẩm kịch câm nào để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?
Đó là chương trình “Kịch câm trở lại” có khoảng 8 tác phẩm. Mỗi tác phẩm lại là những đứa con của mình và có hứng thú riêng. Vì mỗi tác phẩm đề cập đến một vấn đề riêng, cách thể hiện khác nhau. Về tác phẩm “Tự sướng” được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ bởi họ thấy chính mình trong đó. Hay tác phẩm “Nhật kí của mẹ”, bên cạnh cái hay của bài hát còn ẩn sau đó là tình cảm bố con, mẹ con. Bởi vì tình cảm yêu thương suôn sẻ, nhưng ẩn bên sâu trong tôi muốn khai thác, muốn cho mọi người thấy được sự mâu thuẫn xung đội giữa bố mẹ và con cái. Nhưng tựu trung lại thì vẫn rút ra một điều là dù có mâu thuẫn, căng thẳng, có đôi khi những hành xử của cha mẹ khiến con cái tổn thương thì vẫn không thể phủ nhận được sự hi sinh của cha mẹ là vô bờ bến và đó chính là thông điệp mình muốn gửi đến.
PV: Lời nói là một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để truyền tải một thông điệp nào đó đến với mọi người. Tại sao anh lại chọn kịch câm để đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ?
Về bản thân tôi luôn thích các hành động không lời. Đặc biệt trong những đoạn không lời của kịch nói. Khi biết đến kịch câm tôi cảm thấy thú vị hơn. Bởi vì làm sao có thể không dùng lời nói mà khán giả vẫn có thể hiểu được nội dung truyền tải. Vì vậy đó là điều mà mình luôn muốn khai phá. Nếu kịch nói dùng lời thoại, múa là cách chuyển động, hội họa thể hiện qua màu sắc, hình khối thì kịch câm được thể hiện qua cử chỉ, hình thể để đến gần hơn với khán giả, để có thể chạm đến cảm xúc của người xem.
Còn đối với giới trẻ thì vô tình những sáng tác của mình lại được rất nhiều các bạn trẻ quan tâm, yêu thích. Mình cũng may mắn được tham gia các sự kiện truyền cảm hứng và được mời làm diễn giả, chia sẻ những khó khăn trên con đường theo đuổi kịch câm với các bạn trẻ. Thông qua những chia sẻ của mình mong nhiều bạn trẻ có thể dám vươn lên vươn lên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành những ước mơ của mình.
PV: Anh có thể chia sẻ những dự định trong tương lai trên con đường đưa “Kịch câm trở lại”?
Mình cũng đã ra được hai chương trình kịch câm. Chương trình đầu tiên đó là “Kịch câm trở lại” và chương trình thứ hai “Suỵt show”. Mình đang ấp ủ chương trình thứ ba tiếp đây. Sau một thời gian sáng tạo tôi cần tìm một cảm hứng mới để tạo ra những tác phẩm sáng tạo hơn, đem đến cho công chúng những món ăn hấp dẫn, mới lạ hơn. Dù là với những gì đã thành công trước đó nhưng với cá nhân mình phải luôn tự đặt ra nhưng mục tiêu mới. Mình muốn học hỏi thêm, nếu có cơ hội mình muốn đưa kịch câm đến với các quốc gia khác trên thế giới. Đó cũng là lúc nhìn lại chính bản thân mình và tìm ra những nét độc đáo riêng của mình để đưa kịch câm ở Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
PV: Cảm ơn anh vì những chia sẻ của mình!
Tô Thị Loan, Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận