Hơi thở rừng già: Kỳ 1 Đi bên “máu thịt của rừng

(Sóng Trẻ)-  Nằm bên cạnh những cây gỗ nghiến không lớn lắm là la liệt “xác thịt” của rừng. Nhựa cây vẫn còn mới và đỏ là chứng nhân cho dấu tích bị tàn phá. Một ngày nào đó những cây gỗ nghiến kia cũng sẽ bị “xẻ thịt” như những gì mà chúng đã chứng kiến ngày hôm nay. Có thể lắm chứ ?

Bắc Mê là một huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Nơi đây có con sông Gâm chảy qua bốn xã, nước xanh như ngọc. Mặc dù phong cảnh hữu tình nhưng Bắc Mê không nổi tiếng như các địa điểm du lịch khác ở Tây Bắc. Bắc Mê chỉ thực sự đặc biệt trong mắt chúng tôi vì …mấy cái thớt bằng gỗ nghiến. Qủa vậy người Bắc Mê tự hào về cây gỗ nghiến cũng giống như người Bến Tre yêu quý cây dừa của họ vậy. Thế nhưng sau chuyến đi này chúng tôi cũng tự hỏi: Liệu sau khoảng 10 năm nữa, với tốc độ tàn phá điên cuồng như hiện nay, Bắc Mê còn có cây gỗ nghiến nào tồn tại được để mà tự hào không ?

Vương quốc nghiến khổng lồ của núi rừng Tây Bắc

Câu hỏi trên đã được anh N.V.N-  một người lâm tặc có thâm niên 20 năm trong nghề giải đáp: “Chắc là không còn”. Anh N là người ở thôn Nà Lèn, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê. Trong ký ức của anh, khoảng 30 năm trước kia, rừng ở đây nhiều lắm, giàu có lắm. Những giống gỗ quý nhất đều có thể tìm thấy được ở Bắc Mê. Có đinh, lim, thông và nhiều nhất là nghiến. Nghiến dùng để làm nhà, làm thớt. Cây nghiến chính là nguồn tài sản lớn nhất mà thiên nhiên ban tặng cho Bắc Mê là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây. Cũng chính vì lý do đó mà người ta đua nhau lên rừng xẻ “thịt nghiến”. Đinh, lim đã hết, thông chỉ còn vài mảnh vụn nhưng nghiến thì còn nhiều. Vì thế “mình lấy một vài cây thì có sao đâu’’. 

Theo chân anh N chúng tôi bắt đầu bước vào cuộc hành trình đi tìm “máu thịt” của rừng. Bãi khai thác gỗ nằm sâu trong đỉnh của một quả núi có độ cao khoảng 500m. Gọi là quả núi vì ngay bản thân người dẫn đường cũng không biết đây là núi gì, rừng gì mà chỉ gọi với cái tên chung chung là rừng già. Đối với những người ở miền xuôi, không quen leo núi thì đây quả là một hành trình gian nan. Núi không cao lắm, nhưng đường khó đi bởi dốc đứng và phẳng lỳ như đường bê tông. Núi tại sao lại phẳng ?  nghe có vẻ kỳ lạ nhưng theo anh N: Núi ở đây đã bị bào mòn vì người ta thả gỗ từ trên đỉnh xuống theo những cái rãnh sâu chừng 50 phân và rộng khoảng 1 mét. Nói như thế để hình dung được số lượng gỗ nghiến bị đốn hạ, bị thả trôi từ trên đỉnh nhiều như thế nào. Chí ít là đủ nhiều để làm một quả núi trở nên trơ phẳng. Cây nghiến bị chặt theo những cái rãnh đó mà trôi tuột xuống sông Gâm. Người ta lấy trâu chở gỗ về.

5c807cb50_a.jpg
Đường lên đỉnh núi bị bào mòn bởi những cây gỗ nghiến được lao từ trên đỉnh xuống

Gỗ trên rừng dùng để làm nhà, làm xà và phổ biến nhất là làm thớt. Nhưng không phải gỗ nào bị chặt xuống cũng được lấy về. Có những cây dù to nhưng gỗ không đạt yêu cầu, lâm tặc cũng bỏ lại. Theo tính toán của anh N, một cây gỗ nghiến đường kính khoảng 1 mét có giá trị thương mại khoảng 200 triệu. Và cũng chỉ cần lấy vài cây như thế là cũng đổi đời. Nhiều người sau vài vụ buôn gỗ trót lọt đã có tiền tậu nhà, mua xe. Đó chính là lý do người ta ngược xuôi lặn lội lên Bắc Mê chặt rừng nghiến. Còn trong quan niệm của dân bản địa: “Ở núi thì sống nhờ rừng, ở biển thì sống nhờ cá. Rừng nghiến rộng lắm, có lấy một hai cây cũng chẳng thấm vào đâu”. Cũng chính vì  cái suy nghĩ đó khiến cho người ta vô tư chặt nghiến, khai thác tràn lan. Và rồi có một ngày phải giật mình nhìn lại như lời N tâm sự : “Rừng nghiến chắc cũng sắp hết rồi, con cháu không biết sống nhờ đâu”.

Càng đi sâu vào trong rừng chúng tôi bắt đầu thấy những tín hiệu đầu tiên của việc chặt phá, đó là mùn cưa. Mùn cưa còn mới, vẫn còn mùi thơm và đỏ đặc, vun đống như đống rạ. Không biết bao nhiêu cây bị cưa, bị chặt mới có một đống mùn cưa lớn như thế ? Nằm lăn lóc quanh các tảng đá là những thân gỗ bị xẻ dở còn bỏ lại. Giống như một mâm cỗ của người giàu chỉ ăn phần nn nhất còn lại thì bỏ thừa. Nhưng mâm cỗ đó trong mắt những kẻ “đói” như chúng tôi vẫn vô cùng giá trị. Chúng tôi đói ở đây là đói gỗ, ở Hà Nội lấy đâu ra nhiều gỗ thế, lấy đâu ra cảnh tượng từng khúc gỗ to và mới nằm lăn lóc mà chẳng ai đoái hoài. Có lẽ ở đây gỗ quá nhiều nên thành ra họ chẳng cần bận tâm đến những thứ “vụn vặt”. Nhưng tài nguyên đất nước là của dân tộc mình. Ai nhìn thấy cảnh tượng trên mà lại không động lòng cho được? Đó là một nỗi đau.

5c807cb50_b.jpg
Thân cây nghiến có đường kính 1m. Nhưng theo lời nhiều người dân thì đây vẫn chưa phải cây xếp vào dạng khủng

Người dẫn đường có vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi xuýt xoa, chua xót vân vê từng thớ thịt của rừng vẫn còn đỏ màu nhựa. Anh ta cười khoái trí và cho chúng tôi biết:“Trong cuộc đời xẻ gỗ của anh, cái cây nghiến to nhất mà anh từng xẻ có đường kính lên đến 3 mét. Để ôm trọn được thân cây đó phải cần vòng tay của 10 người mới đặng”. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều cây nghiến đường kính phải lên tới 1 mét. Cây to nhất gọi là cây “đầu xã” đường kính ước chừng 3 mét. Cây nghiến này lâm tặc không dám chặt vì nếu chặt kiểm lâm sẽ phát hiện được ngay. Cây nghiến đứng sừng sừng, kiêu hãnh trên đỉnh núi như một thứ báu vật của huyện Bắc Mê vậy.

Qua lời tâm sự rất thật của anh N, chúng tôi biết được thực trạng đáng báo động  của việc khai thác gỗ nghiến. Đối tượng phá rừng nghiến nhiều nhất lại chính là người dân bản địa- những người đáng lẽ ra phải có trách nhiệm bảo tồn thứ “đặc sản” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Bắc Mê. Tất nhiên chủ gỗ từ dưới xuôi lên thuê nhân công xẻ “thịt rừng” là có nhưng không nhiều. Họ chặt vì cái lợi to lớn mà cây nghiến đem lại. Bản thân anh N cũng có một gian nhà gỗ rất to mà nếu ở Hà Nội thì ngay cả đại gia cũng chưa chắc đã có. “Nhà của người dân nơi đây, ai cũng như vậy cả vì gỗ sẵn mà”- Anh N thật thà.

Đi bên máu thịt của rừng

Gỗ được lấy nhiều trên rừng về. Mỗi người chỉ lấy vài cây, nhưng nhiều người lấy thì mất cả khoảng rừng rộng. Chính vì thế rừng càng ngày càng hẹp lại. Trong khi đó số lượng  lâm tặc bị bắt và khởi tố là không nhiều chỉ đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Mà kể cả có bị bắt thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính, nặng thì đi tù 1- 2 năm nhưng trong tay đã nắm cơ ngơi bạc tỷ.

Theo người dẫn đường, một năm chỉ có khoảng 2- 3 lần kiểm lâm đi bắt gỗ. Việc bắt gỗ cũng không hề đơn giản vì các đối tượng đã bố trí thiên la địa võng, tai mắt ở khắp nơi. Chỉ cần thấy kiểm lâm là họ lập tức đánh động cho nhau. Đường vào rừng lại xa và khó đi, cho nên hầu như khi kiểm lâm đến nơi thì lâm tặc đã tẩu thoát. Những cây gỗ vẫn còn đó chưa bị “xẻ thịt”  nhưng đã “chết” rồi.

5c807cb50_c.jpg
Bãi gỗ nằm sâu trong rừng, gỗ còn mới và bị bỏ lại không ít

Sau gần 3 tiếng đồng hồ vất vả leo núi, chúng tôi cũng đã đến được một bãi gỗ rất lớn và mới, bị lâm tặc bỏ lại. Trên con đường dẫn vào bãi gỗ là nhằng nhịt những khúc gỗ đã bị xẻ mỏng chỉ đợi người ta đem về. Bãi gỗ này có diện tích khoảng 500 m2 chủ yếu là gỗ nghiến. Bật GPS định vị cũng không thể xác định được vị trí chúng tôi đang đứng, nhưng theo anh N thì cánh rừng này là rừng đặc dụng.

Theo kinh nghiệm của anh N, bãi gỗ này mới bị khai thác trong vòng một tháng trở lại đây. Xung quanh cánh rừng này còn có hơn một chục bãi gỗ như thế thậm chí là quy mô còn lớn hơn nhiều. Gỗ còn đỏ và thơm mùi nhựa. Cây gỗ lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận được có đường kính 1m. 

Bãi khai thác rộng lớn la liệt những mảnh gỗ đã xẻ, nhưng gốc cây với vết cắt ngọt lịm bằng cưa máy. Đấy là những gì người ta bỏ lại sau một cuộc tàn sát. Một số lượng lớn gỗ nghiến, thớt nghiến đã được bọn lâm tặc chuyển xuống sông Gâm để đưa về xuôi tiêu thụ. 

Điều này hoàn toàn gây bất ngờ cho chúng tôi. Vì chúng tôi đã quen với những hình ảnh trên vô tuyến, khi mà những cây gỗ vẫn được xếp ngăn ngắn, tròn trịa chờ xe cẩu về mang đến nơi tiêu thụ. Ở đây lại khác, lâm tặc xẻ thịt gỗ và “liên hoan” tại chỗ. Họ lấy đi những cái thớt, những cái xà tốt nhất và bỏ lại thừa mứa gỗ vẫn có giá trị. Cảnh tượng đó khiến chúng tôi bị chấn động mạnh. Xung quanh khu rừng này đã trống trải hơn xưa rất nhiều, chỉ có những chỗ máy cưa chưa động đến thì vẫn còn không là tan tác hết cả. Đây giống như một công trường tạm bợ mà người ta “vắt chanh rồi bỏ vỏ”. Khu rừng này có cảm tưởng như mái đầu của một người đàn ông trung niên, thưa tóc dần qua năm tháng, già cỗi và đau khổ.

Đối với người dân họ quan niệm: Lấy một hai cây cũng chẳng sao. Nhưng việc phá rừng này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu chính quyền địa phương cùng với hạt kiểm lâm làm quyết liệt hơn. Theo kể của anh N, ở đây đã có tình trạng một số cán bộ, kiểm lâm thoái hóa biến chất bảo kê, làm luật cho lâm tặc. Bản thân anh N cũng đã từng làm luật với kiểm lâm để trót lọt vài vụ gỗ:“Vì muốn bắt gỗ thì dễ lắm bởi ở đây chỉ có một con đường độc đạo để vận chuyển. Vấn đề là người ta có bắt hay không mà thôi. Mỗi cây mất vài trăm là người ta cho qua”.

Trong buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Trung Kiên- hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê khi được chúng tôi cung cấp những tư liệu mà mình đã thu nhận được trong buổi đi rừng, anh Kiên tỏ ra khá bất ngờ. Vị hạt trưởng kiểm lâm khẳng định công tác bảo vệ rừng ở địa phương khá tốt và quyết liệt. Tuy nhiên khi cung cấp vị trí trên GPS thì anh Kiên lại không xác định được vị trí của việc chặt phá và hứa sẽ có báo cáo gửi cho chúng tôi sau một tuần.

Hạt kiểm lâm Bắc Mê cũng thừa nhận một phần lỗi về mình: Đó là không sâu sát nắm tình hình cơ sở. Bên cạnh đó những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng cũng chưa mạnh tay, chủ yếu mới dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục. “Việc quản lý một diện tích rừng hơn 50000 ha trong khi nhân lực chỉ vỏn vẹn 28 người cũng là một thách thức rất lớn đối với hạt kiểm lâm”- anh Kiên chia sẻ. 

Tuy nhiên chừng nào các cấp, các ngành của chính quyền sở tại và hạt kiểm lâm còn chưa cụ thể hóa tinh thần làm việc bằng thái độ nghiêm túc và biện pháp mạnh thì những khu rừng nghiến còn phải chịu cảnh bị “xẻ thịt”. Và với tốc độ tàn phá khủng khiếp như hiện nay thì trong tương lai không xa, khu rừng nghiến chỉ còn là câu chuyện mà người Bắc Mê kể cho con cháu nghe để nhớ về một thời họ đã sống cùng rừng và tàn phá rừng như thế.

Vũ Ninh
ĐPT K34 A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN