Khi người trẻ vẽ lại tranh dân gia

(Sóng trẻ) - Thời gian gần đây, trong nỗ lực gìn giữ và mong muốn đưa dòng tranh dân gian truyền thống trở nên gần gũi hơn với đại chúng, nhiều nhóm bạn trẻ đã xây dựng các dự án tái hiện những bức hoạ xưa theo một cách mới lạ, độc đáo. Điều này trước hết nhằm đem đến sức sống mới cho tranh truyền thống cũng như bảo tồn chúng giữa dòng chảy thời đại, nhưng bên cạnh lợi ích thức thời đó, sự lo ngại về tính bản sắc của ông cha sẽ ở đâu giữa công cuộc cách tân văn hóa là câu hỏi vẫn cần một lời đáp thỏa đáng.  

Tranh dân gian dưới lăng kính người trẻ

Nguyễn Xuân Lam là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong một lần tìm tư liệu để làm bài tập ở Bảo tàng Mỹ thuật, anh đi lạc vào khu trưng bày tranh dân gian, và từ đây, sự hứng thú và khởi phát điểm cho niềm đam mê của Lam với tranh truyền thống được hình thành. Anh bắt tay vào việc tái hiện những dòng tranh này bằng nét vẽ, tư duy sáng tạo và kiến thức hội hoạ của mình, “…trước hết là để thoả mãn niềm vui của bản thân.” – anh Lam chia sẻ.

Trên cơ sở nền tảng là những bức tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ như “Ngũ Hổ”, “Ông Hoàng cưỡi cá”, “Đàn gà”, “Thiên hạ thái bình”,… Nguyễn Xuân Lam giữ lại hầu hết tạo hình theo nguyên bản gốc nhưng thêm vào đó một số chi tiết để khiến cho bố cục được hài hòa hơn, hoàn thiện hơn. Sau khi vẽ xong, những thiết kế này được xử lý qua kĩ thuật đồ họa vi tính nhằm đem đến hơi thở hiện đại và tính chuyện nghiệp cao cho những sản phẩm truyền thống.

dc923277f_da1.jpg

Tác phẩm tái hiện tranh thờ “Ngũ Hổ” của Nguyễn Xuân Lam

Dự án “Vẽ lại tranh dân gian” của Nguyễn Xuân Lam không dừng lại chỉ ở những bức tranh được cách tân mà những chi tiết nét vẽ của Xuân Lam còn được ứng dụng trở thành họa tiết cho các sản phẩm quen thuộc trong đời sống như quần áo, túi xách, bao lì xì, lịch treo tường,... Khi thực hiện dự án, Lam mong muốn cách thể hiện của mình sẽ không chỉ bảo tồn được những giá trị của tranh truyền thống mà còn đưa chúng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 dc923277f_da2.jpg

Ứng dụng tranh dân gian trên áo hoodies

Chia sẻ về dự án này, Nguyễn Xuân Lam cho biết: “Tranh truyền thống với công cụ in thời xưa chưa phát triển, thường sử dụng những màu tự nhiên nên có thể chúng không được tươi. Cá nhân mình rất thích những tông màu đó nhưng khi mình làm dự án này, trên nền những màu cũ, mình thêm vào những màu tươi mới như đỏ cam, xanh lá mạ để nó phù hợp hơn với thời đại.”

Cũng là một người trẻ như Xuân Lam, Trịnh Thu Trang là một nhà thiết kế đồ họa, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Với mong muốn phát huy, bảo tồn dòng tranh Hàng Trống, Trịnh Thu Trang cùng một nhóm cộng sự  đã lập ra dự án “Họa sắc Việt”. Đây là dự án nhằm số hóa tranh Hàng Trống ra bảng mã màu, thành các vec-tơ ứng dụng vào đồ họa, thời trang,...Dự án hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ chính thức ra mắt sản phẩm vào tháng 3/2018.

“Một đường hướng đáng hoan nghênh”

Những cách làm của các bạn trẻ như Xuân Lam hay Thu Trang đã thổi luồng gió mới vào tranh dân gian. Điều đó thể hiện ở sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ trong các buổi triển lãm, talkshow về dự án của họ. Những sản phẩm in ấn sử dụng họa tiết tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ cũng nhận được sự yêu thích rất lớn.

dc923277f_da3.jpg
 
Trịnh Thu Trang và Nguyễn Xuân Lam (giữa) trong talkshow 
chia sẻ về các dự án tái hiện tranh dân gian

Không chỉ có giới trẻ, việc tái hiện tranh dân gian này còn nhận được sự ủng hộ từ chính các nghệ nhân, các nhà chuyên môn. Nghệ nhân tranh Hàng Trống duy nhất hiện nay, ông Lê Đình Nghiên đích thân trở thành cố vấn cho dự án “Họa sắc Việt” và cũng rất hoan nghênh các dự án tái hiện tranh dân gian. 

Tìm những phương pháp mới để bảo tồn tranh truyền thống không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã có những phương cách như số hóa các chi tiết của tranh từ nhiều năm nay.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê - một trong những chuyên gia dành cả đời nghiên cứu và ghi chép các tư liệu về tranh dân gian - nói về những dự án này: “Việc ứng dụng tranh dân gian lên những sản phẩm mới, về mặt văn hóa và kinh tế là một đường hướng đáng hoan nghênh.”

Dấu hỏi về bản sắc

Dù là thành quả của niềm đam mê và nhiệt huyết với tranh truyền thống, nhưng việc cách tân của các bạn trẻ cũng gặp phải những mối lo ngại nhất định. Đó là việc sự đổi mới, thêm bớt chi tiết bằng việc “vẽ lại” sẽ khiến cho tranh dân gian mất đi bản sắc vốn có đã được lưu truyền từ nhiều đời, việc “số hóa” các chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng tranh truyền thống bị công nghiệp hóa và mất đi giá trị nguyên bản của nó. 

dc923277f_da4.jpg
 
Độc giả bày tỏ ý kiến về dự án tái hiện tranh dân gian

Bác Lê Thành Vinh (Hà Nội) trong buổi talkshow “Tranh dân gian qua lăng kính những nghệ sĩ trẻ” đã bày tỏ quan điểm: “Sự cách tân này liệu có khiến đến một ngày chúng ta không thể phân biệt nổi đâu là cái của ngày xưa, đâu là cái của ngày nay đưa vào. Và sự thay đổi thêm bớt chi tiết có khiến cho bức tranh mất đi ý nghĩa ban đầu của nó hay không?”, và nhận xét thêm: “Như tranh Ngũ Hổ, 5 con hổ vốn mang 5 màu sắc khác nhau, nhưng khi được vẽ lại người ta không còn thấy sự khác biệt giữa các màu sắc này.”

Họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam cũng thừa nhận rằng các giảng viên của trường Mỹ thuật nhận thấy việc thêm bớt các hình khối vào tranh sẽ khiến cho việc phân biệt giữa các dòng tranh trở nên khó khăn hơn. 

Điều này được các nghệ sĩ trẻ lý giải rằng họ vẫn giữ nguyên những nội dung chính của tranh và chỉ lấy các hoạ tiết trang trí từ tranh dân gian rồi thay đổi một số màu sắc để sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của người sáng tạo nhằm mục đích trang trí, ứng dụng trong các sản phẩm hiện đại.

 dc923277f_da5.jpg

Tranh dân gian được vẽ lại

Giữa bối cảnh tranh dân gian vẫn đang loay hoay tìm cách tồn tại, việc các nghệ sĩ trẻ tìm ra những lối đi mới để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, cách tân văn hóa là một câu chuyện đòi hỏi sự cận trọng từ chính những người trong cuộc và sự sáng tạo nào cũng nên cần có một giới hạn, khuôn khổ nhất định. Những bạn trẻ như Nguyễn Xuân Lam, Trịnh Thu Trang cùng các cộng sự của họ chính là những người trẻ tiên phong đi trên con đường sáng tạo và bảo tồn tranh truyền thống đầy gian nan ấy.

Đình Trường - Phụng Linh
(Ảnh : Tired City) 



Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN