Khi nhân vật Mị bước ra đời thường

(Sóng trẻ) - Dù từng ba lần bị “kéo về làm vợ”, sống giữa những áp lực, định kiến và thiếu thốn, Sơ vẫn không từ bỏ con đường học tập. Sùng Thị Sơ -  cô gái vùng cao đã vượt lên tất cả để thay đổi số phận của chính mình.

“Con gái rồi cũng chỉ đi lấy chồng, học để làm gì?” – đó không chỉ là câu nói cửa miệng, mà còn là quan niệm đã ăn sâu trong đời sống cộng đồng nơi Sùng Thị Sơ sinh ra. Ở bản làng vùng cao, nơi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đè nặng, việc con gái được tự quyết định cuộc đời mình là điều khó chấp nhận. 

Sùng Thị Sơ, cô gái người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái), từng ba lần bị “kéo vợ”. Lần đầu khi đang học lớp 8, cô may mắn được người thân giúp đỡ. Lần thứ hai, trước ngày nhập học lớp 10, Sơ tự chạy thoát giữa lúc xảy ra xô xát. Đến lớp 12, một lần nữa, cô bị bắt giam, bị bạo hành và phải thức trắng hai đêm tự vệ trước khi được cha giải cứu. 

Giống như nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, nhờ bản lĩnh kiên cường, Sơ đã chọn đứng lên, tiếp tục đi học và tự viết lại số phận chính mình.

Nguồn động viên “vô hình”

Tại nơi Sơ sinh ra, người Mông quan niệm con gái chỉ cần học đến cấp hai, sau đó sẽ về “làm nương, làm vợ”. Thế nhưng, khi những cô gái bằng tuổi trong bản lần lượt rời ghế nhà trường chuẩn bị lấy chồng, Sùng Thị Sơ lại quyết tâm thi vào trường nội trú. Cô là người con gái đầu tiên ở bản phá vỡ định kiến, hiện thực hóa giấc mơ học Đại học.

2.jpg
Sau ba lần bị “kéo về làm vợ”, Sùng Thị Sơ quyết tâm thay đổi số phận chính mình. (Ảnh: NVCC)

 

Việc Sơ tiếp tục đi học cấp ba, rồi kiên quyết thi đại học, từng là điều khó chấp nhận với nhiều người trong bản. Những lời dị nghị cứ lặp đi lặp lại: “Con bé đó rồi cũng lấy chồng thôi, học lắm để làm gì”, “bố mẹ gì mà dở hơi, nuôi con gái đi học cho tốn cơm, tốn gạo”… Nghe những lời ấy, không chỉ Sơ chạnh lòng mà cả bố mẹ cô cũng rất buồn. Nhưng khác với nhiều gia đình khác, họ không để định kiến lấn át niềm tin vào con.

Dù chưa từng một ngày đến trường, không biết đọc viết, bố mẹ của Sơ vẫn sẵn sàng đặt cược tất cả vào mong muốn học hành của con gái. Không phải vì họ hiểu hết giá trị của giáo dục, mà vì họ thấu được sự tha thiết trong ánh mắt con mình. 

Khi Sơ nói muốn tiếp tục học lên, muốn đi xa để tự lập, bố mẹ cô không hề ngăn cản. “Dù bố mẹ không có nổi một nghìn trong người, cũng sẽ bán hết nương, hết trâu bò, thậm chí đi vay mượn khắp nơi, chỉ để con được đi học”, ông Sùng A Của nói với con gái mình. 

Câu nói ấy đã khắc sâu vào trái tim Sơ. Nó đã trở thành chỗ dựa, động lực để cô tiếp tục con đường theo đuổi tri thức. Trong căn nhà nhỏ giữa núi rừng, dù không có bàn ghế học tập, không có mạng Internet hay sách vở đầy đủ nhưng có một thứ luôn hiện diện – đó là sự tin tưởng vô điều kiện của cha mẹ dành cho Sơ. Niềm tin ấy đã nâng bước Sơ trong suốt những năm tháng đi học xa nhà, giúp cô vượt qua sự mỏi mệt, cô đơn, và cả những phút yếu lòng tưởng như không thể đi tiếp.

“Gia đình” trong mắt Sơ là nơi đầu tiên dạy cô học cách nhận biết đúng – sai. Nếu ngày ấy không được bố mẹ định hướng, không được lắng nghe, có thể Sơ đã nghĩ “bị bắt vợ” là điều bình thường và mình phải chấp nhận cam chịu như bao cô gái khác. Dù gia đình không có điều kiện, bố mẹ không được đi học, Sơ vẫn luôn có quyền được quyết định cuộc đời của mình. 

Và chính tình thương giản dị ấy đã cho Sơ một thứ quan trọng hơn cả tri thức: Đó là lý do để không dừng lại.

Chạm đến ước mơ

Sau bao nỗ lực, năm 2020, Sơ đỗ Đại học Luật Hà Nội với điểm số 28.25, trở thành cô gái Mông đầu tiên ở xã Hồng Ca đặt chân đến giảng đường Đại học. 

Trong suốt 4 năm sinh viên, Sơ đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế: Trở thành một trong hai đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1 trong 6 Đại diện Việt Nam tại Spark Fund Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu (Global Fund for Children), Đại biểu của Bàn tròn Thanh niên về mục tiêu phát triển số 6 và đại diện,.... Những dấu mốc đó là minh chứng sống ràng nhất để cô khẳng định bản thân với gia đình và cộng đồng.  

2-2.jpg
Sơ tham gia thuyết trình tại Hội thảo về phòng chống Tảo hôn cấp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương  (Ảnh: NVCC)

 

Không chỉ dừng lại ở thành công cá nhân, Sơ còn ấp ủ khát vọng lớn hơn: “Mình muốn góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính cộng đồng mình. Mình tin rằng giáo dục là con đường bền vững nhất để phá vỡ những rào cản và định kiến”. Là một “nhân chứng sống” từng trải qua quá khứ bị tổn thương, khi quay lại bản, Sơ thường xuyên chia sẻ câu chuyện của mình với các em gái và những thanh niên, hy vọng sẽ truyền cảm hứng về tầm quan trọng của việc học và định hướng tương lai cho các bạn.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Sơ quyết định sáng lập dự án cá nhân với tên gọi “SO SAW LAW”. Dự án nhằm giúp đỡ, tuyên truyền luật pháp tới các cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng thời hỗ trợ, tư vấn pháp luật miễn phí. Đến nay, dự án đã hỗ trợ hơn 30 vụ án, vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình và các tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi.

Theo Sơ, khoảng cách giữa người dân vùng cao và các dịch vụ pháp lý không chỉ nằm ở địa lý, mà còn ở sự thiếu hụt kiến thức và nhận thức về những quyền lợi cơ bản. “Họ không biết đến chức danh luật sư, cũng chẳng hiểu thế nào là trợ giúp pháp lý. Họ sống trong sợ hãi mà không biết rằng mình có quyền được bảo vệ,” Sơ trăn trở.

2-1.jpg
Sơ kỳ vọng “SO SAW LAW” sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành một tổ chức uy tín, đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. (Ảnh: NVCC)

 

Không chỉ dừng lại ở đó, Sơ dự định sẽ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân trong bản, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định. Qua đó, cô hy vọng góp phần xóa bỏ những tập tục như tảo hôn để mang lại cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn cho cộng đồng. 

Sơ cho biết, cô không phủ nhận giá trị truyền thống – thậm chí trân trọng và hy vọng muốn nó được điều chỉnh để phù hợp với thời đại. Thế nhưng, cô sẽ không bao giờ để những tập tục xưa cũ trở thành điều có thể ràng buộc quyền lựa chọn, định đoạt tương lai của một cô gái. 

Với Sơ, truyền thống cần được kế thừa bằng sự hiểu biết và sự tỉnh thức, không phải bằng nỗi sợ hay sự cam chịu: “Mình tin rằng, một phong tục chỉ thực sự sống khi nó có thể cùng con người bước tiếp, chứ không phải níu họ lại phía sau”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/5, đêm chung kết Miss World 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế HITEX, thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đại diện Thái Lan - Opal Suchata Chuangsri đã xuất sắc đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi. 

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN