Khó khăn trong tiếp cận giáo dục đại học của người khuyết tật: Khi giáo dục chưa phải dành cho “tất cả” mọi người

(Sóng trẻ) - Quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người. Và ở Việt Nam, bất kể một công dân nào, dù khác biệt về giới tính, vùng miền, sắc tộc,... đề có quyền được học tập, được đến trường. Thế nhưng, làm thế nào để mọi công dân đều được tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng và trọn vẹn nhất, thì vẫn còn là điều mà giáo dục Việt Nam đang phải “loay hoay" từng ngày.

Tôi được gặp Ma Phương trong một khóa học về các giá trị phổ quát. Chúng tôi bàn luận với nhau về những câu chuyện liên quan đến tự do, công bằng hay bình đẳng. Trong tâm thế của một người sẽ đem về các câu trả lời mà vốn dĩ vẫn đang loay hoay tìm kiếm, tôi mất một thời gian dài để có thể “bình tâm” lại để “chấp nhận” rằng: Mình có nhiều hơn các câu hỏi, về các vấn đề chưa có lời giải sau khóa học này. Và câu chuyện của Ma Phương, cô sinh viên khiếm thị đang theo học ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, đã làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều, để một lần nữa tìm đến cô và đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Có phải tất cả chúng ta đều được bình đẳng trong giáo dục?     

Được đi học, nhưng còn nhiều gian nan 

Cũng giống như bao sinh viên đại học khác, thời điểm cuối năm cũng là thời điểm bận rộn với các bài tập lớn, tiểu luận cuối kỳ, Ma Phương dành cho tôi một khoảng thời gian ngắn để cùng tôi trò chuyện về câu chuyện học tập của mình tại trường đại học. Khi được hỏi về các dự án cá nhân mà cô đang tham gia bên cạnh công việc học tập, Phương hào hứng chia sẻ về dự án tiếng Anh cho người khiếm thị mà mình đang tham gia quản lý. 


“Hiện tại mình đang học công tác xã hội, sau này ra trường muốn làm nhân viên công tác xã hội, chuyên về tham vấn tâm lý hoặc hỗ trợ điều trị tâm lý cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.” 


Tháng 7 năm 2016, sau khi nhận được kết quả trúng tuyển vào trường THPT, Ma Phương đột ngột mắc bệnh và mất đi thị lực ở cả 2 mắt. Nếu không có biến cố này, Phương đã có thể nhập học vào ngôi trường cấp 3 theo đúng như mong muốn của mình và có 3 năm cuối cùng của đời học sinh đáng nhớ. Vào thời điểm ấy, gia đình Phương không biết có thể làm gì để công việc học tập của Phương không bị gián đoạn. 


“Bố mình khi ấy chỉ có thể ra ngoài cửa hàng điện tử, mua về một chiếc máy ghi âm để mỗi ngày có thể lên lớp và ghi âm lại các bài giảng của thầy cô. Sau 2 buổi lên lớp như vậy thì mình thấy không thể theo học theo cách này. Thế là nhà mình quyết định lên trường xin bảo lưu học tập 1 năm để có thể đi chữa bệnh”


Sau 1 năm chữa bệnh ở cả các bệnh viện trong nước và nước ngoài, Ma Phương và gia đình quyết định quay trở lại trường, tiếp tục việc học cấp 3 còn đang dang dở. Việc có thể quay trở lại trường học vẫn là một khó khăn mà Phương phải đối mặt. Trường cấp 3 nơi Ma Phương theo học chưa từng tiếp nhận học sinh là người khiếm thị, chính vì vậy khi gia đình cô có mong muốn cho Phương trở lại trường, hiệu trưởng và thầy cô cũng có khá nhiều e ngại. Những ngày đầu tiên khi trở lại lớp, Phương sử dụng chữ nổi để ghi chép lại bài giảng. Do chưa có nhiều thời gian làm quen với chữ nổi, Phương khó có thể ghi lại bài học theo kịp tốc độ giảng của giáo viên. Sau này, khi biết được máy tính xách tay có những phần mềm hỗ trợ đọc văn bản, sách điện tử, Phương chuyển sang sử dụng máy tính xách tay để có thể học tập dễ dàng hơn, sử dụng bàn phím máy tính và sử dụng phương pháp gõ 10 ngón cũng giúp cô thuận tiện hơn trong việc ghi chép bài vở. Ở trường cấp 3, các giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học trên Powerpoint (phần mềm trình chiếu bài giảng) cũng nhiều, sử dụng nhiều hình ảnh và làm cô khó có thể hình dung về các nội dung của bài học ngày hôm đó. Việc học tiếng Anh cũng trở nên khó khăn, khi giáo viên viết các từ mới lên bảng, Phương sẽ phải nhờ bạn ngồi cạnh giúp đỡ trong việc phát âm và đánh vần các từ mới đó. 


Việc đi lại từ nhà đến trường hay di chuyển trong khuôn viên trường học cũng là một điều khó khăn đối với Ma Phương. Trong suốt những ngày tháng học tại cấp 3, bố luôn phải đưa cô đi từ rất sớm để có thể đi xe máy vào khuôn viên của nhà trường, thuận tiện để cô có thể đi lên lớp. Khi ấy, Phương chưa có gậy định hướng nên việc di chuyển đều cần có người nhà giúp đỡ. Sau này, khi theo học tại Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, Phương đã có một cây gậy định hướng của riêng mình, tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng của trường còn chưa thể đáp ứng được cho việc đi lại của Phương, chính vì vậy mà cô cũng vẫn còn phải nhờ đến sự trợ giúp của các bạn cùng lớp.

tra1.png

Ma Phương trong bộ ảnh kỷ yếu tốt nghiệp cấp 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi chia sẻ về những ngày tháng học tập tại trường cấp 3, Phương thoáng chút buồn: “Thực ra đây là khoảng thời gian mình cảm thấy cô đơn nhất. Bạn biết đấy, các bạn trong lớp thường sẽ nói chuyện với nhau về những câu chuyện mà gắn rất nhiều đến hình ảnh, hoặc là chuyện đi học thêm. Mà mình thì không nhìn thấy những hình ảnh mà các bạn nói đến, những chỗ học thêm họ cũng không nhận dạy mình, đấy là điều mình đã bị bất bình đẳng trong việc học tập, không được đi học thêm như các bạn. Không có sở thích giống các bạn nên cũng khó để thân thiết với các bạn, dù cho cô chủ nhiệm lúc đó rất tạo điều kiện cho mình. Cô cho các bạn thay đổi chỗ liên tục, mình thì vẫn ngồi ngay trước bàn giáo viên, để các bạn và mình có cơ hội ngồi gần nhau, trò chuyện với nhau. Nhiều khi, các thầy cô và các bác phụ huynh cũng hay lấy mình ra làm “tấm gương” trong học tập. Nên mình biết các bạn trong lớp cũng không thích như vậy.” 


Phương không chia sẻ nhiều với các thầy cô ở trường phổ thông về định hướng nghề nghiệp trong tương lai hay các quyết định học đại học của mình. Với trường hợp của Phương, giáo viên trong trường tiếp cận cô như “một đứa trẻ đáng thương”, luôn cần sự giúp đỡ và dìu dắt của người khác. Và việc có thể giúp cô tốt nghiệp cấp 3 đã là “tốt lắm rồi”. 

 

Thay đổi từ những điều đơn giản nhất


Dù không nhận được tư vấn hay định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhưng Ma Phương hiểu rõ được khả năng và ước mơ của mình. Phương có lẽ là một trường hợp người khuyết tật may mắn hơn nhiều các trường hợp khác. Trong quá trình đăng ký cũng như theo học tại Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, cô đã được gia đình cũng như hiệu trưởng, giảng viên giúp đỡ rất nhiều. Tốt nghiệp cấp 3 và xét tuyển đại học theo phương thức xét tuyển học bạ, hiệu trưởng Trường đại học Khoa học và trưởng khoa Công tác xã hội của trường đã giúp đỡ Ma Phương rất nhiều trong quá trình nhập học cho đến quá trình theo học sau này. 


Tìm đến và trò chuyện cùng cô Mai, hiện đang là giảng viên chủ nhiệm của Ma Phương tại trường đại học, tôi thấy được sự ấm áp và nhiệt tình của cô: “Đối với cô, bạn Ma Phương không chỉ là một sinh viên, cô coi bạn như một đứa con và cô là một người mẹ. Trước Ma Phương, trường chưa có một trường hợp sinh viên nào là người khiếm thị. Các cô dạy công tác xã hội, các cô biết mình có thể làm gì để giúp đỡ cho Ma Phương.”


Ma Phương là trường hợp sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường, nhưng không vì thế mà ban giám hiệu nhà trường từ chối một sinh viên có đầy đủ khả năng để có thể theo học chương trình đại học. Phương được cô chủ nhiệm là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm với người khuyết tật trực tiếp dẫn dắt và giúp đỡ. Trong quá trình học tập, cô Mai luôn động viên Phương trong học tập để có các cơ hội nhận học bổng của nhà trường, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. 

Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên luôn có những chính sách hỗ trợ học phí cho các bạn sinh viên là người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Cũng trong thời gian này, trường tiến hành việc số hoá các tài liệu để sinh viên có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi chia sẻ về các trải nghiệm của bản thân khi tiếp cận với thư viện số, Ma Phương cảm thấy khá… bất lực: “Trang web thư viện số khá “lộn xộn”, mình rất khó để có thể đăng nhập vào được. Các thao tác để tìm kiếm cũng như tìm đến các giáo trình cũng phải thông qua nhiều bước. Giáo trình thì thường là dạng PDF, mình sẽ phải quét qua một phần mềm khác để chuyển sang dạng tệp văn bản, khi đấy máy mới có thể đọc cho mình được. Mà mình cũng chưa có điều kiện để mua phần mềm quét đó, nên mình cũng đang “chật vật”. 

tra-2.png

Ma Phương (thứ hai từ trái sang) nhận học bổng toàn khóa trong Lễ khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

 

Đối với việc tiếp cận sinh viên là người khuyết tật, các giảng viên thuộc ngành công tác xã hội không gặp nhiều khó khăn. Họ hiểu rõ các vấn đề mà người khuyết tật gặp phải trong cuộc sống, như việc khó có thể tiếp cận được các dịch vụ công hay di chuyển tại các nơi công cộng, cho đến những hành động kỳ thị, phân biệt đối xử mà họ có thể gặp phải. Cô Mai cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn của nhà trường trong việc xây dựng một môi trường đại học bình đẳng cho sinh viên là người khuyết tật: “Cơ sở vật chất của nhà trường đúng là chưa thân thiện cho các bạn sinh viên là người khuyết tật. Khi bắt đầu thi công xây dựng, có lẽ nhà trường chưa từng nghĩ đến việc sẽ có sinh viên là người khuyết tật sẽ theo học trong khuôn viên này. Tuy nhiên, nhà trường đã có các công văn, quyết định trong các kỳ họp giao ban để có thể cho xây, sửa lại cơ sở vật chất phù hợp hơn với người khuyết tật.” 


Hầu hết các tòa nhà, giảng đường, hội trường tại các trường đại học ở Việt Nam gây rất nhiều khó khăn cho người khuyết tật. Việc thi công xây dựng các tòa nhà nhiều tầng, với các lối lên là nhiều bậc thang, thiếu đi các thang máy để di chuyển, hay sơ đồ toà nhà có phần rối rắm làm cho sinh viên, hay các giảng viên là người khuyết tật khó khăn trong việc di chuyển, tiếp cận đến các cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường. Nhà vệ sinh cho người khuyết tật cũng đang “tàng hình” ở các trường đại học. Đây là câu chuyện không hề đơn giản và cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi. 


Ngoài ra, người khuyết tật hoàn toàn có thể gặp các hành động kỳ thị, phân biệt đối xử khi tham gia các hoạt động xã hội. Hoặc họ có thể gặp những hành động mang tính “tò mò”, nhưng lại vô tình làm tổn thương đến những người khuyết tật. Để có thể thay đổi vấn đề này, cách dễ dàng nhất là lồng ghép các chương trình dạy về người khuyết tật, hay nhận định những hành động, suy nghĩ mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử với các nhóm yếu thế trong xã hội. 


Còn cả một hành trình dài phía trước để thay đổi


Khi kết thúc cuộc trò chuyện với cô Mai và Ma Phương, tôi nhận ra rằng cả ba chúng tôi đều có cùng một suy nghĩ, vẫn còn nhiều lắm những công việc phải làm để cho người khuyết tật tại Việt Nam có được sự bình đẳng trong giáo dục. Những người khuyết tật vẫn có cơ hội được đến trường, được hưởng nhiều các chính sách ưu tiên trong cả thi cử và học phí. Dẫu vậy, các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, thiết bị học tập, đến cả vấn đề về tiếp cận học sinh, sinh viên là người khuyết tật vẫn còn nhiều điều dang dở. 


Tổng kết Chương trình điều tra, khảo sát đường tiếp cận với người khuyết tật năm 2020 của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, trong tổng số 15.123 công trình công trình được điều tra tại 03 cấp tỉnh, huyện, xã, có 4.160 công trình có đường xe lăn (chiếm 27,5%). Theo kết quả điều tra, ở cấp tỉnh, Trung tâm Hội nghị là loại công trình có đường xe lăn nhiều nhất, đạt 81,58%, tiếp đến là Nhà thi đấu thể thao, đạt 75,6%, trụ sở các cơ quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, HĐND, UBND tỉnh, trụ sở tiếp công dân, trụ sở các Sở ngành… là các công trình có tỷ lệ đường tiếp cận trên mức trung bình, bình quân chiếm 62,8%. Trong khi đó, trường học, các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng lịch sử là loại công trình chưa được chú trọng đến việc xây mới, bổ sung đường tiếp cận cho NKT, tỷ lệ có đường tiếp cận còn thấp, chỉ dao động trên dưới 50%. Qua những số liệu này, có thể thấy được rằng, cơ sở hạ tầng của các công trình công cộng còn rất ít các đường tiếp cận cho người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật vận động. 

Những người khuyết tật hoàn toàn có thể có khả năng làm các công việc cá nhân mà không cần nhờ quá nhiều đến sự trợ giúp của người khác, từ việc đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống hay học tập, tham gia các hoạt động xã hội, nếu như các điều kiện về cơ sở vật chất đủ để có giúp họ thực hiện các hoạt động này một cách thoải mái. Đôi khi sự giúp đỡ của những người xung quanh sẽ làm cho những người khuyết tật trở nên mặc cảm và càng thu mình hơn, ít xuất hiện ở những nơi công cộng như đường phố, công viên, trường học,…. Và tôi nghĩ rằng, với sự quan tâm đặc biệt của nhà nước trong những năm gần đây, cũng như sự xuất hiện của nhiều người khuyết tật trong quá trình vận động các chính sách, bộ luật nhằm đảm bảo sự công bằng cho họ, người khuyết tật sẽ còn hiện diện nhiều hơn nữa trong các không gian công cộng, không chỉ là ở môi trường đại học. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN