Ký ức biên giới Tháng Hai
(Sóng trẻ) - Trong một lần lên thăm biên giới phía Bắc, nhà thơ Vương Trọng đã viết những câu thơ như một sự thức tỉnh: “Đến lúc này tôi mới hiểu ra/ Vì sao đường biên giới bản đồ/ Của Tổ quốc được tô màu đỏ!”. Biên cương có được không chỉ nhờ sự đổ mồ hôi, sôi nước mắt của những người đi khai thiên lập địa, mà còn nhờ cả những giọt máu đào đã quả cảm rơi xuống suốt cả nghìn năm. Và biên cương tháng Hai năm ấy, đã có bao người con ưu tú đứng lên, để bảo vệ một chân lý: “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”
Tháng 5/1978, thôn Tân Lương (thuộc xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) có 5 thanh niên nhập ngũ, tất cả đều chỉ khoảng mười chín, đôi mươi. Dù nhập ngũ với tinh thần sẵn sàng, nhưng chẳng ai nghĩ rồi đây mình sẽ cầm súng chống lại quân Trung Quốc.
Nhưng rồi, cơn mưa đạn pháo trút xuống 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào rạng sáng 17/2/1979 đã biến điều không thể tin thành sự thật khốc liệt. “Từ cây 28 Long Hải lên là đánh nhau la liệt rồi. Xuống đến nơi là chúng đốt hết làng xóm. Cháy rụi tất, không còn gì” – ông Vũ Chí Dũng (lính pháo binh, sư đoàn 345) nhớ lại thời khắc chứng kiến Lào Cai tan hoang trước sự tàn phá của quân thù.
Ông Dũng và chiếc kỷ niệm chương của sư đoàn 345
Nơi đâu trên đất biên giới khi ấy cũng có thể trở thành trận địa. Ông Dũng vẫn nhớ một lần hai đoàn quân đi ngược nhau giữa thị xã. Lính hai bên hỏi nhau mật khẩu, không trùng khớp, vậy là lập tức đánh giáp lá cà.
Lại một lần khác, quân Trung Quốc cho câu pháo sang từ tờ mờ sáng. Bắn điên cuồng, bắn không ngơi nghỉ suốt mấy tiếng liền khiến lính ta không thể ra khỏi hầm. “Đến khi pháo ngớt, nhoài ra thì chúng đã ở ngay trước mặt, trung đoàn vội rút. Anh y tá của đơn vị chạy ngay đằng sau tôi, bị trúng đạn hi sinh. Nhưng bọn chúng đuổi ngay sau lưng rồi, tôi không kịp quay lại kéo anh ấy lên được nữa” – ông Dũng kể rồi đúc kết: “Đạn tránh mình chứ làm sao mình tránh đạn. Với lại, xác định rồi: một sống, một chết. Đã là quân đội thì phải chiến đấu thôi”.
Ngày 5/3/1979, Trung Quốc bắt đầu rút quân. Nhưng trước khi về với đất mẹ thực sự của chúng, quân xâm lược còn gài mìn, bom cho nổ tung những đường ray tàu hỏa, đốt phá bất kì thứ gì có trên đường đi. Các cánh đồng dứa đang vào vụ cũng bị gài mìn. Những ngày đầu, nhiều người không biết. Vậy là, nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế, mù lòa – vị tử thần chiến tranh vẫn rình rập vùng biên, dù cho đã không còn thấy mặt quân thù.
Trở về từ biên giới
Đến năm 1982, tình hình tạm yên, những người lính của thôn Tân Lương xuất ngũ. Nhưng ngày trở về không đầy đủ. Ông Nguyễn Duy Thịnh (lính thông tin, sư đoàn 345) vẫn nhớ: “Thôn mình có 2 liệt sĩ là Phạm Thiết và Đỗ Tấn, một người trúng mìn, một người bị đạn pháo. Hiện đang nằm ở nghĩa trang Hà Giang”.
Năm ấy, cô bé Thúy mới 5 tuổi. Một ngày, có chú bộ đội ngang nhiên bước vào nhà, Thúy vội ngăn lại: “Chú phải bỏ ba lô ra mới được vào”. Cô bé tưởng “chú này” như mọi chú bộ đội khác thỉnh thoảng vẫn tới nhà xin đóng quân nhờ. Phải mãi đến khi mẹ nói, Thúy mới biết đó là người cha của mình. Hai bố con ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi cho bao tháng ngày xa cách.
Nhớ về kỉ niệm ấy, bà Nguyễn Thị Nguyệt, vợ người lính Nguyễn Duy Thịnh lại mỉm cười. Ngày ông nhập ngũ, bà đang mang thai tháng thứ 4. Chiến tranh nổ ra, bà lo nhưng vẫn gắng vững lòng, viết thư động viên chồng cứ yên tâm chiến đấu. Tình cảnh khi ấy của gia đình ông bà khi ấy, chẳng khác nào câu chuyện được kể trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thuận Yến, lời thơ Dương Soái:
Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa Đông BắcEm thương anh nơi chiến hào gặp rétVà em thương anh chiều nay đang đứng gácLo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không…
“Súng gươm vứt bỏ”, những cựu binh lại tay cày, tay cuốc như mọi người dân quê. Vậy mà cũng gần 40 năm rồi! Ông Thịnh suy tư: “Từ ngày đó đã quay lại được lần nào đâu, thấy bảo mấy chỗ ngày xưa đánh nhau giờ khác lắm rồi, người ta xây toàn cầu “nn”. Mình chẳng có điều kiện mà lên được”.
Cựu lính thông tin Nguyễn Duy Thịnh
Những người lính giờ không mấy khi kể về chiến tranh, các kỉ vật cũng thất lạc dần theo năm tháng. Nhưng ông Dũng vẫn nhớ bài hát ngày xưa đã cùng đồng đội cất vang lời: “Quân đội thì phải là Vì nhân dân quên mình chứ còn gì nữa”./.
Nguyễn Hải
Cùng chuyên mục
Bình luận