Mệnh lệnh không thể khước từ của trái tim người thầy thuốc

(Sóng trẻ) - “Cứ đi đã, ngày về báo sau” - Bác sĩ Vũ Trí Tuệ - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) dường như đã quen với việc phải làm việc bất kể ngày đêm, bất cứ khi nào Tổ quốc gọi tên để lên đường chiến đấu chống “giặc” Covid-19.

Xông pha “chiến trường” Covid-19 từ Bắc vào Nam

“Đi vào tâm dịch” - 4 từ nghe thôi cũng khiến nhiều người phải chùn bước và lo sợ. Thế nhưng, cả 4 đợt chống dịch Covid-19, bác sĩ Tuệ luôn xung phong, không ngại hiểm nguy, vất vả lao vào chiến trường không tiếng súng và không biết chắc ngày trở về này. Điển hình là đợt chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang và Tây Ninh. 

Thành phố Bắc Giang bùng dịch vào những ngày giữa tháng 5 với số ca nhiễm tăng vọt từng ngày và trở thành một trong những điểm nóng Covid-19 nguy hiểm nhất cả nước. Không đứng ngoài cuộc, Quảng Ninh đã cử 200 cán bộ của bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển (Uông Bí), trong đó có bác sĩ Vũ Trí Tuệ làm phó đoàn. 

image7.png
Bác sĩ Tuệ và nhân viên y tế Bệnh viện Uông Bí sẵn sàng chi viện Bắc Giang chống dịch (Ảnh: NVCC)

 

Giọng anh nghẹn lại khi chia sẻ những tháng ngày “vào sinh ra tử”: “Đợt dịch đầu tiên là lúc vợ tôi đang mang thai, đợt hai thì vợ sinh con được ba ngày, đợt ba thì con được 6 tháng và hiện em bé được 15 tháng tuổi. Mỗi một lần nhận quyết định chống dịch thì nó lại xảy ra ở một hoàn cảnh khác nhau nên cảm xúc rất khác nhau. Từ những ngày cận kề Tết nguyên đán với cái rét cắt da cắt thịt ở Đông Triều, tôi cùng 21 nhân viên y tế thần tốc truy vết lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm ngay trong đêm, đến những ngày hè tháng 5 oi ả, nắng nóng đến không thở nổi tại Bắc Giang. Khoác lên người bộ đồ bảo hộ cấp 6, tôi và đồng đội phải tranh thủ từng giây từng phút truy vết F0. Mỗi ngày, tôi phải lấy khoảng 2-3000 mẫu xét nghiệm của người dân tại đây”.

“Tại Bắc Giang, tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Mỗi ngày đều làm việc liên tục từ 10 - 12 tiếng. Thời tiết nóng bức đến ngộp thở, có cảm giác mình không thể sống được nữa, không làm được nữa. Nhìn đồng đội mình xung quanh ai cũng mệt mỏi, nhưng mọi người đều nỗ lực bằng 200, 300, 500% sức lực của mình.” - Bác sĩ Tuệ nói. 

image5.jpg
Luôn trong trạng thái mặc đồ bảo hộ kín mít, đôi tay sưng phồng nhưng đôi mắt a Tuệ luôn ánh lên niềm lạc quan (Ảnh: NVCC)

 

Bên cạnh đó, bác sĩ Tuệ còn đảm nhận cương vị trưởng đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh và cùng đoàn “chia lửa” chống dịch với Tây Ninh trong suốt 30 ngày đêm. Lần chống dịch này, bác sĩ Tuệ có nhiệm vụ trực tiếp điều trị, hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho những bệnh nhân Covid-19 nặng tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh - Bệnh viện tuyến cuối, tuyến có chuyên môn cao nhất trong điều trị Covid-19. 

Bác sĩ Tuệ nghẹn ngào: “Lần thứ 3 vừa rồi nhận quyết định đi thì lúc đó trong miền Nam diễn biến dịch rất phức tạp. Tỉ lệ nguy hiểm cao hơn nhiều so với những lần trước vì đợt 4 xuất hiện chủng Delta, tỉ lệ lây nhiễm nhanh, tỉ lệ tử vong nhiều. Việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid rất nguy hiểm và dễ xảy ra lây nhiễm chéo. Số người mắc Covid-19 tại Tây Ninh thời điểm đó tăng lên theo từng giờ, nhiều người trở nặng và tiên lượng rất xấu”.

image8.png
Đoàn y bác sĩ Quảng Ninh chi viện chống dịch tại Tây Ninh (Ảnh: NVCC)

 

“Thế nhưng, tôi hiểu được rằng trong thời khắc quan trọng này thì sức người, tinh thần và sự đồng tâm sẽ là động lực để chiến thắng đại dịch. Lúc đó, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, mình cứ cố gắng hết sức, tuân thủ quy định về bảo hộ, mọi chuyện sẽ ổn thôi” - anh Tuệ xúc động chia sẻ.

Giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần

Hơn ai hết, vượt qua mọi ranh giới chịu đựng của sức người, những y bác sĩ là những người trực tiếp giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Áp lực đến với bác sĩ Tuệ vô cùng lớn, thậm chí có những lúc căng thẳng đến nghẹt thở. Bởi trong đợt chống dịch ở Tây Ninh, tất cả các bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực đều đã diễn biến rất nặng. Vì vậy bác sĩ phải liên tục xử lý, can thiệp, theo dõi từng giây, từng phút đối với từng người bệnh; đặc biệt bác sĩ còn có vai trò như người nhà của bệnh nhân, chăm sóc, động viên cả về mặt tinh thần. Trong chiếc áo giáp mong manh màu xanh ấy, họ không chỉ là những bác sĩ dũng cảm, nhiệt huyết, mà họ còn là những anh hùng.

image4.png
Bác sĩ Tuệ (ở giữa) và đồng đội đang trao đổi các phương án điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch tại khu ICU, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (Ảnh: NVCC)

 

Bác sĩ Tuệ không khỏi xúc động khi hồi tưởng lại một ca bệnh đặc biệt: “Lần đó ở trong Tây Ninh, có một ca bệnh, chị ấy mắc Covid-19 khi đang mang bầu. Bệnh của chị ấy ban đầu diễn biến rất nhanh khiến tinh thần của chị ấy dần suy sụp. Thế nhưng sau bao sự cố gắng bằng hết sức lực và niềm tin mãnh liệt của người bác sĩ thì tôi và đồng nghiệp đã cứu sống được cả mẹ và bé. Thực sự cứu được một lúc 2 sinh mạng, cảm giác rất tuyệt vời. Thực sự, trong nghề y, khi bác sĩ điều trị khỏi cho bệnh nhân thì đó là niềm vui. Điều đó cũng như một món quà với các bác sĩ trong những ngày tháng làm việc vất vả và gian khổ tại những “chiến trường” như vậy".

image6.png
Bác sĩ Tuệ đang khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong khu ICU, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở và suy tư của bác sĩ Tuệ khi có những lần không thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng: “Với bác sĩ, với người thầy thuốc, dù ở vị trí nào thì sự ra đi của bệnh nhân cũng là điều đau xót, day dứt khôn cùng. Thực sự, tôi đã phải dành cho mình một khoảng lặng sau mỗi sự ra đi đó. Tim mình nhói lên những lúc như thế!” 

Nguồn động lực mạnh mẽ của chiến binh áo trắng

"Ai cũng có gia đình, trong hoàn cảnh này thì ai cũng nhớ cả. Nhưng bây giờ nhiệm vụ chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Nghĩ về gia đình, chúng tôi cũng không buồn đâu mà lấy đó làm động lực để quyết tâm dập được dịch" - Bác sĩ Tuệ chia sẻ.

image3.png
Niềm vui ngày trở về (Ảnh: NVCC)

 

Đằng sau bác sĩ Vũ Trí Tuệ là một hậu phương vững chắc, là một người vợ thấu hiểu và cô con gái bé bỏng chỉ mới 15 tháng tuổi. Lên đường chống dịch từ khi vợ đang mang bầu, anh gặp cô con gái qua màn hình điện thoại có lẽ nhiều hơn thời gian được ôm ấp, vỗ về con. Cũng chính nỗi nhớ day dứt khôn nguôi đó, anh Tuệ đã viết một lá thư gửi cho cô con gái của mình, đó là những lời chân thành từ tận trái tim người bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cao cả hơn bao giờ hết. 

image1.png
Bác sĩ Tuệ tranh thủ ít phút nghỉ ngơi gọi về cho con gái (Ảnh: NVCC)

 

Bên cạnh đó, tình người nơi đầu chiến tuyến cũng khiến anh xúc động: “Vào ngày tổng kết và chia tay Tây Ninh, ai cũng rưng rưng nước mắt. Sau hơn 30 ngày làm việc với nhau, thứ  mọi người nhìn thấy ở người đối diện là đôi mắt, còn khuôn mặt như thế nào thì không ai biết, vì tất cả quá trình làm việc đều đeo khẩu trang và đồ bảo hộ. Khoảnh khắc lúc đó rất bùi ngùi, xúc động, tôi mong là sẽ có cơ hội được gặp nhau trong những ngày không phải chống dịch, được gặp nhau chia sẻ chuyên môn rồi rất nhiều điều khác nữa. Đó cũng là kỷ niệm rất là đáng nhớ, có thể đóng góp chút sức mình cho tỉnh bạn như vậy tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa”.

image2.png
 Bốn câu thơ giản dị do chính các y, bác sĩ của Quảng Ninh và Tây Ninh sáng tác, cũng chính là những lời nhắn nhủ, khích lệ tinh thần để cùng chung sức, đồng lòng chiến thắng “giặc” Covid-19 (Ảnh: NVCC)

 

“Đối với tôi, điều mong muốn nhất lúc này là cả cộng đồng hãy chung tay, đồng lòng hỗ trợ để lực lượng tuyến đầu có thể hiện tốt nhiệm vụ, đẩy lùi được dịch bệnh sớm nhất có thể. Bởi dân tộc Việt Nam là một dân tộc đoàn kết, luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau bằng cả trái tim ấm nóng này” - Bác sĩ Tuệ bày tỏ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN