Nâng cao hiệu quả công tác phát triển lý luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay

(Sóng Trẻ)- Đội ngũ cán bộ lý luận, trong đó có đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị không chỉ có nhiệm vụ minh chứng tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà hơn nữa phải tích cực góp phần bổ sung, hoàn thiện, làm giàu lý luận cho Đảng thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học.
Kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn giúp bài giảng của giảng viên lý luận chính trị không mang tính giáo điều, kinh viện, xa rời cuộc sống,... giúp người học có hứng thú trong học tập, có niềm tin cho quá trình vận dụng kiến thức lý luận vào chỉ đạo thực tiễn. Việc kết hợp nghiên cứu khoa học và giảng dạy lý luận chính trị chính là góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển lý luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết 01-NQ/TW (Khóa VII), ngày 28.3.1992 của Bộ Chính trị về công tác lý luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay đã chỉ ra những tiến bộ và yếu kém trong hoạt động lý luận của Đảng ta. Một trong những yếu kém đó là: “Lý luận chưa đi sâu, đi sát cuộc sống, chưa ra khỏi tình trạng lạc hậu, chưa đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đổi mới”. “Công tác lý luận chưa phục vụ tốt việc cụ thể hoá và phát triển đường lối, hoạch định các chính sách; việc đổi mới nội dung giảng dạy của nhiều bộ môn khoa học xã hội; việc triển khai cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận”. Nghị quyết 01-NQ/TW cũng chỉ ra mặt yếu kém của đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận: “Đội ngũ cán bộ lý luận chưa đồng bộ và nói chung trình độ chưa ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng”. “... số đông cán bộ lý luận thiếu hiểu biết rộng rãi về kho tàng tri thức của loài người, do đó khả năng phát triển bị hạn chế”.

Những mặt yếu kém này có nguyên nhân khách quan, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chính phải kể đến, đó là, một phần trong đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị của hệ thống chính trị nước ta (bao gồm cả giảng viên kiêm chức) chưa thực sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa kết hợp công tác nghiên cứu lý luận với thực tiễn, chưa coi trọng đào sâu nghiên cứu kho tàng tri thức của loài người, chưa gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với giảng dạy lý luận chính trị để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Và do đó, dẫn đến hệ quả là chưa phục vụ tốt việc cụ thể hoá và đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống.

Hiện nay, ở nước ta, đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận từng bước được kiện toàn, nâng cao về chất lượng; công tác lãnh đạo, tổ chức và quản lý các hoạt động lý luận từng bước được đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn. Đội ngũ giảng viên lý luận có học vị từ thạc sĩ trở lên trong những năm gần đây đã tăng. Nài đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 05 học viện trực thuộc (gồm Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các Học viện Chính trị khu vực I, II, III và IV) còn có một đội ngũ giảng viên lý luận khá đông đảo ở các trường đại học, cao đẳng, trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường cán bộ của các bộ, ngành, ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Bên cạnh đội ngũ giảng viên chuyên trách, các học viện, trường, trung tâm còn có đội ngũ giảng viên kiêm chức. Nhờ có chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đội ngũ giảng viên lý luận đã có đóng góp nhiều cho công tác lý luận của Đảng, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Họ là những người đang trực tiếp tham gia đào tạo, đồng thời cũng là lực lượng đông đảo chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học lý luận chính trị từ cấp cơ sở (viện, trường) đến cấp Bộ và cấp Nhà nước. Do đó, tài năng giảng dạy lý luận của họ được gắn với sự sáng tạo khoa học. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phục vụ công tác giảng dạy luôn được các học viện, trường, trung tâm bồi dưỡng lý luận quan tâm, chú trọng và có chế độ chính sách phù hợp, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận hoạt động sáng tạo.

Giảng viên lý luận chính trị hiện nay được hiểu, trước hết là một cán bộ khoa học, nắm vững các phương pháp khoa học về giáo dục và giảng dạy lý luận chính trị, biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong dạy học, thường xuyên tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân, tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai chức năng cơ bản của giảng viên nói chung và giảng viên lý luận chính trị, đặc biệt đối với người giảng viên lý luận chính trị ở bậc đại học trở lên. Người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải tích cực nghiên cứu, tìm tòi phát hiện cái mới trong đó, mở rộng, làm phong phú, sâu sắc hơn những tri thức khoa học thuộc môn học mình giảng dạy.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Với những chuyển biến nhanh chóng đó của thế giới và khu vực đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi các giảng viên lý luận chính trị phải có quan điểm đúng đắn, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cùng lời luận giải thuyết phục cho người học. Muốn vậy, giảng viên lý luận chính trị phải không ngừng chủ động trong nghiên cứu khoa học, nếu không sẽ trở nên lạc hậu, sẽ bị cuộc sống đào thải. Qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên lý luận cũng chính là lực lượng quan trọng góp phần phát triển lý luận chính trị cho Đảng và làm tốt công tác lý luận của Đảng.

Vừa hoạt động khoa học, vừa hoạt động giảng dạy dễ xảy ra xu hướng ưu thế giữa hai loại hoạt động đó trong nhân cách người giảng viên lý luận. Qua quan sát đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận, theo chúng tôi có thể phân ra một số loại như sau:

(1) Những giảng viên có khả năng kết hợp tốt giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đây là những người thường có trình độ nghiệp vụ cao, đạt được học vị cao tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, trong số đó có người có học hàm giáo sư, hoặc phó giáo sư. Số này chiếm tỷ lệ chưa nhiều trong số các giảng viên lý luận chính trị.

(2) Những giảng viên có học vị cao, chủ trì và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học đạt kết quả tốt, say mê hoạt động nghiên cứu khoa học. Có khả năng hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, năng lực sư phạm hạn chế, giảng dạy không hấp dẫn.

(3) Gồm đa số các giảng viên ở các cơ sở đào tạo chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy mà không thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.

Một là, do giảng dạy quá nhiều giờ nên kể cả giảng viên trình độ cao và yêu thích nghiên cứu khoa học cũng không còn thời gian dành cho hoạt động này nữa.

Hai là, số giảng viên khác, do chưa trải qua thực hiện các đề tài, làm luận văn, luận án nên chưa có kỹ năng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

Ba là, số giảng viên chỉ có hứng thú với giảng dạy mà không thích hoạt động nghiên cứu khoa học.

Một lý do khác, đó là ngân sách các cơ sở đào tạo dành cho hoạt động nghiên cứu lý luận hạn chế. Ngay ở cơ sở chuyên giảng dạy lý luận chính trị, số lượng đề tài cũng chưa nhiều, trong khi số cán bộ giảng dạy, nghiên cứu lại đông.

Mặt khác, thực hiện dân chủ trong khoa học, việc tổ chức đấu thầu đề tài khoa học (cấp bộ) đã được thực hiện nhiều năm nay (ở Học viện), nhưng nếu tính số lượng đề tài (cấp bộ) được phê duyệt đấu thầu với số lượng nghiên cứu viên và số giảng viên thì thấy chưa tương xứng. Việc phân cấp trong nghiên cứu khoa học mấy năm gần đây đã tạo điều kiện cho lực lượng cán bộ trẻ được tham gia làm chủ nhiệm đề tài nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn đánh giá nghiêm túc kết quả, kết luận, kiến nghị của các công trình nghiên cứu đó xem liệu tính khả thi, tính thuyết phục đến mức độ nào? Được ứng dụng ngay vào thực tiễn hay không? Được đưa vào nội dung giảng dạy hay chưa? Nhiều vấn đề bức xúc do thực tiễn đổi mới đất nước đang đặt ra liệu rằng đã được các nhà khoa học nghiên cứu thấu đáo chưa? Được giải quyết đến đâu? Giải quyết đã thoả đáng chưa? Phải chăng phương pháp nghiên cứu, hình thức diễn đạt, lối tư duy còn giản đơn, một chiều hoặc phương pháp tiếp cận vẫn cũ kỹ, sáo mòn, đơn điệu, thiếu hấp dẫn và kém sức thuyết phục?

(4) Những giảng viên còn non kém cả hoạt động khoa học lẫn giảng dạy. Những người chưa đạt trình độ không thể tồn tại lâu trong đội ngũ giảng viên lý luận.

Việc phân loại và tìm nguyên nhân cho sự kết hợp giữa hoạt động giảng dạy lý luận và nghiên cứu khoa học có ý nghĩa giúp cho công tác quản lý, bồi dưỡng, khai thác tiềm năng đội ngũ giảng viên lý luận nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Từ đó góp phần tích cực vào nâng cao nhận thức, trình độ về lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm tốt công tác lý luận, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chú trọng kết hợp giữa hoạt động giảng dạy lý luận với nghiên cứu khoa học cũng bởi, do hiện nay trong việc giảng dạy lý luận ở các cơ sở đào tạo tuy đã rất cố gắng thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, nhưng còn có tình trạng, người sắp được học cảm thấy háo hức, chờ đợi, kỳ vọng trong quá trình học tập sẽ biết được nhiều vấn đề lý thú, nắm được quá trình vận dụng những nguyên lý, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ gìn, bổ sung phát triển hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội; quy luật vận động, phát triển lý luận của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước; hay tính chân lý, tính đúng đắn của lý luận được thực tiễn kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người học cảm thấy càng học càng thấy những điều thu hoạch được càng xa với kỳ vọng ban đầu. Sở dĩ như vậy là vì một phần do tính chất phong phú của các môn học lý luận chính trị và các môn học liên quan... Một phần, do nhiều bài giảng còn nặng về lý thuyết, ít có thực hành giải quyết bài tập tình huống; phương pháp giảng dạy lý luận chính trị chưa được cải tiến, chủ yếu là thuyết trình trên lớp, ít dành thời gian cho học viên như: trao đổi, thảo luận nhóm, trình bày quan điểm của mình... Hay nói cách khác, bài giảng còn thiếu những mối liên hệ sống động với thực tiễn xã hội do giảng viên không có cơ hội được tiếp cận với thực tiễn, hoặc, chưa dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học. Hoặc có nghiên cứu khoa học nhưng những chủ đề nghiên cứu quá xa, quá cách biệt với đời sống. Vì thế người học buộc phải thụ động tiếp nhận những giáo lý của người giảng.

Mặt khác, không ít giảng viên lý luận vẫn đi theo “lối mòn”, tìm mọi cách chứng minh cho sự phù hợp, cho giá trị của các lý luận, các nguyên lý cũ, hoặc đưa ra những luận cứ quá cũ, quá lạc hậu để chứng minh cho các luận điểm của mình mà chưa chú ý đến các vấn đề gai góc của thực tiễn đang đặt ra. Nội dung bài giảng không có gì mới, không chỉ ra quy luật, dự báo xu hướng vận động, phát triển của thực tiễn, đề xuất những kiến giải cho người chỉ đạo thực tiễn. Điều này khiến người học không hứng thú với việc học lý luận chính trị.

Sợi dây liên kết và phối hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy chính là các hội thảo khoa học, các hội đồng chuyên môn của từng ngành trong việc xây dựng chương trình, viết sách, tham gia các hội đồng nghiệm thu đề tài, hội đồng bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Sự phối hợp còn thể hiện ở các đề tài nghiên cứu khoa học mà những thành viên tham gia được phân công phụ trách từng phần, từng nhánh phù hợp với chuyên môn của mỗi giảng viên, của các trường, viện nghiên cứu... 

Cùng với sự vận động, chuyển biến không ngừng của thực tiễn phát triển đất nước, đội ngũ giảng viên lý luận phải thường xuyên, liên tục nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, việc đầu tiên phải đổi mới nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, trong đó trước hết là việc lựa chọn đề tài nghiên cứu cho bản thân hoặc cho sinh viên, học viên mà mình hướng dẫn. Lựa chọn đề tài phải xuất phát từ quy luật vận động, phát triển của lý luận; từ sự vận động, biến đổi của thực tiễn; từ đánh giá của Đảng về công tác nghiên cứu lý luận thời kỳ đổi mới với vai trò dẫn đường, định hướng của lý luận. Đối với đề tài của sinh viên, học viên, tránh tình trạng để sinh viên, học viên tự do chọn đề tài trong các tài liệu lý luận có sẵn rồi gắn cho đề tài đó một cái “đuôi” thực tiễn. Điều đó dễ dẫn đến tình trạng có những đề tài được lặp đi, lặp lại trong nhiều năm mà không có cái mới. Đề tài phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống đang đặt ra.

Kết hợp nghiên cứu khoa học và giảng dạy sẽ từng bước khắc phục tính đơn điệu của bài giảng lý luận chính trị, vượt qua trình độ mô tả, bình giảng, nâng lên tầm phân tích, luận chứng, tổng kết, đề xuất các luận điểm được khảo sát, minh chứng trong thực tiễn, đề xuất các kiến giải, đưa ra những dự báo. Nội dung bài giảng càng sâu sắc, gắn bó với cuộc sống bao nhiêu thì càng hấp dẫn người học bấy nhiêu, và do đó, việc giảng dạy lý luận chính trị mới đem lại hiệu quả mong muốn.

Người học dù là ở cấp nào đi nữa chỉ có thể cảm thấy hứng thú học tập khi nội dung các môn học góp phần giải đáp được những vấn đề cần phải giải quyết. Đối với học viên đang và sẽ là người lãnh đạo, quản lý, điều họ quan tâm là kiến thức lý luận có thể vận dụng được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sau này.

Như vậy, đối với giảng viên, không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy mà phải tích cực kết hợp với công tác nghiên cứu khoa học để làm giàu thêm vốn tri thức lý luận, tăng thêm kiến thức thực tiễn. Nhờ đó, giảng viên trưởng thành, tự tin hơn vào bài giảng, tạo thêm động lực, nguồn cảm hứng mới cho chính bản thân họ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận. Qua đó, góp phần to lớn nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Đồng thời, đó cũng chính là một hình thức tốt nâng cao hiệu quả công tác lý luận của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (ĐTQN)

(Theo Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông số tháng 4/2015)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN