Nghề Porter dẫn đường ở Y Tý

(Sóng Trẻ)- Gùi trên vai những sọt đồ trĩu nặng, đôi chân nhanh thoăn thoắt băng qua đường rừng, vượt mọi ghềnh đá bên vực thẳm, vách cheo leo không còn là hình ảnh xa lạ với người dân Y Tý, Lào Cai, công việc này đã trở thành nghề "tiền tươi" của những thanh niên H'Mông.

Nhọc nhằn nghề porter dẫn đường

Lảo Thẩn, Nhìu Cô San, Bạch Mộc Lương Tử, Chung Nhía Vũ,... những đỉnh núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc top những đỉnh núi cao nhất Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn dân phượt bụi những năm trở lại đây, thậm chí còn hơn cả "nóc nhà Đông Dương"- Fanxipan. Cứ vào cuối tuần, từng đoàn phượt lại đổ về xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để chinh phục những đỉnh núi còn hoang sơ, chưa bị thương mại hóa này.


 Nhọc nhằn nghề porter

Nằm cách thị trấn Sapa hơn 80km, Y Tý là điểm dừng chân lý tưởng, cũng là nơi bắt đầu cuộc hành trình của những người leo núi. Có cầu ắt có cung, người đi leo nhiều cùng với đó cần có người dẫn đường và nghề porter khuân vác đồ, nấu ăn cũng phát triển theo. 

Một ngày của porter Y Tý thường bắt đầu từ trưa, tùy theo quãng đường di chuyển của phượt thủ mà thời gian khởi hành sẽ được đẩy lên hoặc giảm xuống. Thông thường leo các núi tở Y Tý mất trung bình 2 ngày 1 đêm, riêng có núi Bạch Mộc Lương Tử mất 3 ngày 2 đêm.

Đặc điểm của porter Y Tý là không thuộc bất cứ một công ty du lịch nào, đây đều là người dân bản địa, ngày ngày đi rừng làm nương, đến mùa hái thảo quả tự thành lập và tổ chức dẫn khách đi. Những người làm porter đều phải là những người có kinh nghiệm leo núi, biết đường và am tường những thông tin về ngọn núi, cũng như cảnh vật xung quanh để giải đáp những hiếu kỳ của khách du lịch.

Anh Sùng A Hờ (sinh năm 1984), người đầu tiên mang kinh nghiệm leo núi của mình trở thành nghề "kiếm cơm" cho biết: "Ban đầu mình dẫn một đội leo núi Lảo Thẩn rồi có anh khác tư vấn: hay nhận làm người dẫn đường luôn. Dần dần mình suy nghĩ, đi leo núi cần chỗ nghỉ vậy là nghĩ ra làm homestay, đến nay cũng gần 3 năm rồi".

e23536508_1.jpg
Sùng A Dê đang chuẩn bị đồ ăn cho đoàn leo núi

Thức ăn leo núi là gạo của người Mông cấy, rau cải mèo, thịt gà và thịt lợn. Rau và gà được nhà nuôi, thịt lợn chạy ra chợ gần nhà. Tất cả đồ ăn đều được ướp rồi cho vào túi, buộc vào gùi, cộng thêm đồ cho khách ngủ, lều bạt, chiếc gùi của họ nặng gần 20kg. 

Người leo núi thường chia sẻ kinh nghiệm, khi leo cố gắng càng nhẹ càng tốt nhưng với những người làm nghề porter họ lại làm ngược lại. Tuy gùi trên lưng nhiều đồ nhưng đôi chân họ vẫn nhanh thoăn thoắt dẫn đường, chỉ lối. 

Để nói về sự nhọc nhằn của nghề này, anh Sùng A Dê (sinh năm 1988), em trai A Hờ, một trong những người đầu tiên làm porter ở Y Tý cho biết: "Đi leo núi mỏi và thỉnh thoảng cũng bị đau lưng nhưng quen rồi, mệt thì nghỉ hết mệt lại đi".

Công việc cho hành trình của porter là vác đồ, dẫn đường cho khách đến điểm dừng chân. Nơi nghỉ ở đây có thể là hang đá hoặc lán được người dân đi làm nương dựng lên. Tuy nhiên điểm mấu chốt chính là phải có nước suối để nấu ăn, điều mà không phải ai cũng biết. 

Nếu như khách du lịch sau nhiều giờ "hành xác" băng rừng đến lán nghỉ, được ăn cơm canh nóng rồi chui trong túi ngủ nghỉ lấy sức thì porter lên đến nơi phải lao vào nấu nướng, lấy nước, kiếm củi gây lửa. Không kể trên đường đi, cứ đoạn nào khó đi porter sẽ mở đường hoặc nhường đường đẹp cho khách đi. 

Tối đến, nếu như khách có túi ngủ ấm áp, nằm trong lều thì porter nằm ở ổ cỏ, rơm hoặc đốt lửa lên sưởi đêm, thi thoảng lại dậy tiếp lửa tránh côn trùng và thú dữ. Một porter có thể phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ được tối đa đoàn 5 người. Như anh Dê chia sẻ, lý do trai bản biết nấu ăn là vì họ phải đi rừng nhiều, tự nấu nướng là cách để nuôi được bản thân.

Sáng hôm sau, chưa chợp mắt được bao lâu porter đã phải dậy chuẩn bị đun nước pha mì cho khách lên đỉnh núi sớm. Tuy vất vả nhưng họ vẫn luôn giữ nụ cười hào sảng, thân thiện, giữ cách xưng hô khiêm nhường "anh, chị" và biết cách động viên mỗi khi khách leo núi đuối sức: "Sắp đến nơi rồi, cố lên!"

Nghề "tiền tươi" chọn người kinh nghiệm

Tuy nghề porter ở Y Tý đem lại thu nhập khá cho người dân nhưng nghề này ở đây cũng rất kén người, không phải ai cũng có thể dẫn đường được. 3 anh em Sùng A Hờ, Sùng A Dê và Sùng A Má là gia đình hiếm hoi ở Y Tý đều làm porter. Nói đến Y Tý, ai ai cũng biết đến anh A Hờ vui tính và mến khách với nụ cười sảng khoái luôn thường trực trên môi.

Trong 3 anh em chỉ có A Hờ làm dịch vụ chuyên nghiệp kết hợp porter còn A Dê và A Má là làm thời vụ, những ngày cuối tuần có khách mới đi. Không phải ai trong họ cũng thạo hết các đường lên núi mà tùy từng ngọn núi sẽ có người biết riêng.

Nhìu Cô San là ngọn núi khá khó đi ở đây và trong 3 anh em chỉ có anh Sùng A Dê biết đường lên núi. Đó là con đường theo ống nước dẫn từ đỉnh Nhìu Cô San "nuôi" người dân Y Tý. "Anh Hờ chỉ biết đường lên đến lán nhưng đường lên núi chưa tìm ra, A Má không biết, chỉ có em biết đường lên núi theo đường này", A Dê nói.

e23536508_2.jpg
Tại những đoạn khó đi, A Dê phải mở đường, nhường chỗ dễ đi cho khách du lịch

Bén duyên với nghề porter được khoảng 2 năm, anh Dê có khá nhiều kinh nghiệm sinh tồn, leo núi và kiến thức về đường đi. Tuy vất vả nhưng anh vẫn luôn lạc quan bởi một phần đây là nghề giúp gia đình anh có thể kiếm thêm thu nhập nuôi 2 con nhỏ. 

"Tính ra porter với việc làm nương cũng như nhau thôi, nhưng đi như này sẽ có tiền luôn còn làm nương phải chờ lúc thu hoạch. Làm porter gùi nặng, cũng bị mỏi nhưng quen rồi". "Bí quyết" được anh Dê chia sẻ khi bị đau người là "chỉ uống vài bụm rượu là hôm sau lại bình thường".

Nói về kinh nghiệm leo núi, anh Dê cho biết nếu bị lạc đường một là đánh dấu để nhận biết, hai là có thể hú lên để thông báo nếu đi theo nhóm. Không chỉ có sức khỏe, biết nấu nướng, biết đường, một porter phải biết lo cho cả khách, chính vì vậy với họ nghề này không đơn giản chỉ là nghề kiếm cơm mà còn là nghề giúp họ học hỏi, có thêm kinh nghiệm. Nghề kén người là vì thế, đi sớm về khuya, xa gia đình.

Người người đổ về vùng núi non hùng vĩ để chinh phục cảnh đẹp còn những thanh niên H'Mông chinh phục đỉnh núi để kiếm cái nghề, kiếm tiền nuôi gia đình. Porter Sùng A Dê bước vào tuổi 29 vẫn luôn trăn trở một điều "đi làm có tiền để mua được cho con kẹo mút cho bằng các bạn". Tuy nghề vất cả nhưng người dân nơi đây vẫn đang dần biết cách kiếm thêm thu nhập nhờ kết hợp một số dịch vụ liên quan, trực tiếp dẫn đường không nhận dẫn qua tour du lịch.

Kim Ngân 
Báo chí ĐPTK34A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN