Nghèo nhưng không được… hè
(Sóng trẻ) - Việc hôi của tại Việt Nam không còn quá xa lạ và có thể ngày nào cũng có, từ những việc nhỏ như trẻ còn giật nhau vài viên kẹo cho tới người qua đường nhào ra nhặt tiền của người bị rơi hay khi xe chở xăng lật, nhiều người dân đem can, thùng ra thi nhau múc xăng.Nhưng lớn nhất, gây chấn động dư luận và đáng lên án nhất phải kể tới vụ hôi bia ở Đồng Nai ngày 4/12 vừa qua.
Phải chăng hôi của chỉ có ở Việt Nam?
Mấy ngày qua không chỉ báo chí Việt Nam mà báo chí nước nài, đặc biệt là Đài truyền hình Nga cũng thông tin về vụ hôi bia ở Đồng Nai ngày 4/12 . Nó đang dần làm xấu xí đi hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà một số nước như Philippines, Ấn Độ, Argentina…hay thậm chí cả Mĩ - một quốc gia phát triển cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Ở Argentina, tình trạng thiếu trật tự tại thành phố Cordoba, bắt đầu từ ngày 3/12 sau khi cảnh sát trong khu vực đình công để đòi tăng lương, những kẻ hôi của đã nhanh chóng xuất hiện trên đường phố. Chúng lợi dụng tình hình tấn công các siêu thị và cửa hàng nhỏ. Manh động hơn, nhóm thanh niên này đã sử dụng gậy, đá đập vỡ cửa sổ và vơ vét hàng hóa bên trong.
Cảnh hôi của tại một siêu thị ở thành phố Cordoba City hôm 3/12
Chắc chúng ta chưa thể quên siêu bão Haiyan kinh hoàng gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó tỉnh Leyte, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất, ước tính khoảng 10.000 người thiệt mạng. Mặc dù chính phủ Philippines đã nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ, lực lượng cứu trợ nước này vẫn chưa thể tiếp cận được các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. Điều đó khiến cho người dân ở đây đổ xô tranh cướp, hôi của bất cứ thứ gì, thậm chí là lấy đồ của người chết để mình được sinh tồn.
Người dân Phipipines nhảy qua hàng rào, chen lấn nhau tới nơi cứu trợ
Nhiều người cho rằng, chuyện hôi của chỉ xảy ra ở những nước nghèo, những nước đang phát triển, còn các quốc gia giàu có thì chuyện hôi không xảy ra. Nhưng nhận định của chúng ta đôi khi hơi chủ quan vì tại quốc gia phát triển bậc nhất như Mỹ thì chuyện hôi của vẫn diễn ra. Ngày 14/10, hai siêu thị Walmart ở các thị trấn Springhill và Mansfield thuộc bang Louisiana, Mỹ đã bị “oanh tạc” nặng nề bởi những người dùng thẻ trợ cấp thức ăn của Chính phủ Mỹ. Từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối, từng đoàn xe đẩy thực phẩm đầy ắp nối đuôi nhau rời hai siêu thị trong những cái nhún vai của các nhân viên. Đến 9 giờ, khi máy hoạt động trở lại, các khách hàng bỏ dở những xe hàng đầy chưa được mang ra.
Có thật sự là do nghèo?
Về hành động hôi của của người Philippines sau siêu bão Haiyan, có thể chấp nhận và thông cảm được. Sự đói kém đã đẩy người dân đến con đường cùng, họ tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Không ai trách họ quá nhiều, vì trong hoàn cảnh đó, bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Nhìn sang Nhật Bản, người ta mới càng cảm phục tinh thần bình tĩnh đến ngạc nhiên của người dân xứ hoa anh đào - những người từng trải qua thảm họa kép động đất, sóng thần khủng khiếp hơn nhiều lần cách đây 2 năm. Bài học về cách xử lý, ứng phó của người dân Nhật Bản sau thảm họa vẫn chưa bao giờ cũ. Nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức tuân thủ luật pháp và tình người trong thảm họa của người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải khâm phục.
Người dân Nhật Bản khiến cả thế giới khâm phục bởi sự đoàn kết của họ
Không giống như ở một số nước khác sau thảm họa, ở Nhật không thấy cảnh "đục nước béo cò", trộm cướp, hôi của. Dù rất đói, rất khát, họ vẫn xếp hàng để chờ được nhận hàng lương thực theo thứ tự. Mọi người chia nhau đồ cứu trợ, động viên nhau, chẳng thấy một tiếng phàn nàn hay oán trách nào. Các siêu thị của Nhật cũng giảm giá mạnh, thay vì tăng giá trong lúc khó khăn để trục lợi.
Trên sân ga giá lạnh, nhiều người mệt mỏi chờ tàu khi hệ thống giao thông tê liệt chợt ấm lòng khi vài người vô gia cư mang thùng các tông đến để trải ra ngồi cho đỡ lạnh. Người Nhật ngồi dọc theo các hành lang lên xuống, nhưng vẫn đảm bảo đoạn giữa trống và người khác có thể đi lại được Thậm chí khi đi đến đèn xanh đèn đỏ, mọi người vẫn đứng chờ đèn hiệu, trật tự, không hoảng loạn. Như vậy, có thể thấy cùng sau thảm họa nhưng người Nhật Bản và Philippines có những cách ứng xử vô cùng khác nhau.
Lại nói về vụ hôi bia ở Đồng Nai, hành động của những người này không chỉ vượt quá giới hạn đạo đức của một con người mà nó còn vô cùng nhẫn tâm. Họ ôm những thùng bia, những lon bia lấy được với vẻ mặt hân hoan bất chấp sự van nài của tài xế, có những kẻ còn dọa đánh khi tài xế ngăn cản.
Người nghèo ở đâu cũng có, thậm chí vẫn có người chết đói nhưng họ không bao giờ làm việc đáng hổ thẹn như vậy. Quan sát video được quay lại, vẫn thấy những người đang cố ngăn chặn đám đông tàn nhẫn kia, vẫn có những người chụp hình, quay phim để ghi lại hành động đáng lên án này. Trong đám đông hỗn loạn đó, chúng ta nhận ra, đâu là con người có lòng tự trọng.
Hình ảnh một số người dân lao vào hôi bia ngày 4/12 vừa qua
Việc chúng ta phải lí giải nguyên nhân sâu xa đưa đến hành động như vậy là rất cần thiết. Phải tìm ra gốc rễ của nguyên nhân thì mới có biện pháp giải quyết thấu đáo.
Bà Võ Thị Hoàng Yến, thạc sĩ chuyên ngành Hành vi ứng dụng và phát triển con người, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là từ giáo dục, một thời gian dài chúng ta bỏ quên việc giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Trong nhà trường không có nhiều chương trình dạy cho học sinh biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Khi các em ra xã hội, thấy những điều mà người khác làm nhưng không ai phản đối, không ai ngăn cấm, không ai lên án và pháp luật cũng không trừng trị thì làm thôi. Lâu dần người ta sẽ thấy điều đó là bình thường, không có gì đáng xấu hổ. Một nguyên nhân khác là xã hội chưa lên án đúng mức, pháp luật chưa trừng trị thích đáng nên người ta không sợ, vẫn cố tình làm dù có người vẫn biết hành vi đó là không đúng”
Thiết nghĩ, hành vi này phải được xem trọng đúng mức, cả xã hội phải lên án, pháp luật phải trừng phạt để ngăn chặn ngay từ bây giờ. Nếu không ngăn chặn từ lúc này, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành hiện tượng phổ biến như hành vi xếp hàng ở Việt Nam vậy.
Thị Nhàn
Xã Hội Học K.32
Học viện Báo chí & tuyên truyền
Nguồn ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận