Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc
(Sóng trẻ) - Làng Đào Xá , huyện Ứng Hòa , Hà Nội đã nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ truyền thống khoảng 200 năm nay. Đã có lúc nghề làm đàn tưởng như thất truyền. Nhưng với sự kiên trì , niềm đam mê của ông Đào Soạn mà nghề truyền thống của làng đang dần được phục hồi và tiếp tục con đường khẳng định thương hiệu của mình.
Nghệ nhân Đào Soạn là người làm nhạc cụ có thâm niên lâu nhất trong làng. Tuy đã qua cái tuổi thất thập nhưng hàng ngày, vẫn tay đục tay thước miệt mài với công việc để cho ra đời những sản phẩm nhạc cụ chất lượng.
Cụ cho biết, nghề làm nhạc cụ của làng trước đây rất phát triển, đa phần các hộ trong làng đều theo nghề. Tuy nhiên, sau giải phóng miền Nam, người ta dần quên đi xưởng nhạc cụ Đào Xá, quên đi những nhạc cụ gắn liền với môn nghệ thuật truyền thống. Do vậy, nhạc cụ làm ra không tiêu thụ được. Những nghệ nhân trong làng, ngay cả cụ Soạn cũng chuyển sang làm mộc và các nghề khác để mưu sinh. Số hộ theo nghề trong làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nghề làm nhạc cụ ngày càng mai một.
Dù làm nghề mộc mưu sinh, nhưng cụ Soạn vẫn đau đáu với nghề chính, vẫn nhớ tiếng tơ,tiếng trúc nên khi rảnh cụ lại quay với nghề ngay. Đứng trước việc nghề truyền thống của ông cha ngày một mai một, cụ Soạn không khỏi băn khoăn, trăn trở. Cụ đã đứng lên mở các lớp học dạy cách làm đàn miễn phí với mong muốn phục hưng làng nghề truyền thống. Cụ cho biết, muốn học được nghề này phải mất ít nhất 2 đến 3 năm và phải có niềm đam mê với nghề mới có thể làm được. Biết cụ dạy nghề, lúc đầu nhiều người còn không dám theo học, may mà những người trong họ cũng có truyền thống nên cánh trẻ cũng nặng lòng với nghề của cha ông mà theo học lại.
Theo cụ Soạn, muốn làm được một cây đàn hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn gỗ nào cho tốt tới khâu căng dây, căng mặt đàn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉnh chu của người nghệ nhân. Cụ phải dành 3 đến 4 ngày mới cho ra đời được một sản phẩm đàn hoàn chỉnh.
Cụ có thể làm được rất nhiều loại đàn như đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy,… Nhưng ít ai ngờ rằng, cụ không biết một chút kiến thức nào về nhạc lý. Vậy mà những âm sắc của cây đàn cụ làm ra lại rất chuẩn xác, đáp ứng nhu cầu rất cao của những người nghệ sĩ khi sử dụng. Hằng ngày, có rất nhiều khách từ mọi nơi đến nhà tìm cụ với mong muốn có một chiếc đàn do tự tay cụ làm ra.
Với tâm huyết của cụ Soạn, nghề làm đàn truyền thống dần được phục hồi. Làng Đào Xá đã bước qua thời gian khó khăn và đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình. Nhiều hộ theo nghề có thu nhập ổn định, cuộc sống đầy đủ, ấm no hơn. Với cụ, lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông đã quan trọng nhưng làm sao để có thể truyền tình yêu nghề vào với thế hệ trẻ luôn là điều mà người nghệ nhân già này vẫn đang âm thầm thực hiện.
Thu Huyền
Lớp Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận