Những yêu cầu đối với ngôn ngữ lời nói trong chương trình thời sự truyền hình

(Sóng trẻ) - Với hầu hết mọi người, thuật ngữ "lời nói truyền hình" không xa lạ. Nhưng để hiểu rõ thế nào là lời nói truyền hình, mối quan hệ giữa lời nói và ngôn ngữ truyền hình, thành tố cấu tạo lời nói truyền hình... thì hẳn còn cần phải có thêm nhiều nghiên cứu. Bài viết này mong góp một cách hiểu về những vấn đề đó trước khi đề xuất một số yêu cầu đối với ngôn ngữ lời nói trong các chương trình thời sự truyền hình.

1. Quan niệm về lời nói trong báo truyền hình

1.1. Thế nào là lời nói?


Ferdinand de Saussure – nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ, người mà giới ngôn ngữ học châu Âu thường gọi là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại, trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương đã chỉ ra: Ngôn ngữ là một hệ thống dấu hiệu biểu hiện những ý niệm. Nó vừa là một sản phẩm xã hội của năng lực ngôn ngữ, vừa là một hợp thể gồm những quy ước tất yếu được tập thể xã hội chấp nhận, để cho phép các cá nhân vận dụng năng lực này (1).


Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất, ngôn ngữ là một hệ thống những âm, những từ được kết hợp với nhau theo những quy tắc nhất định, được cộng đồng xã hội thừa nhận, dùng làm phương tiện thể hiện tư duy và giao tiếp giữa các thành viên trong cộng đồng người đó. Nài ra, nó còn là phương tiện để truyền đạt các giá trị văn hoá - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Còn lời nói là gì? Lời nói là chuỗi liên tục các tín hiệu ngôn ngữ được xây dựng nên theo các quy luật và chất liệu của ngôn ngữ, ứng với nhu cầu biểu hiện những nội dung (tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, ý chí...) cụ thể (2).


Như vậy, lời nói là sản phẩm của hoạt động nói năng của con người, nhằm mục đích biểu hiện tư duy, giao tiếp, định hướng hành động. Chất liệu để tạo nên lời nói là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp ở dạng khả năng tiềm tàng, còn lời nói là phương tiện giao tiếp ở dạng hiện thực hoá, tức là ở dạng hoạt động, gắn liền với những nội dung cụ thể… Trong giao tiếp, người ta chỉ tiếp xúc trực tiếp với các lời nói. Ngôn ngữ chính là hệ thống những yếu tố và nguyên tắc có giá trị chung, làm cơ sở để cấu tạo lời nói. Ngôn ngữ được hiện thực hoá trong lời nói. Ngôn ngữ và lời nói thống nhất nhưng không đồng nhất (3) .


Rõ ràng, lời nói lấy ngôn ngữ làm chất liệu. Không có ngôn ngữ thì không có lời nói, nhưng ngược lại, lời nói lại cần thiết cho ngôn ngữ được xác lập và phát triển. Không có lời nói, ngôn ngữ sẽ bị diệt vong. Cấu tạo của lời nói gồm 3 thành tố: ngữ âm, từ vựng ngữ pháp. Ngữ âm là hệ thống các tín hiệu âm thanh được phát ra khi con người thực hiện quá trình giao tiếp, vừa nhằm biểu đạt nội dung thông tin, vừa nhằm tạo sự biểu cảm của lời nói. Từ vựng là toàn bộ các từ, cụm từ cố định của một ngôn ngữ, là vật liệu xây dựng nên ngôn ngữ và lời nói. Ngữ pháp là toàn bộ các quy tắc biến đổi và kết hợp từ thành cụm từ, câu.


Trong giao tiếp bằng lời nói trên truyền hình (hay trong đời sống nói chung), câu còn được gọi bằng thuật ngữ khác là phát ngôn. Phát ngôn thì được nói lên còn câu thì được viết ra. Tất nhiên, phát ngôn khác với câu ở chỗ, nhờ ngữ điệu, âm sắc giọng nói, hoàn cảnh phát ngôn, mà một câu cấu tạo theo kiểu nghi vấn có thể được sử dụng như một mệnh lệnh (ví dụ, chị dọa em: Mày có nín không?), như một lời cảm thán (ví dụ: Có chồng con nhà ai như thế này không? Trời ơi là trời!)… Nhiều khi hình thức phủ định lại diễn đạt ý khẳng định, và ngược lại, hình thức khẳng định cũng có thể diễn đạt ý phủ định(4).


1.2. Lời nói trong báo truyền hình


Khác với ngôn ngữ phát thanh, ngôn ngữ truyền hình là sự kết hợp đa phương tiện: hình ảnh, âm thanh, ký tự, biểu bảng, biểu đồ. Như vậy, chất liệu giao tiếp chính của truyền hình là: hình (cả hình ảnh động lẫn hình ảnh tĩnh), âm thanh (gồm lời nói, tiếng động, âm nhạc) và chữ viết. Ba chất liệu ngôn ngữ này tạo cho truyền hình lợi thế truyền tải thông tin vừa sống động, sinh động, hấp dẫn, vừa cụ thể, chính xác, khách quan.


Trong ba chất liệu ngôn ngữ đó, người ta cho rằng, hình ảnh là thứ ngôn ngữ quan trọng nhất của truyền hình; âm thanh – cụ thể là lời nói, đứng vị trí thứ hai, đóng vai trò hỗ trợ hình ảnh. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, vị trí, tầm quan trọng của ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ lời nói gần như ngang bằng nhau. Trong giao tiếp truyền hình, hình ảnh luôn cần đến sự dẫn giải bằng ngôn ngữ lời nói. Dù hình ảnh có sống động, chân thực bao nhiêu, nhưng với tư cách là phương tiện cung cấp thông tin, sẽ không hoặc vô cùng ít ỏi cái gọi là hình ảnh câm


Nếu thiếu lời nói, hình ảnh sẽ mơ hồ khó hiểu, rối rắm, kém chính xác, không còn là tác phẩm báo chí. Những ý niệm, khái niệm trừu tượng, thế giới cảm xúc và tư duy sâu kín, tế vi, phức tạp của con người phải cần đến lời nói để chuyển tải. Ở những chương trình đối thoại, giao tiếp với công chúng, lời nói thậm chí giữ vai trò trung tâm; hình ảnh làm nhiệm vụ hỗ trợ, bổ sung, làm sinh động, chính xác hóa cho lời. Trên truyền hình, lời nói còn làm nhiệm vụ khơi nguồn phản hồi của đối tượng tiếp nhận thông tin, khuyến khích, tạo cơ hội cho công chúng xuất hiện nhiều hơn trên sóng. Bên cạnh đó, lời nói của nhà báo trên sóng truyền hình còn có tác dụng định hướng, dẫn dắt lời ăn tiếng nói của công chúng


Vậy, lời nói truyền hình là gì? Theo chúng tôi, lời nói truyền hình sản phẩm ngôn ngữ tồn tại dưới dạng âm thanh của những đối tượng tham gia vào hoạt động trao đổi thông tin trên sóng đài truyền hình với tư cách là cơ quan báo chí.


Trên truyền hình, có lời nói của nhà báo và của nhân chứng - công chúng. Lời nói của nhà báo là dạng lời nói chính yếu nhất. Có thể hiểu, lời nói của nhà báo truyền hình là sản phẩm ngôn ngữ tồn tại dưới dạng âm thanh của nhà báo, được phát trên sóng, nhằm mục đích trao đổi thông tin giữa nhà báo –đại diện cho đài truyền hình, với công chúng khán giả.


 3b2203153_nnngutruyenhinh.jpg

Trên các chương trình thời sự truyền hình, chúng ta bắt gặp các dạng lời nói của nhà báo như sau:

- Lời nói của phóng viên: Phóng viên là những người làm công tác thu thập thông tin, sáng tạo tác phẩm. Trong các chương trình thời sự truyền hình hiện nay, lời nói phóng viên xuất hiện khá dày. Họ thường nói tin, bài phản ánh, phóng sự... tại hiện trường hoặc tham gia đọc lời bình cho các tác phẩm có hậu kỳ. Phóng viên thường sử dụng ngay cách đọc, nói tự nhiên vốn có để trình bày tác phẩm. Cách nói, cách đọc thường do học tập nhau, do kinh nghiệm mà nên. Chính vậy, nhiều giọng có thể còn hơi thô ráp, kỹ thuật vận dụng cao độ, cường độ, trường độ, nhịp độ, âm sắc chưa nhuần nhuyễn. Nhưng, do thật sự hiểu và có tình cảm với sự kiện, con người thực tế, phóng viên có thể trình bày một cách giàu cảm xúc, khiến tác phẩm trở nên thân mật, gần gũi với khán giả hơn.


- Lời nói của biên tập viên: So với lời nói của phóng viên, lời của biên tập viên thường có chất giọng đẹp, phong cách nói mềm mại, ấm áp, truyền cảm do họ được lựa chọn từ đội ngũ nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong công tác biên tập, đọc, nói. Hiện nay, trong chương trình thời sự, người dẫn chương trình là biên tập viên, hoặc phóng viên kiêm biên tập viên. Họ thường xuất hiện trong các trường quay nhỏ có cách bài trí đơn giản, sử dụng phong cách đơn thoại, với lối trình bày theo hình thức ”giả nói”, tức là đọc mà như nói. Nội dung lời dẫn đã được chuẩn bị trước giúp họ tự tin, điềm đạm hơn trong trình bày thông tin.


Nài biên tập viên - dẫn chương trình trong chương trình thời sự hay chương trình chuyên đề báo chí, trên truyền hình hiện nay còn có đội ngũ dẫn chương trình trong các game shows hay ca nhạc giải trí... Có những người trực tiếp biên tập chương trình; có những người biên tập một phần; có người chỉ làm công tác dẫn đơn thuần. Do mức độ am hiểu nội dung và năng khiếu khác nhau, có giọng dẫn tự tin, nhạy bén, đối đáp lưu loát, linh hoạt, sống động; có giọng lại non yếu, thiếu chiều sâu, kém duyên dáng.


- Lời nói của phát thanh viên: Khác với nhiều nước trên thế giới xem phát thanh viên là tất cả những người đọc, nói trên sóng, bao gồm cả phóng viên, biên tập viên, ở Việt Nam hiện nay, phát thanh viên là chức danh dành riêng cho những người làm công tác đọc. Yêu cầu chung đối với lời nói của phát thanh viên là chất giọng đẹp, có nghệ thuật đọc, nói diễn cảm. Nhờ chất giọng chuẩn, cách phát âm chuẩn, lời nói của họ đã góp phần nâng đỡ tích cực cho nội dung của hàng triệu tác phẩm, trở thành mẫu mực cho cách phát âm của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, do ngôn ngữ của truyền hình hiện đại trong chương trình thời sự là ngôn ngữ sinh động của đời sống, nên người thể hiện nó hầu như không phải là phát thanh viên, mà chủ yếu là phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình. Điều này cho thấy, truyền hình hiện đại tiến gần tới lối nói dung dị đời thường, đề cao sự chân tình, gần gũi, thân mật hơn là đề cao những “chất giọng vàng” đẹp thì rất đẹp nhưng có phần xa cách với công chúng.


2. Yêu cầu đối với lời nói trong chương trình thời sự truyền hình


2.1. Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lời nói trong chương trình thời sự truyền hình hiện nay


- Phương thức sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp


Trên Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay, các chương trình Thời sự nói chung, Thời sự 7h tối nói riêng đều sử dụng phương thức sản xuất trực tiếp. Thời gian sự kiện xảy ra hoặc thời gian sản xuất chương trình đồng thời với phát sóng và tiếp nhận. Dòng tin tức nóng hổi cần được truyền đi nhanh chóng, tức thì, tạo cho người xem cảm giác họ đang được trực tiếp chứng kiến sự kiện. Trong hoàn cảnh đó, người nói – cả biên tập viên phòng thu cũng như phóng viên hiện trường, không thể sử dụng phong cách đọc chậm rãi, khoan thai, dìu dặt, mà phải đặt mình trong tư thế của người truyền tin, đối thoại với khán giả. Vì thế, họ thường sử dụng lối giả nói – tức nhờ sự hỗ trợ của màn hình chạy chữ máy tính, họ đọc mà như nói (tại trường quay), hoặc nói ứng khẩu trực tiếp (tại hiện trường). Khi trình bày tại hiện trường, câu từ thường dễ vấp váp hơn, nhiều từ thừa, từ thiếu; lối nói nhịu, nói vấp hay xuất hiện. Dòng lời nói cũng có thể khi nhanh, khi chậm, khi to, khi bé tùy tình huống. Dạng ngôn ngữ nói tỏ ra đắc dụng hơn.


- Sự thay đổi về đặc điểm và nhu cầu tiếp nhận thông tin của khán giả hiện đại


Sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho khán giả được tiếp cận với nhiều loại hình truyền thông đại chúng. Không chỉ có truyền thông trong nước, mà công chúng còn được tiếp cận với các kênh truyền thông nước nài. Phong cách nói tin, giảng tin, lối trò chuyện thân mật, gần gũi, giàu tính hội thoại trong những chương trình ruyền hình trực tiếp... của nhà báo nước nài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiếp nhận lời nói truyền hình của khán giả Việt Nam. Họ cũng bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lời nói mang tính ”đời hóa”, ”thoại hóa”. Nhiều khán giả không còn thích kiểu đọc văn bản trong các chương trình tin tức thời sự, mà thích nhà báo sử dụng phương thức nói.


Cùng với nhu cầu tiếp nhận phương thức nói, khán giả hiện đại còn có nhu cầu tiếp nhận thông tin ngắn gọn. Điều đó có nghĩa, lời nói truyền hình không chỉ phải đúng mà còn phải trúng, không chỉ phải dễ hiểu, dễ tiếp nhận mà còn phải hấp dẫn, không chỉ phải đầy đủ mà còn phải ngắn gọn, súc tích. Nhà báo không còn là người áp đặt thông tin một chiều mà phải là người tương tác, chia sẻ, không còn là người thuyết giảng mà phải là người bạn đồng hành với thính giả. Bên cạnh đó, hiện nay, còn tồn tại khoảng cách ngày càng lớn giữa một bên là nhóm khán giả “bác học”, có trình độ học vấn cao, với một bên là nhóm thính giả “bình dân”, trình độ học vấn thấp. Điều này tất yếu dẫn tới sự ra đời của của các sản phẩm ngôn ngữ mang tính bác học bên cạnh các sản phẩm ngôn ngữ mang tính bình dân.


Tất cả những sự thay đổi đó đang đặt ra yêu cầu truyền hình nói chung, lời nói truyền hình nói riêng phải thay đổi, thích ứng.


- Sự vận động không ngừng của ngôn ngữ hiện đại trong xu thế tiếp biến văn hóa ngôn ngữ


Ngôn ngữ tiếng Việt- cũng như hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, là một sinh ngữ, đang vận động cùng với sự vận động, phát triển hàng ngày của con người, xã hội. Trong bối cảnh tiếp biến văn hóa ngôn ngữ (được hiểu đơn giản là sự giao lưu, trao đổi, hội nhập về ngôn ngữ giữa các nền văn hóa khác nhau) diễn ra mạnh mẽ, trong công cuộc Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới về mọi mặt, các khái niệm mới, quan điểm mới, sự vật mới xuất hiện, dẫn đến các thuật ngữ mới, tên gọi mới du nhập vào Việt Nam. 


Hơn nữa, toàn cầu hóa truyền thông đại chúng cũng tạo cơ hội cho nhà báo truyền hình tiếp cận thường xuyên tin tức nước nài, qua đó, sự giao lưu, du nhập ngôn ngữ là xu hướng tất yếu. Có những yếu tố ngôn ngữ tỏ ra lạc hậu, bị thải loại; có những yếu tố hợp thời, đắc dụng; cũng có nhiều yếu tố ngôn ngữ mới xuất hiện do nhu cầu giao tiếp. Điều đó yêu cầu nhà báo truyền hình phải nắm bắt những xu hướng ngôn ngữ mới, vận dụng một cách phù hợp để nâng cao hiệu quả của lời nói truyền hình hiện nay.


2.2. Những yêu cầu đối với việc sáng tạo lời nói trong chương trình thời sự truyền hình hiện nay


Từ lý thuyết, kết hợp với việc tìm hiểu thực tế, chúng tôi cho rằng, lời nói trong thời sự truyền hình hiện nay cần đáp ứng những yêu cầu sau:


- Đảm bảo tính dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ


Nguyên tắc đầu tiên của lời nói tin tức trên sóng là đảm bảo khán giả có thể nghe được một cách rõ ràng. Điều này có liên quan chặt chẽ tới vệc vận dụng các yếu tố thuộc về ngữ âm như: cách phát âm, chất giọng vùng miền, cách kết hợp giọng trong chương trình, cách sử dụng tốc độ, cao độ, cường độ, trường độ, âm sắc... Có những hạn định cho việc nói năng trên sóng mà nhà báo truyền hình – đặc biệt là các phóng viên hiện trường hoặc người đọc, nói tin, bài cần tuân thủ. Chẳng hạn: phát âm tròn vành rõ chữ, không ngọng, không nhịu; chất giọng không được đậm đặc tiếng địa phương khiến người nghe khó hiểu; tốc độ vừa phải, không nhanh quá, không chậm quá; sắc giọng phù hợp với sắc thái thông tin...


Đi cùng với nguyên tắc dễ nghe, lời nói truyền hình phải đảm bảo dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống. Người nghe tin tức thời sự truyền hình bao gồm tất cả các đối tượng, từ người già đến người trẻ, từ người có học vấn cao đến người không biết chữ. Do vậy, lời nói phải làm sao để thích ứng với mọi tầng lớp công chúng, sao cho một nhà bác học với kiến thức uyên thâm nhất cũng không cảm thấy chán và công nhân, nông dân cũng không thấy khó hiểu.


Để đảm bảo nguyên tắc này, tin tức thời sự truyền hình cố gắng không được lạm dụng thuật ngữ, từ tiếng nước nài, tiếng lóng, từ địa phương không thông dụng, từ tối nghĩa, không lạm dụng con số. Về câu cú, không sử dụng câu dài ”dây cà ra dây muống”, câu nhiều tầng ý, những lối diễn đạt lủng củng, mơ hồ... Lời dễ nghe, dễ hiểu thì sẽ đảm bảo dễ nhớ.


- Đảm bảo tính chính xác, đúng đắn


Tính chính xác của lời nói nghĩa là lời nói phải phản ánh được thông tin thực tế một cách sát đúng nhất, đồng thời cũng phản ánh được ý đồ chủ quan của người nói một cách thích hợp nhất. Trong thời sự truyền hình, ngôn từ phải được dùng đúng nghĩa từ điển, không dùng từ sai, từ tối nghĩa, từ mơ hồ về nghĩa. Từ ngữ trong tin tức, phóng sự, bài phản ánh... cần biểu đạt chính xác nội dung thông tin, diễn đạt đúng ý đồ của nhà báo, không để người nghe hiểu sai, hiểu nhầm.


Tính đúng đắn của lời nói thường được hiểu là sự tuân thủ chuẩn mực của ngôn ngữ tiếng Việt, tức là tuân theo quy tắc phát âm, viết chữ, dùng từ, đặt câu, kết cấu toàn bộ văn bản. Theo đó, lời nói thời sự truyền hình cũng cần tuân theo thói quen phát âm, viết chữ, dùng từ, đặt câu của người Việt Nam. Chẳng hạn, trong giao tiếp, người Việt Nam có thói quen dùng câu chủ động thay vì câu bị động; dùng câu có trật tự thuận: trạng ngữ- chủ ngữ- vị ngữ... Nhà báo truyền hình, nhất là nhà báo Đài THVN cũng cần phát âm theo cách phát âm chuẩn tiếng phổ thông, đảm bảo lời nói trên sóng được khán giả lĩnh hội rõ ràng nhất.


- Đảm bảo tính sinh động, hấp dẫn


Sự sinh động, hấp dẫn của truyền hình được đánh giá cao ở góc độ hình ảnh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với tính giới hạn về sự sinh động, hấp dẫn của lời nói. Sự hấp dẫn của lời nói trước hết nằm ở việc sử dụng ngôn từ. Ngôn từ phải trong sáng, được chọn lọc, gọt giũa, giàu sức gợi. Trong các chương trình sử dụng phương thức nói ứng khẩu, ngôn từ phải mang tính khẩu ngữ văn hóa- vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa gần gũi, thân mật. Những lối dùng từ, lối diễn đạt mới lạ, độc đáo, ấn tượng cần được phát huy.


Bên cạnh ngôn từ, nhà báo phải triệt để vận dụng các phương tiện ngữ âm để tạo nên ngữ điệuâm sắc, làm cho giọng đọc, giọng nói đạt đến tính biểu cảm. Nhà báo nên sử dụng giọng nói như một thứ nhạc cụ - và trình tấu những bản nhạc ngôn từ du dương, trầm bổng để thu hút tai nghe, bằng chất giọng mềm mại ấm áp, bằng một phong cách thân mật, nhiệt tình, hứng khởi. Đồng thời, khi nói năng trên sóng, nhà báo cố gắng ”cá tính hóa” lời nói bằng cách sử dụng những nét ”rườm” về ngữ âm, những từ được đánh dấu về phong cách, những lối diễn đạt tự tin, lưu loát, có thần thái... Về điều này, các biên tập viên thời sự 7h tối như Quang Minh, Vân Anh, Ngọc Anh... đều thực hiện khá ấn tượng. Giọng nói, giọng đọc của họ đều có bản sắc, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp với khán giả. 


- Đảm bảo tính hàm súc, cô đọng


Ngày nay, khán giả không có nhiều thời gian để nghe hết những bài viết có thời lượng dài. Mặt khác, do dòng thông tin trong thời sự truyền hình được truyền đi liên tục, nên cũng không nhất thiết phải nhồi nhét quá nhiều chi tiết vào trong một tin hay một bài báo. Vì vậy, tính ngắn gọn của lời nói phải được đặt ra như một yêu cầu tối thiết. Để đạt được sự ngắn gọn, yêu cầu nhà báo phải có khả năng dùng từ hàm súc. Chẳng hạn, nhà báo có thể tăng cường sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao; trong một số chương trình chuyên đề, có thể sử dụng có chừng mực thuật ngữ khoa học, từ Hán-Việt dễ hiểu; viết câu ngắn, viết đoạn ngắn, bài ngắn...


 - Đảm bảo tính hiện đại, tiếp thu chọn lọc sản phẩm ngôn ngữ mới trong quá trình tiếp biến văn hóa ngôn ngữ


Là một phương tiện truyền thông sử dụng lời nói để giao tiếp, có nhiệm vụ phản ánh hiện thực khách quan mới nhất, nóng nhất, lời nói thời sự truyền hình cũng phải vận động, phát triển để theo kịp sự vận động của sinh ngữ. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tiếp biến văn hóa nói chung, tiếp biến văn hóa trong ngôn ngữ nói riêng trở thành xu thế chung của mọi nền văn hóa, thì lời nói truyền hình cũng phải vận động theo xu thế tiếp nhận những yếu tố ngôn ngữ mới do giao lưu ngôn ngữ quốc tế đem lại. Nhà báo phải kịp thời nắm bắt, chọn lọc và sử dụng những từ ngữ mới, những lối nói mới, chẳng hạn, thuật ngữ khoa học, những lối dùng từ của người nước nài, những từ ghép mới. Nhưng việc tiếp thu yếu tố ngôn ngữ mới trong quá trình tiếp biến văn hóa ngôn ngữ cũng cần chọn lọc cẩn thận, bởi cho dù ngôn ngữ truyền hình có hiện đại đến đâu, nhà báo cũng không thể quên sứ mệnh của mình là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.


- Đảm bảo kết hợp linh hoạt giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói


Hiểu đơn giản, ngôn ngữ viết yêu cầu tính chuẩn mực về mặt từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm: chặt chẽ, ngọn gàng, khúc triết, thậm chí, mang sắc thái bác học… Trong khi đó, ngôn ngữ nói cho phép những lối diễn đạt phóng khoáng hơn, với ngôn từ ít trau chuốt, chọn lọc, gọt giũa hơn. Từ dư, từ lặp, từ thừa, từ thiếu, thậm chí từ sai, từ thiếu chính xác, lúc nói nhanh, lúc nói chậm, lúc ngừng lời… là những đặc tính cố hữu của ngôn ngữ nói.


Vì vậy, chúng tôi cho rằng, lời nói trên thời sự truyền hình thuộc phong cách khẩu ngữ văn hóa, có xu hướng đi gần với khẩu ngữ đời thường ở chỗ nó mang nhiều yếu tố tự nhiên sống động, nhiều màu sắc biểu cảm, chủ quan, cụ thể. Thế nhưng, truyền hình là hình thức giao tiếp có tính văn hóa, có ảnh hưởng nhanh, trực tiếp và sâu rộng tới hàng triệu người, nên ngôn ngữ truyền hình phải là khẩu ngữ văn hóa, là khẩu ngữ ở trình độ phát triển cao. Nó được xếp vào ngôn ngữ gọt giũa, được chuẩn bị, chọn lọc và có tính chuẩn mực. Nhà báo phải có năng lực hành ngôn nhất định, biết kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt ngôn ngữ văn hóa và ngôn ngữ đời thường. Nếu sa đà vào văn viết, lời nói sẽ ”chuẩn” đến mức khô cứng, thậm chí khó hiểu. Nhưng nếu quá phóng túng,  tự nhiên theo văn nói, lời nói sẽ dễ dẫn tới tùy tiện, cẩu thả.


- Đảm bảo phù hợp với đối tượng giao tiếp


Mỗi chương trình có một đối tượng đích – khán giả mục tiêu. Năng lực, sở thích, nhu cầu tiếp nhận thông tin, phong tục tập quán, tuổi tác, trình độ văn hóa, tâm lý tiếp nhận, đặc điểm nghề nghiệp... của từng đối tượng khán giả quyết định cách viết, cách đọc, nói của nhà báo. Trong chương trình thời sự, do đối tượng tổng hợp- đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trình độ, tôn giáo..., nên cách nói năng vừa đảm bảo sự chân thành, gần gũi, đồng thời, vừa đảm bảo sự trang trọng, lịch sự cần thiết.


Biểu hiện của tính gần gũi mà trang trọng bắt đầu được thể hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn, là cách xưng hô, câu chào mời, bởi xưng hô không phải chỉ để gọi người tham thoại và gọi nhân vật được nhắc đến trong cuộc thoại mà còn gợi đến một nền văn hóa coi trọng tôn ti, thứ bậc (5). Ví dụ, biên tập viên thời sự bao giờ cũng mở đầu chương trình bằng lời chào trang trọng, lịch sự: Xin kính chào quý vị và các bạn, và kết thúc bằng lời tạm biệt: Xin kính chào và hẹn gặp lại. Trong khi đó, với các chương trình dành cho người cao tuổi, người dẫn sẽ nói: Thưa các cụ, Xin mời các cụ thưởng thơ, Kính chúc các cụ dồi dào sức khỏe. Với đối tượng là thiếu niên, nhi đồng, lối nói chuyện lại phải trìu mến, thân thiết, ấm áp: Chị Giang chào tất cả các em, Các em đừng quên viết thư kể cho chị nghe với nhé...


- Đảm bảo phép lịch sự


Để giao tiếp đạt hiệu quả, nhà báo cần phải tôn trọng nguyên tắc tính lịch sự, tính văn hóa trong hội thoại. Ở phạm vi rộng, đảm bảo sự phù hợp giữa lời nói với đối tượng giao tiếp, với mục đích giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp nghĩa là đã đảm bảo tính lịch sự. Ở phạm vi hẹp hơn, chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn, tọa đàm, giao lưu, khi giao tiếp trực tiếp với khách mời, nhà báo phải thể hiện được phép lịch sự thông qua việc nắm bắt và vận dụng linh hoạt các kỹ năng giao tiếp như: biết cách lắng nghe, biết cách phản hồi, biết cách dẫn dắt và điều khiển khách mời, biết cách dùng từ...


Tất nhiên, để đảm bảo phép lịch sự trong mọi tình huống là không đơn giản, bởi có khi chỉ thay đổi 1 từ, phép lịch sự đã bị vi phạm. Nhưng, như là một sứ mệnh, nhà báo thời sự truyền hình nói riêng, các nhà báo truyền hình nói chung sẽ phải nỗ lực không ngừng để trong mọi tình huống đều đảm bảo phép lịch sự, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 


Chú thích:

(1) F.De. Saussure (2005), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Cao Xuân Hạo dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.44.

(2) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2008), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.17.

(3) Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết (2009), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 311-314.

(4) Nguyễn Thiện Giáp (Chủ biên), Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Minh Thuyết (2009), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.275.

(5) Đình Cao (2006), Đôi điều góp bàn về ngôn ngữ báo phát thanh, Tham luận tại Hội thảo khoa học Đài tiếng nói Việt Nam, tr.4.


Theo TS Trương Thị Kiên

Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông( ĐTQN)

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN