Sinh viên năm nhất và tâm sự lần đầu đi thực tế
(Sóng Trẻ) - Lần đầu tiên đi xa nhà, tới một mảnh đất xa lạ, những con người xa lạ, cảm xúc đầu tiên là sự cô đơn, lạc lõng. Nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng bị mất đi khi chúng tôi bắt tay vào việc lập kế hoạch cho bài tập thực tế, cuồng quay của công việc, sự nhiệt huyết của mọi người đã cuốn tôi ra khỏi những suy nghĩ viển vông, hòa mình vào công việc chung.
Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi tôi bước chân vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quãng đời sinh viên báo chí của tôi bắt đầu với bao vui buồn, khó khăn cũng như hạnh phúc.
Lần đầu tiên nhận một đề tài đi thực tế tìm tư liệu cho bài tập nhóm và viết tác phẩm cho riêng mình, nhóm chúng tôi gồm 4 người khăn gói cùng nhau lên mảnh đất Lạng Sơn trong 3 ngày 2 đêm.
Lần đầu tiên đi xa nhà, tới một mảnh đất xa lạ, những con người xa lạ, cảm xúc đầu tiên là sự cô đơn, lạc lõng. Nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng bị mất đi khi chúng tôi bắt tay vào việc lập kế hoạch cho bài tập thực tế, cuồng quay của công việc, sự nhiệt huyết của mọi người đã cuốn tôi ra khỏi những suy nghĩ viển vông, hòa mình vào công việc chung.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là cửa khẩu Tân Thanh. Trong vai một nhóm sinh viên của trường Cao đẳng văn hóa ( trên địa bàn thành phố Lạng Sơn) làm diễn viên quần chúng cho phóng sự của nhóm phóng viên đài phát thanh truyền hình tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã được tới khu vực cột mốc biên giới 1090.
Chúng tôi bên cột mốc biên giới 1090
Tiếp đến chúng tôi được đến khu vực chợ Tân Thanh và chợ Đông Kinh. Thật khó khăn cho chúng tôi khi tìm khách du lịch để phỏng vấn, làm tư liệu cho bài báo cáo thực tế, bởi khi tới chợ, bãi đỗ xe chỉ lác đác vài chiếc xe, trong chợ hầu như toàn là người chủ bán hàng, lác đác ở các khu có 1,2 khách đang xem hàng. Thật sự bất ngờ với nhóm chúng tôi khi chợ Tân Thanh và Đông Kinh là 2 khu chợ nổi tiếng sầm uất, khách tời nườm nượp, đông đúc, nhưng trước mắt chúng tôi lúc đó là một quang cảnh thật ảm đạm. Tiếp cận với những du khách hiếm hoi đề cập tới việc xin phỏng vấn hầu như chỉ nhận được sự từ chối, nhiều người khi chúng tôi mới đến chào hỏi đã vội xua tay đi vội với sự sợ hãi, lo lắng.
Khó khăn khi tác nghiệp ở chợ Đông Kinh
Điều đáng nói hơn cả là ở khu vực chợ Đông Kinh, khi chúng tôi đang chụp ảnh, quay clip cho bài thực tế đã vấp phải sự cản trở của một số người bán hàng. Họ đuổi chúng tôi ra khỏi khu vực sạp hàng của họ, bảo vệ của khu chợ không cho chúng tôi tiếp tục thực hiện, thậm chí có một bà chủ hàng gương mặt dữ tợn, chạy tới đòi bắt chúng tôi tới đồn công an. Vì họ nghĩ rằng chúng tôi là những phóng viên đang điều tra, bới móc, nói những điều không hay về khu chợ, về việc kinh doanh buôn bán của họ. Nhờ sự giúp đỡ của một người quen làm phóng viên tại đài phát thanh truyền hình tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã được giải vây khỏi bảo vệ khu chợ và được phép tiếp tục thực hiện công việc.
Qua những điều gặp phải trong quá trình đi thực tế, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều. Để trở thành một phóng viên thực thụ, cái đầu tiên cần chuẩn bị đó là bản lĩnh, bản lĩnh để đối mặt với những khó khăn. Khó khăn khi đi thực tế ở những vùng điều kiện thiếu thốn; khó khăn khi phải vượt qua thái độ, lời nói ác ý của người khác, sự hiểu lầm của người xung quanh đối với việc làm của mình.
Để trở thành một nhà báo giỏi, chúng tôi cũng cần phải sẵn sàng cho những mối quan hệ mới, gặp gỡ tất cả mọi người, xóa bỏ đi khoảng cách, tạo được sự gần gũi, thân mật, nhất là trong việc phỏng vấn.
Và đặc biệt hơn nữa, là sinh viên năm nhất, đây mới chính là khởi đầu cho chặng đường làm báo còn dài ở phía trước, những khó khăn chúng tôi gặp phải trong chuyến đi này mới chỉ là bắt đầu, là những khó khăn vô cùng nhỏ trong cả “ quãng đường dài cầm bút” phải đi sau này. Chúng tôi phải lớn dần lên, trưởng thành hơn. Trong những năm tháng là sinh viên báo chí, tôi và các bạn hãy cũng rèn luyện bản thân, tự mình vấp váp, rút ra những kinh nghiệm làm báo và hãy luôn ước mơ trở thành một nhà báo giỏi và tự tin thực hiện ước mơ của mình nhé !
Phạm Nga
Lớp phát thanh k32
Cùng chuyên mục
Bình luận