Sự quan tâm “quá đà” của người lớn đối với thế hệ trẻ trong dịp Tết
(Sóng trẻ) - Tết đến, người trẻ lại ngày càng “sợ hãi” khi phải đối diện những câu hỏi quen thuộc đến mức ám ảnh : “Lương tháng cao không ?”, “Bao giờ thì lấy chồng ?” …
Từ bao giờ, chuyện “riêng tư” trở thành câu mở đầu ngày Xuân
Tết là khoảng thời gian ý nghĩa để mọi người sum họp và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, an lành. Đặc biệt, câu chuyện thăm hỏi như một thông lệ không thể không tránh được. Tuy nhiên, khi gặp những lời hỏi thăm thái quá, vồn vã khiến những người trẻ lo ngay ngáy, khó xử và thực sự cảm thấy sợ Tết.
Chia sẻ từ câu chuyện “muôn thuở”, chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân tại Thành phố Đà Nẵng) cho biết : “Năm nào về quê mình cũng nhận được những câu hỏi như : Có người yêu chưa? Năm nay không thấy đưa anh nào về thế? ...”
Chị kể: “Những câu hỏi riêng tư như thế làm mình hơi khó chịu, gần như đi đâu chúc Tết mình cũng nhận những câu hỏi như thế. Mỗi lần như vậy, cũng chỉ biết cười trừ hoặc lảng tránh sang chuyện khác. Năm mới ai cũng muốn vui vẻ nhưng lúc nào cũng thấy mệt mỏi vì gặp những câu hỏi vô duyên như thế" – chị Hoa không khỏi bức xúc.
Chị cho rằng, Tết đến, mọi người gặp gỡ, quan tâm nhau là chuyện bình thường, những người hỏi nên tinh tế, để ý tới cảm xúc của người khác. Bởi vốn dĩ không ai muốn bản thân bị đưa ra bàn tán, trở thành chủ đề “mua vui” cho mọi người”.
Còn đối với anh Phạm Hồng Nam (nhân viên văn phòng ở TP.HCM), cũng gặp rắc rối với những câu hỏi “giời ơi đất hỡi” về vấn đề tiền lương, thưởng: “Lương dạo này cao không cháu? Lương thế mua nhà chưa? Đó là câu hỏi mình nhận được khi gặp người thân vào dịp Tết cổ truyền”.
Theo anh, chuyện tiền bạc là vấn đề khá “nhạy cảm”, không ai muốn chia sẻ con số cụ thể với người khác. Thậm chí, mỗi lần có người thăm hỏi về chuyện tiền lương, khiến mình không khỏi “phiền não”. Các câu hỏi ấy làm mình rất ngại trả lời, thường mình chỉ đáp lại một cách qua loa “Cũng đủ sống bác ạ”, hay “Tiền lương đủ để sắm Tết ạ”.
Anh Nam còn cho biết, anh cảm thấy không thoải mái khi Tết năm nào cũng bị hỏi về chuyện tiền lương như thế, anh còn gặp một số người cố gặng hỏi đến cùng mới chịu dừng lại. “Điều này khiến mình ngày càng trở nên “sợ Tết” hơn.
Qua những câu chuyện thực tế từ những bạn trẻ, điều này đã phản ánh được phần nào sự khó xử từ những câu hỏi mà người trẻ gặp phải. Tuy đó là những câu hỏi bâng quơ, lấy lệ hay thể hiện sự quan tâm, nhưng chính nó đã tạo nên một “nỗi sợ” vô hình đối với mọi người.
Có nhiều cách thể hiện sự quan tâm mỗi dịp Tết đến
Sau một năm bôn ba kiếm sống, Tết là lúc gia đình đoàn tụ, kể cho nhau nghe hành trình mà mình trải qua trong suốt một năm. Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa, là nơi mà mỗi đứa con đều muốn trở về những chông gai, trắc trở ở nơi đất khách quê người. Phải chăng những câu hỏi xã giao tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt ấy lại làm cho giới trẻ ngại gặp mặt người khác?
“Trên phương diện của một người phụ huynh, cô cũng hay hỏi các con và cháu của mình những câu hỏi về lương bổng, kết hôn. Đó là cách mà cô bắt chuyện với bọn trẻ những ngày đầu xuân, cũng là một cách để cô biết tình hình hiện tại của chúng. Cô không nghĩ những câu hỏi đó lại vô tình làm các bạn trẻ sợ Tết” - đó là tâm sự của cô Trần Thị Hòa (Hà Tĩnh)
Thay vì đối diện các câu hỏi đó dưới góc nhìn của “nạn nhân”, các bạn trẻ hãy chọn một thái độ đón nhận tích cực hơn và chủ đề câu chuyện. 80% các câu hỏi này được đặt ra đa phần là nghi thức xã giao. Chính vì thế, chúng ta không cần quá đặt nặng tính nghiêm trọng của các câu hỏi này trong mỗi câu nói.
Để làm cho cuộc gặp gỡ đầu xuân ấy không bị gượng gạo, chúng ta nên là người bắt chuyện trước. Hãy bắt đầu các câu hỏi thể hiện sự quan tâm: “Năm nay nhà bác có gì mới không?”; “Bác dạo này có đạp xe vào mỗi buổi chiều nữa không ạ? Cháu thấy da dẻ của bác hồng hào hơn nhiều ạ”. Người lớn khi nghe những câu hỏi như thế, chắc chắn sẽ đề cao sự tinh tế của bạn.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, để tránh những lời chúc kém duyên đầu năm, thay vì dùng hàng loạt những câu hỏi xã giao mà gần như ai cũng hỏi, các bạn trẻ hãy cố gắng đầu tư cho cuộc trò chuyện của mình bằng cách quan sát và tìm hiểu đôi chút về gia đình mình sắp ghé thăm.
Trong mọi trường hợp, chủ động luôn khiến bạn tự tin hơn và có thể điều khiển được cuộc trò chuyện. Nếu như bạn gặp phải những câu hỏi mà mình không muốn trả lời, hãy tự “giải vây” bằng những câu trả lời hóm hỉnh, điều đó sẽ mang đến không khí vui tươi cho cả gia đình những ngày đầu năm.
Tuy có những áp lực không thể tránh khỏi, nhưng Tết vẫn là khoảng thời gian mọi người quây quần, cùng nhau khép lại năm cũ và chào đón năm mới tốt đẹp hơn. Thay vì những lo âu, hãy thử mở lòng, đừng quá đặt nặng vào những câu hỏi “quá đà” đó. Hãy thử quan tâm một cách tinh tế, chân thành, để khiến Tết trở nên đầm ấm và thành những kỉ niệm đẹp của từng người