Sức sống mạnh mẽ của trò chơi dân gian trong đời sống giới trẻ
(Sóng Trẻ)- Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử hiện đại khiến trò chơi dân gian truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc trò chơi dân gian không còn sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Tuổi thơ của những năm về trước được dệt nên bởi thanh âm vui nhộn, trong trẻo từ các trò chơi dân gian. Các “đấu trường” kéo co, ô ăn quan, chơi chuyền, bịt mắt bắt dê hay nhảy sạp… làm nô nức cả một vùng thôn ngõ xóm. Chúng trở thành những mảnh ghép vô giá của kí ức. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, người trẻ hiện đại bị cuốn theo rất nhiều trò chơi hấp dẫn trên Internet. Các trò chơi điện tử áp đảo trò chơi truyền thống. Nếu chỉ nhìn sự việc ở đó, phải chăng trò chơi dân gian đã không còn sức hấp dẫn trong thời buổi hội nhập văn hóa ?
Tuy nhiên đâu phải điều gì không xuất hiện nhiều thì sẽ bị lãng quên. Vấn đề là cần tạo ra không gian để các bạn trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các trò chơi dân gian truyền thống. Dạo qua khu vực trò chơi dân gian tại phố đi bộ Hoàn Kiếm mở vào mỗi dịp cuối tuần có thể thấy có rất nhiều người trẻ hào hứng tham gia. Điều đó chứng tỏ được sự hấp dẫn và sức sống tiềm tàng nhưng mạnh mẽ của các trò chơi dân gian.
Trò chơi bịt mắt bắt dê được tổ chức vào ngày lễ hội
Bạn Đỗ Phương Anh (21 tuổi, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên, Hà Nội) tìm đến trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe. Phương Anh cho rằng: “Các trò chơi điện tử rất hấp dẫn nhưng nó không lợi cho sức khỏe, chỉ ngồi lì một chỗ và nhìn màn hình máy tính khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Vì thế cứ mỗi dịp cuối tuần mình đều đến đây chơi các trò chơi dân gian một phần là để tìm về kí ức, một phần để rèn luyện thể lực. Mình thích nhất chơi kéo co và nhảy dây vì nó rất náo nhiệt, giải tỏa được căng thẳng và bức bối trong người. Các trò chơi dân gian đều gần gũi với thiên nhiên và có khả năng kết nối mọi người rất tốt. Chẳng có lý do gì để xa lánh chúng cả.”
Trẻ em thích thú với trò chơi ô ăn quan
Tuy không có nhiều kí ức về các trò chơi dân gian nhưng Minh Tâm (16 tuổi, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cũng tìm đến các trò chơi truyền thống để giải tỏa áp lực học tập, thi cử. Minh Tâm chia sẻ: “Hồi bé em cũng không hay chơi những trò chơi này nhưng lớn lên lại thích. Đặc biệt là khi Hà Nội mở phố đi bộ và có khu vực trò chơi dân gian. Em thường rủ bạn bè đến đây chơi ô ăn quan và đi cà kheo. Ban đầu không biết chơi nhưng được các anh chị trong đội tình nguyện My HaNoi chỉ bảo nên giờ em đã chơi rất “cừ” rồi. Trò chơi điện tử hay trò chơi dân gian thì đều có sức hấp dẫn riêng và không cái nào lấn át cái nào cả.”
Còn đối với Sùng Minh Thảo (22 tuổi, sinh viên Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) nhảy sạp là trò chơi gắn liền với tuổi thơ ấu mà bạn không thể nào quên. Thảo hào hứng nói về trò chơi dân gian: “Mình đến từ vùng cao núi đá Hà Giang, nhảy sạp là trò chơi phổ biến ở quê hương mình. Trò chơi giản dị này đã nuôi dưỡng năm tháng tuổi thơ và cùng mình lớn lên. Đây là một trò chơi thực sự hấp dẫn, vừa có sự uyển chuyển nhịp nhàng của tiết tấu và nhạc điệu, vừa phải đảm bảo sự dứt khoát và khéo léo của đôi chân. Nó cũng gắn kết mọi người rất tốt vì chúng ta có thể nắm tay nhau cùng nhảy. Nếu đã thử chẳng có lí gì để bạn ghét bỏ nó cả. Các trò chơi khác như kéo co, nặn tò he hay nhảy dây cũng rất thú vị.
”
Clip: giới trẻ hào hứng với trì chơi dân gian tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Những chia sẻ vừa rồi chính là minh chứng rõ ràng cho sức sống mạnh mẽ của trò chơi dân gian trong đời sống giới trẻ. Đâu phải giới trẻ chủ động thờ ơ với trò chơi dân gian. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh làm mất đi không gian của trò chơi truyền thống. Đây thực sự là một trở ngại lớn trong việc bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian. Cùng với đó, trò chơi dân gian phải đối đầu với sức cạnh tranh quá lớn của trò chơi điện tử. Tại khu vực cổng trường học, kí túc xá, nơi đông học sinh, sinh viên, các quán Internet “mọc” lên như nấm phục vụ nhu cầu chơi game (trò chơi điện tử) nhưng địa điểm để chơi các trò chơi truyền thống thì đếm trên đầu ngón tay.
Có nhiều bạn trẻ rất yêu thích các trò chơi truyền thống nhưng nó lại được coi như “đặc sản” chỉ được thưởng thức vào các dịp lễ tết. Giới trẻ Hà Nội muốn chơi trò chơi dân gian thì đến phố đi bộ, ở làng quê thì có thể tự tổ chức các trò đơn giản nhưng còn biết bao thành phố ở Việt Nam đang được hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt thì sao? Không gian nào cho những trò chơi truyền thống?
Những trò chơi tập thể thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ
Những trò chơi dân gian thử thách sự khéo léo, kiên cường và trí tuệ của người chơi, nó thể hiện bản sắc độc đáo của người Việt. Giống như cội nguồn văn hóa dân tộc, dù trải qua bao thách thức của thời đại sức sống của các trò chơi dân gian vẫn hiện diện trong trái tim mỗi người, dù là người trẻ hay già.
Để gìn giữ, lưu truyền trò chơi truyền thống cần cho nó trở về với đúng nghĩa “dân gian”, gần gũi với cuộc sống thường ngày và chan hòa với thiên nhiên, tạo cho các trò chơi môi trường tồn tại và phát triển để giới trẻ hay tất cả mọi người cùng tham gia.
Trần Mai
ĐPT K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận