“Những ngọn nến cong” toả sáng theo cách của riêng mình
(Sóng Trẻ) - Không đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên , làm việc chăm chỉ, đó là những gì mà các bạn trẻ tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam đang làm mỗi ngày.
Tìm thấy được ngôi nhà thứ hai
“Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam” nằm sâu trong con ngõ nhỏ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Khi tôi tìm tới đây, các bạn trẻ của trung tâm đang miệt mài, hăng say làm việc, để kịp gửi đi những đơn hàng khách đã đặt.
Các thành viên của trung tâm đa số là các trẻ em bị khuyết tật, nài ra còn rất nhiều những cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống gia đình khó khăn và có cả những trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Tại trung tâm, các em được học nghề may hoàn toàn miễn phí. Sau khi đã học thành nghề, các em tiếp tục ở lại làm việc tại trung tâm.
Nơi học tập và làm việc của học viên tại trung tâm
Em Nguyễn Thị Hoa Cúc ( Nam Định ) chia sẻ: Khách đến đặt hàng may, chúng em hoàn thành để gửi cho khách, sau đó là có tiền để gửi về giúp đỡ gia đình”. Cúc đến với trung tâm qua một lần xem tin tức, thấy trung tâm đang tuyển học viên dạy nghề miễn phí, cung cấp cả chỗ ăn, chỗ ở, cô gái nhỏ bé 16 tuổi người Nam Định ra Hà Nội và đã làm việc ở đây 6 năm qua.
Em Nguyễn Thị Hoa Cúc thành viên của trung tâm
Các em ở đây, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả tìm đến với trung tâm đều có mong muốn được làm việc, trở thành một người có ích cho xã hội. Khi được hỏi về cuộc sống ở đây tất cả các em đều nói với chúng tôi rằng: Chúng em ở đây tốt lắm, có công việc, có tiền hàng tháng gửi về giúp đỡ gia đình. Nhưng điều khiến chúng em vui nhất là mình không còn là gánh nặng của gia đình, có thể giúp đỡ cho gia đình.
Nỗ lực làm việc để vượt qua nỗi bất hạnh của số phận
Thầy Trần Duyên Hải, người sáng lập Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật có nói rằng: “ Chỉ có nghề nghiệp – việc làm mới giúp các em thoát khỏi nghèo khó và vượt qua được nỗi bất hạnh của số phận”. Mỗi một em ở đây đều có cho riêng mình những nỗi buồn, những cảnh đời éo le, không chỉ có những em khuyết tật bẩm sinh, có cả những trẻ em lang thang cơ nhỡ, bị cha mẹ bỏ rơi. Thế nhưng, không can tâm đầu hàng số phận, các em vẫn miệt mài làm việc để có thu nhập để nuôi chính bản thân mình, giúp đỡ cho gia đình mình.
Họ đến với cuộc đời không được may mắn như những người bình thường khác, nhưng đổi lại họ luôn biết cách để biến những khó khăn của mình thành động lực. Anh Tuấn, người được mọi người yêu mến gọi là thợ khéo tay nhất trung tâm, sinh ra đã bị dị tật ở chân. Nhưng đổi lại, anh có đôi bàn tay khéo léo, học nghề nhanh, may chắc tay, luôn được mọi người khen ngợi. Kể cả khoảng thời gian nghỉ ngơi, không phải làm việc, người ta vẫn thấy anh ngồi tập thêu cẩn thận từng đường kim mũi chỉ.
Anh Tuấn người thợ khéo tay nhất trung tâm
Vừa cặm cụi làm việc và chia sẻ với tôi, anh Tuấn có nói rằng anh luôn trận trọng từng giây phút được làm việc, vì đây là cơ hội mà những người như anh không dễ có được. “ Chân anh tuy có xấu 1 chút, nhưng đổi lại trời lại cho đôi tay này”, anh vừa cười vừa nói.
MC Hương Giang (một nữ MC khiếm thị) có nói rằng: “Nếu như những người bình thường là cây nến thằng, thì những người khuyết tật, những người có số phận kém may mắn, họ là những cây nến cong. Và điểm giống nhau giữa họ là đều toả sáng”. Những bạn trẻ tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam cũng thế, họ có cách toả sáng của riêng mình, bằng cách chăm chỉ lao động, làm việc hết sức mình.
Hiện nay, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động. Và có đến 1,2 triệu người khuyết tật có khả năng lao động nhưng chưa có việc làm. Đa số họ bị từ chối khi đi xin việc làm vì các doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất e ngại trong việc nhận người khuyết tật vào làm việc. Chính vì vậy những người có mảnh đời kém may mắn ấy, họ cần nhiều hơn những mái nhà như Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam.
Trang Nguyễn
Cùng chuyên mục
Bình luận