Thiêng liêng Thành cổ Quảng Trị ngày Thương binh - Liệt sĩ
(Sóng trẻ) - Trang nghiêm đứng giữa một vùng “đất thiêng”, Thành cổ Quảng Trị trở thành một chốn trở về ý nghĩa của biết bao người dân đất Việt những ngày cuối tháng 7.
Từ sáng sớm, từng đoàn người nối nhau vào dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị vào đúng ngày kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Cách đây 51 năm, chính tại mảnh đất này, chiến dịch 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) Quân Giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị đã diễn ra, mỗi mét vuông đất trở thành mỗi mét vuông máu.
Từ khắp mọi miền Tổ quốc, người dân đến đây với lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước hương linh các anh hùng, liệt sĩ. Bước chân người tới trở nên nhẹ nhàng, từng lời nói cất lên cũng phần nào khẽ khàng hơn. Ai ai cũng thấu hiểu rằng dưới lớp cỏ xanh non ấy là biết bao chiến sĩ đã nằm lại, là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của cả một thế hệ anh hùng. Trước hương linh các anh, người đến thăm đều dành một phút tưởng niệm, dâng hương tại đài tưởng niệm trung tâm.
Đài tưởng niệm nghi ngút khói hương và bao quanh bởi những vòng hoa tươi mà người dân đến viếng. Từ ba miền Bắc - Trung - Nam, nhiều người đã vượt nghìn cây số, cùng gia đình, đồng đội về đây thăm lại chiến trường xưa.
Từ Đồng Nai ra thăm, dừng chân tại Thành cổ Quảng Trị, ông Nguyễn Duy Mai - từng công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo Binh không khỏi bồi hồi xúc động: “Chiến tranh ác liệt lắm, để bảo vệ Thành cổ, có những đại đội của chúng tôi hy sinh gần hết. Vượt qua bên kia sông Thạch Hãn là điều vô cùng khó khăn, nhiều anh em mãi mãi nằm lại dưới lòng sông”. Với ông, “khi vào chiến trường, mình sẵn sàng tinh thần ‘một mất một còn’, chỉ cố gắng bảo vệ tính mạng để sống mà chiến đấu tiếp”.
Từng là đồng đội “vào sinh ra tử” tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1972, giờ lại trở thành anh em trong một gia đình lớn, khi nghĩ về thời chiến, đôi mắt ông Đặng Quốc Đạt và Nguyễn Duy Mai vẫn chất chứa những nỗi niềm sâu lắng.
Ông Đặng Quốc Đạt - chiến sĩ từng công tác tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48F320, đưa đôi bàn tay không còn toàn vẹn lên quẹt vội dòng nước mắt: “Nghĩ lại, tôi vẫn không biết vì sao mình còn sống, ngay cả những người đã hy sinh cũng phải hứng chịu thêm 2, 3 lần bom đạn. Người ngã xuống rồi, bom đạn vẫn tung”.
Tiếng chuông vang vọng thắt chặt lòng người. Trong không khí trang nghiêm ấy, anh Trần Trung Đoàn - cháu liệt sĩ Dương Văn Phú và gia đình kính cẩn nghiêng mình dâng hương. Liệt sĩ Dương Văn Phú quê tại tỉnh Vĩnh Phúc lên đường ra trận năm 17 tuổi và nằm lại tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Cách đây khoảng 10 năm, gia đình mới tìm được hài cốt của liệt sĩ và đem về quê nhà. Giờ đây, trong chuyến hành trình về với đất thiêng Quảng Trị, đến thăm Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia đường 9 và Thành cổ Quảng Trị, anh càng hiểu hơn về lịch sử dân tộc, càng trân trọng và biết ơn nền hòa bình mà đất nước ta đang có.
Ra chiến trường với một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô, hành trang giản dị ấy đã theo những người lính qua bao mưa bom, bão đạn. Lặng nghe lời thuyết minh, ngắm nghía những kỷ vật được trưng bày ngay bên trong đài tưởng niệm, bạn Trần Thị Vân Anh bày tỏ: “Mỗi lần đến đây mình đều cảm thấy ngưỡng mộ ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm của cha anh đi trước. Mình càng thêm tự hào và biết ơn khi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị anh hùng”.
Nhiều người dân Quảng Trị, cùng các đoàn đơn vị, doanh nghiệp đến đây dâng hương và đặt vòng hoa trong tháng tri ân tại Thành cổ Quảng Trị. Được biết, đây là hoạt động thường niên của nhiều doanh nghiệp để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng lực lượng vũ trang đã hy sinh để mang lại sự bình yên cho Tổ quốc.
Chiến tranh đã đi qua, thời gian vẫn chảy trôi nhưng những mốc son mà những chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị ghi dấu nơi mảnh đất này vẫn còn đó, không bao giờ phai mờ trong lòng người dân đất Việt. Máu của các anh đã hòa vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Thành cổ Quảng Trị ngày nay đã trở thành “sợi chỉ đỏ” mang giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.