Thuận lợi và khó khăn của việc học trực tuyến mùa dịch

(Sóng trẻ) - Bên cạnh những thuận lợi, học trực tuyến đem đến không ít khó khăn và đòi hỏi các bạn sinh viên khả năng thích nghi cao độ để có thể phát huy những thế mạnh của hình thức học tập này.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã áp dụng hình thức học trực tuyến đảm bảo việc học cho học sinh, sinh viên. Việc học trực tuyến có thể sẽ phải tiếp tục duy trì thêm một khoảng thời gian nữa nhằm đảm bảo phòng chống dịch và duy trì việc dạy học.

“Tuy có chút lo lắng việc học trực tuyến ở bậc đại học sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ về cách sử dụng phần mềm học trực tuyến kết hợp với việc đã học trực tuyến ở cấp 3 nên em không mất quá nhiều thời gian để làm quen và sử dụng thành thạo. Em nghĩ học trực tuyến không còn qúa xa lạ và có thể đây sẽ trở thành hình thức dạy học phổ biến trong tương lai” - Trịnh Trọng Khánh, tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

Chấp nhận thử thách

Việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang hình thức trực tuyến để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế là phương án tối ưu nhất và cũng không quá khó để sinh viên phải mất quá nhiều thời gian để thích nghi. Đây là phương án hiệu quả nhất khi sinh viên không thể đến trường. Học trực tuyến là cơ hội giúp sinh viên thể hiện được khả năng tự giác, rèn luyện kĩ năng, bản lĩnh và tư duy, tiếp cận với nền khoa học tiên tiến cũng như cùng nghành giáo dục chuyển đổi số mạnh mẽ.

Cần phải nhìn nhận theo hướng tích cực, hình thức học này mang đến rất nhiều thuận lợi nếu các bạn sinh viên biết tận dụng nó. Khi học trực tuyến, sinh viên có thể linh hoạt về thời gian và địa điểm học tập. Chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian để chuẩn bị và di chuyển tới trường nhưng vẫn có thể tiếp thu được kiến thức. Việc học trực tuyến cũng là lúc kích thích việc tìm tòi, tự học sự phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo của sinh viên khi khái quát nội dung bài học trở nên sinh động, gần gũi qua việc thiết kế qua phần mềm thiết kế Powerpoint.

Phạm Linh Chi, sinh viên lớp Báo ảnh K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hào hứng chia sẻ: “Học online vào thời điểm dịch bệnh này là một thuận lợi vô cùng lớn bởi vì trong lớp mình thì có rất nhiều bạn ở tỉnh khác, các bạn chưa thể tập trung về thành phố nên việc học online vừa tiết kiệm thời gian và an toàn cho mọi người nữa. Thêm một điểm nữa, sinh viên chúng mình hiện tại đang là năm tư nên việc học online rất hợp lý cho các bạn vừa học vừa làm vì các bạn có thể có thêm thời gian làm việc khác, vừa có thêm thời gian dành cho bản thân hơn thay vì như trước đây vừa phải đi học trên trường và vừa phải đi học trên lớp".

251783920_4711016995624750_8430719369353376476_n.jpeg
Bạn Phạm Linh Chi, sinh viên lớp Báo ảnh K38, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bắt đầu thích nghi với việc học trực tuyến. Ảnh: NVCC

 

Đối với các bạn sinh viên học song bằng, học cải thiện thì đây là một cơ hội tốt khi có thể đăng ký nhiều môn học, không phải di chuyển quá nhiều, rút ngắn thời gian học. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên thông thường chỉ học một buổi sáng hoặc một buổi chiều, buổi còn lại sẽ dành thời gian cho việc tự nghiên cứu và thực hành. Nếu biết tận dụng khoảng thời gian này, sắp xếp các lịch học, lịch sinh hoạt một cách khoa học, hợp lý thì các bạn sẽ có một lợi thế rất lớn trong công việc sau này.

Vẫn khó thích nghi

Điều gì bao giờ cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì hình học thức trực tuyến vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong quá trình học trực tuyến, không phải sinh viên nào cũng có đủ hai thiết bị như máy tính và điện thoại. Bên cạnh đó, mặc dù điện thoại di động được sử dụng khá phổ biến trong quá trình học tập trực tuyến hiện nay do tính tiện lợi của nó, nhưng so với laptop hay máy tính bàn thì mức độ hiệu quả vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm và xem xét cụ thể hơn.

Thực tế cho thấy, tham gia một lớp học trực tuyến ngoài việc sinh viên phải có một mức độ thành thạo kỹ năng về công nghệ thông tin thì cũng cần phải có phương pháp phù hợp để tương tác trên không gian mạng. Trong các lớp học truyền thống, quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin được diễn ra nhanh chóng, sinh viên có thể trực tiếp phản hồi và nêu ý kiến. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến đã khiến cho một số sinh viên trở nên khó khăn hơn trong việc nêu ý kiến xây dựng bài. Điều này vô tình làm giảm mức độ tích cực của buổi học. Lớp học hôm đó sẽ trở nên trầm lắng và sự tương tác hai chiều giữa giảng viên, sinh viên sẽ trở thành tương tác một chiều, việc học trở nên thụ động và chất lượng buổi học sẽ không cao.

Đáng chú ý, tình trạng thiếu tương tác trong buổi học trực tuyến lâu dần sẽ vô tình trở thành một gánh nặng tâm lý trong nhận thức của sinh viên đối với một số tiết học. Việc học trực tuyến trong thời gian dài, phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình máy tính, điện thoại (đặc biệt là tập trung một thời gian quá lâu vào màn hình điện thoại), thiếu giao tiếp với giảng viên hình thành tâm lý mệt mỏi và thiếu động lực học tập của sinh viên. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học tập của sinh viên, bởi vì tâm lý là yếu tố cốt lõi và đóng vai trò quyết định đến hiệu quả học tập.

Bạn Phan Thanh Thuỷ, sinh viên năm cuối khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Mặc dù cũng đã dần quen với việc học online nhưng với mình thì nó vẫn còn một số khó khăn như việc tương tác với lớp học vẫn còn nhiều hạn chế do mỗi lần phát biểu ý kiến qua mic mình có cảm giác không được thật lắm nên có thể nói sẽ không tốt. Bên cạnh đó, đôi khi trong các buổi học mình cũng bị mệt, sao nhãng do phải tập trung vào màn hình máy tính quá lâu, cộng với khối lượng bài tập năm cuối khá lớn nên việc học cũng trở nên khá căng thẳng”.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2021-10-27-lu-c-08-08-25-1.jpg
Bạn Phan Thanh Thuỷ trong buổi học trực tuyến. Ảnh: NVCC

 

Nhìn chung, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền phần lớn đã thích nghi được với phương pháp học trực tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn và rào cản nhất định bởi quá trình chuyển đổi gần như hoàn toàn từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. Do đó, đòi hỏi cần có một phương án giảng dạy phù hợp, phương pháp học tập khoa học, hiệu quả.

Liên tục phải triển khai các hình thức học trực tuyến trong khoảng thời gian vừa qua, cần đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu đào tạo từ xa có phải là một phương án cần được quan tâm phát triển trong thời gian tới hay không? Khi phương pháp dạy học trực tuyến đã không còn quá xa lạ với một số quốc gia trên thế giới và cần phải triển khai phương thức dạy và học trực tuyến trong tương lai như thế nào cho hiệu quả?
                                                                               

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN