Trẻ khủng hoảng tâm lý trong đại dịch - Kỳ 1: Những góc khuất phía sau màn hình điện tử

(Sóng trẻ) - Đại dịch COVID-19 khiến nhiều trường học phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Giải pháp tạm thời này đã ảnh hưởng không ít tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

“Sự gặm nhấm” tinh thần

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng không khỏi bàng hoàng, xót xa khi chứng kiến những sự việc liên quan tới các hành động tiêu cực của trẻ. Điển hình như vụ việc bé trai lớp 6 ở Hà Nội tự tử do áp lực từ việc học trực tuyến. Sự việc đã đặt ra không ít lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ trong đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính năm 2021 của UNICEF, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.

Đây cũng là một trong những vấn đề mà trẻ em Việt Nam đang gặp phải. Việc cả ngày phải ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính đã làm cho trẻ hạn chế vận động, giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, những áp lực học hành, thi cử cũng gây ra các vấn đề về tâm lý nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến những sự việc đau lòng.

anh-1-2.jpg
Trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều rối loạn tinh thần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (Ảnh: VOV)

Trong thời gian giãn cách xã hội và học tập trực tuyến do COVID-19, một số trẻ đã có biểu hiện của “Hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội”. Hội chứng này bao gồm tổng thể các dấu hiệu tâm lý, có thể biểu hiện độc lập hoặc đi kèm các biểu hiện của stress, lo âu và trầm cảm học đường.

Là một giáo viên dạy Tiểu học, chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai (trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) vô cùng lo ngại trước những vấn đề mà học sinh của mình gặp phải kể từ khi chuyển sang hình thức học trực tuyến. Chị chia sẻ: “Hiện tại, trong lớp tôi chủ nhiệm có một trường hợp học sinh mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý. Khi tham gia học online tại nhà, cha mẹ và thầy cô không thể sát sao trong suốt quá trình học tập của con trẻ dễ dẫn đến việc trẻ mất tập trung, không chú ý đến bài giảng, thậm chí là sử dụng Internet để giải trí, trêu chọc các bạn khác trong lớp”.

anh-2.gif
Buổi sinh hoạt lớp của cô giáo Huỳnh Mai và các em học sinh lớp 5 (Ảnh: NVCC)

Hội chứng tâm lý do giãn cách xã hội đã để lại những hệ quả khó lường. Trước tiên, trẻ có thể bị giảm kết nối xã hội do không được đến trường, giảm thời gian vận động ngoài trời. Tiếp đến, trẻ có khả năng bị rối loạn lịch sinh hoạt khiến việc tương tác giữa các thành viên trong gia đình cũng thay đổi.

Cùng với đó, sự căng thẳng từ cha mẹ cũng tác động đến tâm lý con trẻ. Khi cha mẹ phải chịu ảnh hưởng của áp lực kinh tế và phải làm việc trực tuyến cộng với làm “bảo mẫu” cho con cái học online đã ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi ứng xử, nuôi dạy con cái. 

Chia sẻ về những khó khăn khi phải cân bằng giữa công việc và dạy con cái tại nhà, chị Nguyễn Thị Thảo (42 tuổi, Thanh Hóa) cho hay: "Điều khiến tôi cảm thấy áp lực nhất có lẽ là việc cân bằng quỹ thời gian sao cho hợp lý. Vì là một giáo viên, ban ngày dạy học, tối đến phải chấm bài và soạn giáo án nên thời gian tôi dành cho gia đình cũng không có nhiều. Tôi không thể ở bên cạnh giám sát, đôn đốc việc học trực tuyến của con thường xuyên và ít khi dạy cho cháu học được”.

Cản trở sự phát triển lành mạnh 

Việc học online cũng gây ra một số ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất của trẻ. Đầu tiên phải kể đến đó là các vấn đề về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị… Ánh sáng xanh từ màn hình điện tử có thể dẫn đến suy giảm chức năng võng mạc của mắt, gây mỏi mắt, khô mắt, rối loạn giấc ngủ... khi tiếp xúc trong thời gian dài.

Đồng thời, việc hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển thị lực ở trẻ. Bằng chứng dịch tễ học cho thấy trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời giúp ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của cận thị.

anh-3-1.jpg
Bé Hải Yến mong muốn gia đình em sớm hết thời gian cách ly để có thể đến trường và học trực tiếp (Ảnh: NVCC)

Bé Nguyễn Thị Hải Yến (8 tuổi, sống tại Bắc Giang) cũng đã từng phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Là một đứa trẻ hiếu động, Hải Yến không hài lòng với trải nghiệm học online trong suốt thời gian dài. Cô bé trải lòng: “Kể từ khi học online, con tiếp xúc rất nhiều với màn hình máy tính và lười vận động hơn hẳn. Con thường xuyên cảm thấy đau mắt, mỏi lưng và nhức đầu. Mỗi khi cô giảng bài nhanh mà con không nghe kịp thì mẹ con sẽ không hài lòng về con khiến cho con cảm thấy buồn và rất khó chịu”.

Những vấn đề về tổn thương thể chất và tinh thần của trẻ trong đại dịch như một hồi chuông cảnh tỉnh gia đình, nhà trường, xã hội cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ khi học trực tuyến. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là toàn xã hội cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất, cần hành động nhiều hơn để nuôi dưỡng hạnh phúc, cũng như nhận ra các yếu tố đe dọa đến sự phát triển của trẻ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN