Viêt phóng sự: Từ giảng đường đến trang viết
(Sóng trẻ) - Phóng sự có thể coi là thể loại báo chí làm nên tên tuổi của một tờ báo.
Đồng quan điểm với những nhà báo nước nài như: Leonard Ray Teel – Ron Taylor, Karel Storkal…nhiều nhà báo Việt Nam cũng bày tỏ những quan điểm coi trọng phóng sự trên trang viết. Với những thành công của loạt bài phóng sự chính là điều kiện để gây dựng tên tuổi và thành công cho mỗi nhà báo. Trong cuốn “Phóng sự từ giảng đường đến trang viết” các nhà báo đã chia sẻ:
Nhà báo Nguyễn Quang Vinh: “Tôi vốn dễ dãi. Dễ quên. Dễ tha thứ. Dễ cảm động. Đã mua cái gì chỉ sau đó vài ngày là không thể nhớ mình đã mua bao nhiêu tiền. Nghe ai kể khổ cũng tin, cũng giúp. Nghe ai hứa cũng tin. Nghe ai khen cũng phổng mũi, vinh dự tự hào, có khi còn dưng dưng nước mắt vì nhwungx lời khen của thiên hạ. Nhưng tôi kỹ khi chọn cái để viết, nghĩ cái để viết. Tôi ngồi lê đầu đường, quán xá, hóng hớt chuyện thiên hạ rồi khi đã biết chỗ ấy chỗ kia có chuyện ấy chuyện kia thì xông đến cho bằng được. Đã hỏi cái gì là hỏi tới hỏi lui, hỏi ngược hỏi như ăn tươi nuốt sống người ta, hỏi cho đến khi người ta phát cáu đuổi ra khỏi nhà mới thôi.
Viết phóng sự phải tìm ra cái mới, cái lạ. Cái mới, cái lạ trong bài viết phải đổi bằng mồ hôi công sức. Phải “máu”đi. Đối với người làm báo, sợ nhất không phải do tài năng mà do lười biếng, sợ những nhà báo công tử, lên xe xuống ngựa, chỉ nhìn thấy cánh rừng cháy mà không dám lao vào ngửi cho được mùi tro than thì viết thật khó hay. Sợ nhất là các cuộc nhậu. Bây giờ người ta nhậu giữ lắm. Tựa như ngày mai là hết hạn nhậu nên hôm nay đi đâu cũng thấy uống. Phí thời gian lắm. Người viết nên trực tiếp ngồi trực diện trong bàn nhậu nhưng không phải để say bí tỉ mà để nghe, để ngửi cho ra mùi vị bàn nhậu rồi viết cho hay.
Người ta nói tôi viết nhanh. Nhưng người ta không biết, để viết nhanh tôi lại phải ngồi toan tính, nghĩ ngợi có khi cả ngày một mình với ấm trà, khuôn mặt đầy âm mưu cứ như người làm bạc giả. Người ta nói tôi viết dễ đọc, nhưng để dễ đọc người viết lại phải cào cấu, vặn vẹo, xoắn tít từng chữ khổ sở đến thế nào. Người ta nói tôi đụng vào cái gì cũng ra phóng sự nhưng để ra được một phóng sự bản thân người viết phải chất đầy năng lượng phóng sự: năng lượng cảm xúc, hồn vía, chữ nghĩa và vốn sống.
Người viết báo giỏi phải thuần văn. Văn hay tải được nhanh vấn đề cần nói, làm ngọt nước mắt người đọc và linh hoạt trong xử lý chi tiết. Làm văn đã rồi làm báo. Làm văn giỏi viết báo càng hay. Người ta còn nói tôi viết báo hay bịa. Nhưng nếu nhân vật đó không thở dài mà ta viết là thở dài để cảm động hơn, hay hơn thì dại gì không bịa - những cái vô hại.”
Nhà báo Ngọc Vinh: “Phóng sự, theo tôi đó là một (hay những câu chuyện) về hiện thực ngồn ngộn của đời sống, được kể lại (cho bạn đọc) một cách trung thực và đầy cảm xúc qua ngòi bút báo chí. Thiếu tính trung thực đó là một câu chuyện bỏ đi. Thiếu cảm xúc và sự hấp dẫn thì đó là một bài báo tầm thường.
Phóng sự có thể chứa đựng trong nó mọi sắc thái: sự đớn đau, sự phiền muộn, phê phán, căm phẫn, niềm vui và có thể là hạnh phúc. Nhưng trên hết, quan trọng nhất, giá trị nhất, là phóng sự phải đem lại lợi ích thiết thân nào đó cho con người và cuộc đời.”
Nhà báo Cù Mai Công: “Với tôi có nhiều định nghĩa về phóng sự, tôi cũng có một suy nghĩ: Hình như cái nào cũng đúng một chút vì nó định nghĩa được từ góc nhìn của tác giả. Với tôi phóng sự là ghi nhận của một cây bút về một sự kiện, một nội dung, một đề tài…mà tác giả đã từng chứng kiến, theo dõi nó tron thời điểm quan trọng nhất, kịch tính nhất, gay cấn nhất…chứ không phải chụp giựt sự kiện hiện tượng trong một thời điểm giai đoạn cao trào.
Thí dụ: Theo dõi đua xe thì phải có mặt trong giai đoạn kịch tính nhất, căng thẳng nhất, theo dõi sàn nhảy phải có được những chi tiết buộc tội như gái điếm, ma túy, xã hội đen…chứ không phải tả cảnh sàn nhạc nhảy ầm ĩ, ăn mặc mát mẻ…”
Nhà báo Thủy Cúc: “ Với tôi, ký sự đơn giản là tường thuật bằng sự quan sát trực tiếp, bằng những cảm nhận của mình, về nững gì đang diễn ra. Tôi luôn lo lắng, cái khó nhất trong mỗi lần viết là sự thẩm định đúng, sai trong những vụ án dân sự, người có tội hay không có tội trong những vụ án hình sự. Dường như, đó là những ranh giới rất mong manh…”.
Vũ Thị Trang
Truyền hình k32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận