Vượt lên nghịch cảnh, mẹ già hơn 30 năm nuôi dưỡng người con bại não
(Sóng trẻ) - Ở tuổi nài 70, lẽ ra bà Vũ Thị Loan, Tổ 3 khu 4, phường Yết Kiêu, Thành phố Hạ Long phải được an hưởng tuổi già, quây quần bên con cháu. Trớ trêu thay, người mẹ ấy vẫn tần tảo chăm người con liệt giường do căn bệnh bại não bẩm sinh. Đằng sau đó là câu chuyện vượt khó cảm động của một người phụ nữ đầy bản lĩnh.
Hình ảnh bà Loan đỡ người con trai bị bại não bẩm sinh 32 tuổi
Cuộc đời là trang đẫm nước mắt
Bà Loan vốn dĩ quê ở xã Nam Hòa, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng (nay thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, mẹ bà từng tham gia làm giao liên cho các cơ sở hoạt động cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cụ bà đã được cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng phong tặng bằng khen người có công với cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Một thời gian không lâu, đến năm bà Loan bước vào lớp một, vùng quê nhà gặp trận lũ lụt lịch sử nên gia đình bà phải di tản xuống Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Những năm sau đó, bà đi học và trở thành một học sinh xuất sắc toàn diện, được nhiều thầy cô giáo quý mến. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn và gia đình có nhiều anh em, bà học hết lớp bảy rồi nghỉ để đi làm nhiều nghề như bán hàng, thủ công, nấu ăn...
Đến năm 24 tuổi, bà lập gia đình và có hai người con gái. Cuộc sống đang êm thuận, ấm no, hạnh phúc thì đến năm đứa con gái thứ hai của bà lên 2 tuổi, tai họa bất ngờ ập đến với gia đình. Người chồng của bà hy sinh khi đang làm việc. Đau đớn tột cùng vì mất đi chỗ dựa lớn nhất của đời mình nhưng vì các con, bà Loan không thể suy sụp. Để có tiền nuôi các con ăn học, bà vực dậy, làm nhiều nghề, nhiều công việc vất vả. Tờ mờ sáng đi chợ bán rau, trứng gà, sớm về cho con đi học và làm vườn, trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Vì hoàn cảnh của anh chị em bà đều khó khăn, nên mọi người chỉ biết an ủi, động viên tinh thần của một người mẹ lại là người bố của đàn con thơ.
Nỗi đau lại tiếp tục ập đến
Nhiều năm một mình chăm con, bà Loan đi bước nữa. Lấy chồng về, nhưng bà nào có được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một người vợ. Chồng bà quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, khi ba tháng nhưng cũng có khi cả năm mới về nhà một vài ngày rồi lại đi. Mãi tới năm 1986, bà mới sinh người con trai thứ ba đặt tên là Phạm Ngọc Hiệp.
Lúc nào bà Loan cũng ân cần chăm sóc, động viên con phải luôn yêu đời, sống hạnh phúc
Hiệp sinh non thiếu 3 tháng, không như bao đứa trẻ bình thường khác, cậu chỉ nặng 1.2 kg. Cái cổ chân của Hiệp chỉ bé bằng ngón tay cái của người lớn, mặt cậu bằng chén hoa uống nước trà. Mỗi khi thở, cái bụng lại phập phồng như “bụng cóc”. Vì sinh non, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, hộp sọ của Hiệp mềm nhũn. Đến khoảng độ hơn một tháng tuổi, Hiệp mới mở mắt và biết bú sữa mẹ. Thời điểm đó, y học chưa phát triển, bà chỉ còn cách ấp con, áp sát con vào người. Hễ cứ đặt con xuống giường là con lại ngất đi. Bà Loan kể lại rằng nuôi con trai nhỏ rất khó khăn và vất vả, lại không có người chồng ở bên cạnh đỡ đần. Kể lại hồi ức đó, bà Loan không kìm nổi giọt nước mắt ẩn sâu trong đó là tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.
Tuy Hiệp sinh thiếu tháng, nhưng lại lớn nhanh như thổi. Tám tháng tuổi, cậu đã bắt đầu bập bẹ biết nói. Đến khi Hiệp tròn 18 tháng, gia đình bà phát hiện con mình không thể cầm được đồ chơi, nên bà đưa con đi khám. Đến bệnh viện, bác sĩ nói rằng con bà bị mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, vô phương cứu chữa, bà đành ngậm ngùi ôm con về nhà. Cuộc sống của gia đình bỗng chốc bị đảo lộn hoàn toàn, bao nhiêu hy vọng, tiền của bà dành hết vào việc chữa khỏi bệnh cho người con trai. Một năm trên 10 lần, bà lận đận đưa con lên các viện lớn ở Hà Nội để chạy điện, giúp con có thể cử động được các cơ ở chân, tay. Rất nhiều người mách bảo phương pháp từ thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc để chữa cho con nhưng bệnh tình không hề tiến triển.
Hàng ngày, bà Loan nuôi lợn, nuôi gà, làm giấm, nấu rượu để mưu sinh và chăm con. Công việc của bà chủ yếu chỉ quanh quẩn ở nhà để có thể để mắt đến cậu con trai tật nguyền. Vì người chồng đi làm xa nhà, nên một mình bà phải gánh vác hết công việc lớn bé, khó khăn. Nhiều lúc vừa địu con trên lưng, vừa bốc gạch để xây nhà, xây tổ ấm cho cả gia đình. Bà Loan chia sẻ:”Trong gia đình có một người con bị tàn tật cả đời, khiến cho kinh tế gia đình bị xáo trộn, tình cảm vợ chồng sứt mẻ, mọi thứ khó khăn bộn bề”. Nếu bà không là một người phụ nữ có nghị lực, biết vượt lên số phận, sẽ rất khó để vượt qua tất cả nỗi đau khổ này. Nhiều lúc bà cảm thấy mình như một người tù khổ sai, không có thanh xuân để đi chơi, vì lo cho đàn con, chồng và đứa con tàn tật.
Hình ảnh bà Loan xếp các thùng giấm để đi giao mỗi buổi sáng
Với kinh nghiệm tích góp lâu năm, hiện bà Loan có một cơ sở sản xuất giấm truyền thống và giao bán cho nhà hàng, khách sạn, chợ cùng những người dân xung quanh. Cứ mờ sáng, bà lại xếp những thùng giấm nặng lên giỏ xe và giao đến những nơi đặt hàng. Buổi trưa, bà trở lại ngôi nhà nhỏ của mình, ở đó còn có cậu con trai Hiệp, năm nay đã 32 tuổi nhưng vẫn còn mang thân hình của một đứa trẻ với đôi chân teo tóp, cụt lủn, cả ngày chỉ nằm một chỗ và chờ mẹ về cho ăn, tắm rửa. Tuy hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng một thân tự lam lũ, bà nuôi hai người con lớn học nghề và có việc làm, nuôi người con gái út học hết bốn năm đại học. Bà luôn dạy các con của mình phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có ăn cùng chia sẻ, có buồn vui phải động viên và bên nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt phải biết yêu thương bố mẹ, thân thiện, sống tốt với mọi người.
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Cuộc sống của bà Loan đến nay đã ổn định hơn. Cả ba người con gái đều đi học, lập gia đình và có nghề nghiệp, cuộc sống ổn định. Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là việc các con mình đều thành đạt, trở thành những người tốt, sống có ích.
Riêng với cậu con trai tật nguyền Phạm Ngọc Hiệp, bà Loan cũng có được niềm an ủi khi con mình là người rất thông minh, có trí nhớ lâu, nhạy bén với thời cuộc. Hiệp là người khôi hài, yêu đời thường xuyên hát, kể lại những câu chuyện được biết trên tivi cho gia đình nghe vào những lúc cả mọi người quây quần bên nhau. Người con trai ấy có những ước mơ nhỏ bé rằng “nếu con biết đi, con sẽ cố trở thành một chiến sĩ công an giỏi, đi bắt bọn tội phạm, giúp ích cho xã hội, cho đất nước”.
Mặc dù bị tàn tật, nhưng không khí gia đình luôn tràn ngập nụ cười hạnh phúc
Hàng ngày, khi hết việc giao hàng, việc nhà, bà lại trở về bên, chăm bẵm, tắm rửa cho cậu con thứ tuổi 32 của mình như những ngày còn thơ bé. Dù khó khăn, vất vả bao nhiêu nhưng bà vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Vào những buổi sinh hoạt, ngày họp, bà vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động như giao lưu văn nghệ trong Hội Phụ nữ của phường và những cuộc thi hát do khu phố, địa phương tổ chức.
Bà Loan luôn hy vọng một ngày nào đó, y học thế giới sẽ phát triển hơn để có thể chữa được căn bệnh bại não bẩm sinh, để không có những mảnh đời bất hạnh như người con trai của bà. Bà có lời khuyên đến những bậc phụ huynh có con mắc bệnh rằng phải luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực, dù có gặp chuyện gì khó khăn không được lùi bước.
Mỗi khi nghe những câu chuyện kể về quá khứ, tôi không khỏi cảm phục đức hy sinh của người mẹ tảo tần, lam lũ. Dù cực khổ, vất vả nhưng trong đôi mắt của bà, tôi vẫn thấy hiện lên niềm hạnh phúc, dẫu đó chỉ là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi.
Huyền Chi
Cùng chuyên mục
Bình luận